Chương trình tiêm chủng mở rộng: Lá chắn vững chắc
Sau 25 năm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm đáng kể. Đặc biệt, sự hiểu biết quan tâm của cộng đồng bảo vệ sức khỏe đã được “phủ sóng” rộng khắp...
Thành tựu
Theo số liệu tổng kết của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh, kết quả tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 1988 đến nay luôn đạt trên 90%, riêng trong năm 2007 do thiếu vắc xin sởi nên chỉ đạt 86,6%. Đối với vắc xin uốn ván trong những năm đầu tiên triển khai tỷ lệ đạt còn thấp, nhưng từ năm 1997 tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiêm vắc xin uốn ván luôn đạt hơn 80% trên phạm vi toàn tỉnh. Bác sĩ Trần Văn Hoàn, Phó Giám đốc TTYTDP tỉnh cho biết công tác tiêm chủng mở rộng luôn được ưu tiên hàng đầu từ khi còn chưa chia tách tỉnh. Hằng năm, ngành y tế triển khai nhiều đợt tiêm chủng chiến dịch tại những huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Khó khăn nhất vẫn nằm ở các địa bàn miền núi nhưng với sự hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị khác như bộ đội biên phòng, hội phụ nữ, chương trình ngày càng thuận lợi hơn. Chỉ sau 10 năm, số thôn bản trắng về tiêm chủng được xóa bỏ. Các địa phương tự động xây dựng kế hoạch tiêm chủng theo thực tế lấy phương châm tăng dần số xã tiêm chủng thường xuyên, giảm dần số xã tiêm chủng chiến dịch. Riêng từ năm 1999, Quảng Nam đạt tiêu chí là duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trên 90% theo quy mô huyện. Từ đó góp phần quan trọng thay đổi mô hình bệnh tật ở trẻ em tại các huyện vùng núi.
Tiêm chủng vắc xin cho trẻ em tại trường mẫu giáo. Ảnh: A.T |
Song song với tiêm chủng trẻ em, hoạt động tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ mang thai và nữ tuổi sinh đẻ từ 15 - 35 tuổi cũng đẩy mạnh. Y tế dự phòng làm chủ đạo, các chương trình của dân số kế hoạch hóa, sức khỏe sinh sản phối hợp điều tra, nắm bắt đối tượng mang thai để được tư vấn và tiêm vắc xin. Chiến dịch “Những ngày tiêm chủng toàn quốc” thực sự trở thành những ngày hội tiêm chủng trên toàn tỉnh, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được uống đủ 2 liều vắc xin bại liệt trong các chiến dịch luôn đạt trên 95%. Ngoài ra, Quảng Nam còn triển khai thành công những chiến dịch uống vắc xin bổ sung tại những vùng nguy cơ cao và các huyện biên giới. Việc duy trì tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt luôn đạt trên 95% là những thành tố quan trọng để tỉnh nhà được công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2.000.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế thông tin thêm: “Thành quả 25 năm tiêm chủng mở rộng (TCMR) của tỉnh được ghi nhận qua hai điểm mốc: kỷ niệm 20 năm hoạt động TCMR (1985 -2005), dự án TCMR Quảng Nam vinh dự là 1 trong 10 tỉnh/thành được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Trong năm 2011, kỷ niệm 5 năm hoạt động TCMR ( 2006 -2010), Quảng Nam là 1 trong 18 tỉnh/thành vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đó là điều đáng khích lệ và cũng là động lực để ngành y tế triển khai sâu rộng hơn chương trình này trong những năm tới. |
Đáng mừng hơn, tỷ lệ mắc sởi ở trẻ em Quảng Nam giảm một cách rõ rệt. Năm 1986 số trẻ mắc bệnh sởi là 1.034 trường hợp, có ca tử vong vì sởi; đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 2 trường hợp mắc sởi. “Tuy nhiên việc tiêm 1 liều vắc xin sởi duy nhất cho trẻ dưới 1 tuổi là không đủ để khống chế bệnh sởi một cách bền vững. Muốn loại trừ bệnh sởi trẻ em phải được tiêm đủ 2 liều vắc xin sởi” - bác sĩ Huỳnh Công Quang, Trưởng khoa Giám sát bệnh truyền nhiễm vắc xin sinh phẩm cho biết. Riêng 6 huyện miền núi của tỉnh được Cục Y tế dự phòng công nhận đã thành công chiến dịch tiêm sởi bổ sung cho đối tượng từ 7 tuổi đến 20 tuổi.
Thay đổi ý thức
Các bệnh truyền nhiễm trẻ em dần dần được kiểm soát, số mắc và chết giảm đi rất nhiều. Bệnh bại liệt được thanh toán từ năm 2000, bệnh UVSS loại trừ từ năm 2005, đang hướng đến loại trừ bệnh sởi vào năm 2015. Các bệnh nguy hiểm khác như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, viêm gan B có thể chắc chắn được kiểm soát rất tốt trong thời điểm hiện tại. Điều quan trọng nhất sau 25 năm thực hiện tiêm chủng mở rộng ở Quảng Nam là ý thức về chăm sóc bảo vệ sức khỏe của người dân đã được thay đổi. Bác sĩ Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế đúc kết: “Thực hiện tiêm chủng mở rộng kết hợp với tuyên truyền cho người dân đã dần dần thay đổi quan niệm “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Người dân đã biết đi tiêm phòng vắc xin không chỉ cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ mà còn với bản thân mình trước rất nhiều loại bệnh tật hiện nay”.
Trạm Y tế xã Trà Linh, huyện Nam Trà My có thể xem là một trong những trạm y tế xa nhất của tỉnh. Đến lịch tiêm chủng, bà con dân tộc Xê Đăng ở các thôn vẫn đến rất đông theo giấy thông báo của y sĩ Nguyễn Đức Na. Phụ trách công tác y tế thôn bản, rồi y sĩ ở trạm gần 20 năm nay, y sĩ Nguyễn Đức Na cho biết: “Ngày trước đi tiêm vắc xin cực khổ lắm. Hai anh em vác theo một thùng vắc xin vào tận các thôn bản. Đối với nhiều loại vắc xin giữ lạnh phải vác theo cả thùng đá đi cả ngày mới đến các nóc. Bây giờ thì không vất vả nữa, chỉ gửi giấy mời là người dân sẽ đến trạm”. Hay như Trạm Y tế phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ vào ngày 25 định kỳ hằng tháng luôn chật kín phụ huynh đưa trẻ đến tiêm vắc xin. Chính sự hiểu biết và tham gia tích cực của cộng đồng đã góp phần vào thành công của chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh.
Anh Trâm