APEC: Động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới
Từ ngày 25.1-7.2, tại thủ đô Jakarta, Indonesia diễn ra Hội nghị Các quan chức cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương-APEC lần thứ nhất (SOM-1).
Tại hội nghị lần này, các quan chức cấp cao đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC thảo luận các nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APEC 2013 được tổ chức tại Bali, Indonesia vào tháng 10 tới. Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp nước chủ nhà, Suswono cho biết, với chủ đề “Khả năng phục hồi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới”, mục tiêu của APEC năm 2013 là thực hiện các biện pháp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn của châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã và đang chuyển dịch từ phương Tây sang khu vực này. Hội nghị SOM-1 diễn ra cũng là lúc Diễn đàn Kinh tế thế giới 2013 vừa kết thúc tại thủ đô Davos, Thụy Sĩ với lời cảnh báo mới về sự “mong manh và dè dặt” của nền kinh tế thế giới. Vì vậy, các nước còn rất nhiều việc phải làm để ổn định nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của APEC năm 2013 vẫn đạt mức tăng trưởng khá là 4,5%, vượt xa với mức tăng trưởng trung bình của kinh tế toàn cầu với dự báo là đạt 3,5%. Do đó, APEC đã được đánh giá là “đầu tàu kinh tế” của thế kỷ 21 cũng như là động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới trong bối cảnh hiện nay.
Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia khai mạc hội nghị SOM-1. |
Một nội dung quan trọng thu hút sự quan tâm của hội nghị lần này chính là vấn đề an ninh lương thực. Bởi Tổ chức Nông lương quốc tế đã dự báo giá lương thực tăng cao và những bất ổn trên thị trường này sẽ trở thành vấn đề toàn cầu trong vòng một thập kỷ tới trong khi đại đa số người dân khu vực sống phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp. Do đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia cho rằng, người nông dân của tất cả quốc gia cần đoàn kết lại để ứng phó tình trạng bất ổn trong nông nghiệp. Ông Suswono nói: “Indonesia cũng rất quan ngại về vấn đề an ninh lương thực, dẫn đến năng suất thấp do các hiện tượng mất mùa, phân bố không đồng đều và tình trạng lãng phí thực phẩm. Qua diễn đàn an ninh lương thực và hợp tác chính trị lần này, chúng tôi hy vọng sẽ cải thiện tình hình và thực hiện đầy đủ các cam kết về an ninh lương thực đã thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2012 tại Nga”.
Tổ chức APEC được thành lập năm 1989, là một một diễn đàn kinh tế mở nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nến kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, thực sự mở cửa đối với các nước và khu vực khác. Hiện nay, APEC có 21 thành viên chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới và đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới. |
Bộ trưởng Suswono cũng nêu rõ, trong vai trò nước đăng cai và mong muốn củng cố vai trò lãnh đạo của mình ở Đông Nam Á nói riêng và trong APEC nói chung, Indonesia đã đưa 3 nội dung ưu tiên trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh APEC 2013. Trong đó bao gồm việc đạt được các mục tiêu thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư cho các nền kinh tế phát triển năm 2010 và các nền kinh tế đang phát triển 2020; thúc đẩy kết nối, tăng trưởng bền vững và công bằng, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực an ninh lương thực và năng lượng, thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động, nâng cao vai trò của nông dân, ứng phó khẩn cấp với thiên tai và khủng hoảng, công nghệ xanh, chống tham nhũng và khủng bố, nâng cao tính minh bạch, thúc đẩy thương mại điện tử và đầu tư…
Quốc Hưng