Cần rõ ràng hơn trong câu chữ
Hiến pháp được xem là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, vì
Theo Đại tá Phạm Xuân Thiện, trong Điều 4 (sửa đổi, bổ sung Điều 4), đề nghị thay dấu “phẩy” sau cụm từ “Đảng Cộng sản Việt Nam” bằng từ “là” để rõ nghĩa và phù hợp với lời mở đầu của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI): “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân lao động và của cả dân tộc”. Tại Điều 11 (sửa đổi, bổ sung Điều 13), nên thay đổi cụm từ “chống lại” bằng cụm từ “xâm phạm”. Vì Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, trong khái niệm tội phạm viết: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”. Do đó, ông Thiện đề nghị nên viết hoàn chỉnh là “Mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị theo pháp luật”.
Cũng tại Điều 18 (sửa đổi, bổ sung Điều 49), ông Thiện cho rằng nên thay dấu “phẩy” bằng cụm từ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để ý rõ nghĩa, trong sáng hơn. Và viết lại là “Công dân Việt Nam không bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc giao nộp cho nhà nước khác”. Điều 37 (sửa đổi, bổ sung điều 73), cần thay từ “vào” sau cụm từ “không ai được tự ý” bằng từ “xâm phạm” để đảm bảo tính khái quát cao. Viết hoàn chỉnh là “Không ai được tự ý xâm phạm chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý”. Ở Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các Điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25) với nội dung: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Quy định như vậy là đầy đủ, mang tính tổng quát, bám sát nội dung của Cương lĩnh, vừa phù hợp với tính chất quy định của Hiến pháp; không cần thiết phải nêu cụ thể tên và vai trò của các thành phần kinh tế. Vấn đề này cũng đã được quy định tại các luật và chính sách của Nhà nước.
Về Điều 57 (sửa đổi, bổ sung Điều 17 và Điều 18), ông Thiện góp ý nên hoán đổi từ “khoáng sản” ra trước từ “tài nguyên nước” để đảm bảo tính logic và tầm quan trọng của các loại tài nguyên. Nên viết lại “Đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên khác…”. Đối với Điều 58 (sửa đổi, bổ sung Điều 18), ông đề nghị thêm từ “pháp” trước từ “luật” để viết thành “theo quy định của pháp luật”. Bởi trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp có nhiều cụm từ “theo luật định” và “theo quy định của pháp luật”. Nhưng nghĩa hai cụm từ này cùng nghĩa, mà trong một văn bản luật cần phải thống nhất khi dùng cụm từ. Vì đây là Hiến pháp nên có tính thống nhất và dùng cụm từ “theo quy định của pháp luật” là hợp lý. Ở Điều 66 (sửa đổi, bổ sung Điều 35 và Điều 36), để thể hiện được quan điểm của Đảng ta trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhằm “…nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài…” là quá trình xuyên suốt từ bậc học phổ thông (nâng cao dân trí) đến đại học (đào tạo nhân lực) và sau đại học (bồi dưỡng nhân tài), ông Thiện cũng góp ý nên sửa lại thành “Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”.
Tại Điều 68 (mới), ông đề nghị thêm cụm từ “hậu quả” sau cụm từ “khắc khục” để cho rõ nghĩa, cụ thể hơn. Và viết lại hoàn chỉnh là: “Tổ chức, cá nhân, gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại”. Điều 71 (sửa đổi, bổ sung Điều 46), theo ông Thiện có 2 vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, với quan điểm của Đảng ta xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh”, rộng khắp, hùng hậu”. Như vậy, Điều 71 thiếu cụm từ “vững mạnh”; thứ hai, Điều 14 của Luật Quốc phòng quy định “Quân đội nhân dân bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân có bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương”. Do đó, ở Điều 71 không thể nói “lực lượng dự bị động viên… cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”. Điều 72 (sửa đổi, bổ sung Điều 47) viết: “Công an nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Theo ông Thiện, nên đưa cụm từ “đấu tranh phòng, chống tội phạm” ra trước cụm từ “bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội” để bảo đảm logic với tính chất, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân.
XUÂN NGHĨA (lược ghi)