Paris, âm vang câu chuyện hào hùng
Trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, mặt trận đấu tranh ngoại giao ghi một chiến công chói lọi với
Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris. |
Gần 40 năm sau ngày ký Hiệp định Paris, nhà ngoại giao xuất sắc
Đấu tranh về... cái bàn
Bước vào cuộc đàm phán, bắt đầu là cuộc đấu tranh về cái bàn. Vì sao có kiểu bắt đầu đặc biệt như vậy? Theo bà Nguyễn Thị Bình, đó là do “hình thù và cách phân chia chỗ ngồi ở bàn chính là xác nhận tính chất pháp nhân của các bên đàm phán”.
Lúc đó, Trưởng đoàn đàm phán của phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa là ông Xuân Thủy, đã quyết liệt tranh cãi với đại sứ Mỹ Harriman về vai trò của đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mỹ cũng muốn đưa đoàn của chính quyền Sài Gòn vào bàn đàm phán. Do vậy cuộc đấu tranh để 2 bên hay 4 bên tham gia đàm phán có ý nghĩa chính trị quan trọng. Phía ta yêu cầu một cái bàn vuông cho 4 bên, hoặc một cái bàn tròn chia đôi. Vì cuộc đấu cái bàn lan ra ngoài nên nhiều hãng đồ mộc nổi tiếng gửi mẫu đến chào hàng. Bà Bình kể lại, sau cùng đi đến thống nhất là một cái bàn to, đường kính 8 mét, cắt đôi, trải khăn bàn màu xanh, mỗi bên có một vạch phân chia nằm bên ngoài, như vậy ai hiểu là hai hay bốn bên cũng được.
“Sáng ngày 27.1.1973, phòng hội nghị Kléber rực sáng ánh đèn. Trước nhà Hội nghị, hàng ngàn người, kiều bào ta, bạn bè Pháp và các nước vẫy chào chúng tôi giữa một rừng cờ đỏ sao vàng và cờ nửa đỏ nửa xanh. Đúng 10 giờ, bốn bộ trưởng ngoại giao (Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình - Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ; phía Mỹ là William P.Rogers cùng Trần Văn Lắm - đại diện chính quyền Sài Gòn) ngồi vào bàn, mỗi người ký 32 văn bản của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh Việt Nam”. (Nguyễn Thị Bình – Gia đình, bạn bè và đất nước). |
Đấu được cái bàn xong thì còn việc sắp xếp để ngồi vào bàn như thế nào là cả một kỹ xảo ngoại giao. Phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngồi sát nhau như một bên, còn phía ta đoàn Mặt trận và đoàn chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngồi thành hai đoàn riêng biệt. Rõ ràng cách ngồi như vậy, về mặt hình ảnh ngoại giao ta có lợi hơn, tỏ vẻ độc lập tự chủ, còn phía Mỹ cho thấy một chính quyền Sài Gòn bị phụ thuộc. Cũng từ vị thế đó, sau này khi được nhà báo quốc tế đến phỏng vấn hỏi có phải miền Bắc đưa quân vào miền Nam không, bà Nguyễn Thị Bình đã khéo léo mà dõng dạc trả lời “Dân tộc Việt Nam là một. Người Việt Nam ở Bắc cũng như Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược”.
Kiên trì và khéo léo
Cuộc đàm phán bắt đầu từ tháng 11.1968 đến 27.1.1973 mới kết thúc (thực tế phải đến 27.2.1973 mới có hội nghị xác nhận tính pháp lý của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam). Trong suốt quá trình đàm phán, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ nguyên trưởng đoàn Xuân Thủy. Phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, sau khi thay ông Trần Bửu Kiếm, bà Bình đảm nhận trưởng đoàn đến chung cuộc. Còn phía Mỹ thay trưởng đoàn đến 5 lần (Cabot Lodge, David Bruce, William Porter, Habib, Bunker). Điều đó cho thấy sự trì chí của đoàn phía ta, khiến báo chí quốc tế phải khâm phục, và có nhà bình luận phải thốt lên rằng “Việt Cộng nhất định thắng vì họ quá kiên trì”.
Trên trường đấu ngoại giao, không ít lần phía Mỹ lật lọng. Đỉnh điểm của sự lật lọng là ngay khi dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận từ đầu 10.1972 và dự định đến 30.10 sẽ ký nhưng đầu tháng 11.1972, Nixon thắng cử tổng thống Mỹ, đòi sửa lại Hiệp định và cho B52 không kích miền Bắc Việt Nam suốt 12 ngày đêm. Chỉ đến khi ta lập nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, thì Mỹ mới chịu ngồi lại bàn đám phán để ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh. Và, ngay cả lúc Hiệp định ký chưa ráo mực thì Mỹ hà hơi tiếp sức cho chính quyền Sài Gòn mở chiến dịch tràn ngập lãnh thổ, lấn chiếm vùng giải phóng. Ta phải hết sức vất vả chống địch lấn chiếm, có vùng sau này bà Nguyễn Thị Bình đến thăm, một vị chỉ huy đã nói rằng “các đồng chí ký Hiệp định Paris chúng tôi phấn khởi ‘tơi bời’ ”.
Trong suốt quá trình đàm phán, các đoàn phía ta đã tranh thủ sự giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế, nhất là nước chủ nhà Pháp. Sự kiên trì và khéo léo còn thể hiện ở chỗ phía ta đã tận dụng khá tốt lợi thế báo chí đem lại để kêu gọi dư luận ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam, đòi Mỹ rút quân xâm lược. Có lần bà Nguyễn Thị Bình đã tổ chức cuộc họp với 400 nhà báo quốc tế để thông tin tình hình và bày tỏ quan điểm của Việt Nam, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ. Có lúc bà đã sẵn sàng thực hiện cuộc đối thoại với 20 nhà báo quốc tế thuộc hàng “sừng sỏ” thông qua kênh truyền hình Pháp, thực hiện giữa hai đầu Paris và Washington. Ngoài lúc ngồi vào bàn tranh luận, bà Nguyễn Thị Bình còn thực hiện nhiều chuyến công du đến các nước để vận động dư luận quốc tế ủng hộ, như có lần sang Anh, phát biểu trước rừng người ở quảng trường Trafalgar lớn nhất London. Bà Bình “đã được thấy ân tình sâu đậm mà cả thế giới dành cho cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta”.
ĐĂNG QUANG