Vai trò “đại sứ”
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ không thành công nếu thiếu đi sự góp sức nhiệt tình và đông đảo của hàng ngàn tiểu thương từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo… Họ chính là “đại sứ” của hàng Việt.
Tiếp thị viên nhiệt tình
Để phục vụ và hỗ trợ tối đa cho các bà nội trợ hiện đại, đã có sự xuất hiện của các siêu thị, trung tâm mua sắm, kênh mua sắm online. Tuy nhiên, vai trò của chợ truyền thống vẫn không dễ “xóa bỏ” trong ngày một ngày hai, thậm chí ngược lại khi hình thức kinh doanh này đang chiếm thị phần lớn ở khu vực nông thôn, miền núi. Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, hiện cả tỉnh có hơn 160 chợ truyền thống. Tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương mà quy mô của mỗi chợ có khác nhau. Ở vùng hẻo lánh chợ bó hẹp chỉ vài mươi sạp hàng, nhưng với một số nơi như chợ Tam Kỳ, chợ Trung tâm thương mại (Tam Kỳ), chợ Hội An (Hội An), chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn), chợ Nam Phước (Duy Xuyên)… thì có thể lên đến hàng trăm sạp hàng. Trong đó, chợ Tam Kỳ hiện nay có số lượng tiểu thương buôn bán kinh doanh đông nhất với hơn 1.000 người.
Các tiểu thương là những tiếp thị viên nhiệt tình khi vận động dùng hàng Việt. Ảnh: THỤC ANH |
Ở siêu thị, người tiêu dùng mặc sức lựa chọn sản phẩm phù hợp với túi tiền, giá cả cũng được niêm yết công khai. Tuy nhiên, “thế mạnh” của chợ truyền thống lại là những lời tư vấn “có cánh” về cách tiêu dùng hàng hóa của các mẹ, các chị. Chính vì thế, một khi sản phẩm tạo được uy tín với các tiểu thương, thì cũng sẽ dễ dàng được khách hàng chấp nhận. Bà Ngô Thị Châu (kinh doanh mặt hàng bánh kẹo tại chợ Tam Kỳ) kể: “Hơn 10 năm bán bánh kẹo thì chừng đó năm bánh ngọt của Cơ sở sản xuất bánh Thái Bình ở phường Trường Xuân, Tam Kỳ luôn được khách hàng của tôi ưa chuộng. Tôi đem chuyện bánh Thái Bình kể với đứa cháu họ đang kinh doanh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, nó liền mang một số loại bánh hiệu này ra bày bán. Thật bất ngờ, bánh Thái Bình đã được tiêu thụ mạnh tại cửa hàng lưu niệm mà cháu tôi đang kinh doanh”.
Vậy là bánh ngọt của cơ sở Thái Bình đã không chỉ dừng chân ở phạm vi Việt Nam mà có thể đã lan tỏa khắp nơi trên thế giới, từ cửa hàng lưu niệm tại sân bay Đà Nẵng, và xa hơn là từ “tư vấn” của một tiểu thương Tam Kỳ. Sự thành công của Cơ sở sản xuất bánh Thái Bình không chỉ dựa vào các yếu tố như chất lượng, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm… mà phần nào đó còn nhờ vào những người tiểu thương như bà Châu.
Gắn kết
Việc nhiều bà nội trợ thường giữ thói quen đến mua sắm tại chợ và các cửa hàng quen thuộc còn vì nhiều lý do khác nữa. Đến chợ, các chị không chỉ “thảo luận” với chủ tiệm hàng về sản phẩm chất lượng, phù hợp túi tiền mà còn có thể… ghi nợ nếu chẳng may lúc đó mua lượng hàng nhiều hơn dự định. “Thời gian gần đây, do lo ngại an toàn vệ sinh thực phẩm nên tôi mua thực phẩm tươi sống tại siêu thị để được bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng với các mặt hàng khác, tôi lại tìm đến chợ vì sự tiện dụng, quen biết. Các chị bán hàng cũng cung cấp nhiều thông tin bổ ích. Chính vì sự tin tưởng giữa người mua và người bán nên sản phẩm nào các chị giới thiệu mình đều yên tâm” - chị Dương Trà Mi (Công ty ô tô Trường Hải - Chu Lai), cho biết.
Sau nhiều câu chuyện liên quan đến hàng Trung Quốc, như có chứa “chất lạ” ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng (mới nhất là phát hiện áo ngực phụ nữ chứa chất lạ), người tiêu dùng đã cẩn trọng hơn. Giá cả không quyết định nhu cầu mua sắm của họ, thay vào đó là yếu tố nguồn gốc, xuất xứ. Và tiểu thương được kỳ vọng sẽ biết rõ đặc điểm, xuất xứ, cách phân biệt hàng Việt Nam hay Trung Quốc để tư vấn, hướng dẫn khách hàng. Chị Nguyễn Thị Linh (chủ ki-ốt giày dép Linh tại chợ Tam Kỳ) nói với khách đang sắm hàng tết: “Đây là giày dép được sản xuất tại Cơ sở sản xuất giày dép Huệ Như (Đà Nẵng), trên sản phẩm có ghi địa chỉ, xuất xứ rõ ràng nên không lo ngại tráo hàng Trung Quốc. Tui cũng toàn mang giày dép của những cơ sở sản xuất này, giá thành vừa phải, lại yên tâm”.
Nhìn ở góc độ kinh tế, tiểu thương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ hàng hóa và xây dựng văn hóa tiêu dùng cho khách hàng. Chị Linh chia sẻ thêm: “Đa số tiểu thương sẵn sàng đặt yếu tố lợi nhuận xuống vị trí thấp hơn một tí để ủng hộ hàng Việt, nếu đó là hàng chất lượng. Tiểu thương sẽ là “khách hàng” đầu tiên thẩm định chất lượng sản phẩm, sau đó sẽ tiếp thị cho người tiêu dùng khác”. Thời gian qua, một số công ty cũng đã nhận ra vai trò quan trọng của tiểu thương và có phương thức “chăm sóc” nhất định để thông qua đó đưa được hàng đến với người tiêu dùng, tạo sự gắn kết giữa DN và tiểu thương. Chẳng hạn, Công ty Dầu ăn Tường An có chương trình: khi khách hàng mua một thùng dầu nành tại các quầy hàng trong chợ, tiểu thương sẽ nhận được 1 thẻ cào khuyến mãi. Trị giá phần quà có thể không nhiều, nhưng hình thức khuyến mại này cho thấy DN chú trọng nhiều hơn đến các tiếp thị viên hàng Việt nhiệt tình. Từ đó, xác suất thành công của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sẽ cao hơn, một khi hàng Việt nhanh chóng đến tay khách hàng.
CHIÊU THỤC ANH