Tiền thưởng và trách nhiệm
Cuối tuần qua, trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) đạt thành tích xuất sắc trong công tác huấn luyện, thi đấu năm 2012. Với việc giành 61 huy chương các loại tại các giải vô địch, cúp và trẻ quốc gia, 40 VĐV và 13 HLV đã được khen thưởng. Trong đó, VĐV được thưởng mức cao nhất hơn 10 triệu đồng, HLV thưởng cao nhất hơn 16 triệu đồng. Đây là phần thưởng xứng đáng với những gì mà các HLV, đặc biệt là VĐV đã thể hiện trong năm qua trên các đấu trường quốc gia và quốc tế.
VĐV phải khổ luyện mới có thể thành công. Ảnh: A.S |
Để được khen thưởng, các VĐV đã phải trải qua 1 năm trời khổ luyện. Thế nhưng, thực tế không phải ai cũng đều có thể gặt hái được thành tích tốt bởi trong số 160 VĐV của trường chỉ có 40 người được tuyên dương đợt này. Công sức, mồ hôi đổ ra nơi sàn tập chưa thể đem lại thành công nếu như họ thiếu ý chí, quyết tâm cùng kinh nghiệm trận mạc trên sàn đấu. Người hâm mộ có lẽ chưa quên được nỗi thất vọng hiện rõ trên gương mặt của VĐV Bùi Như Mỹ và Phan Quốc Bảo trong trận chung kết giải vô địch Karatedo toàn quốc 2012 diễn ra tại Nhà thi đấu TDTT Quảng Nam hồi tháng 7. Được sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà, dù rất nỗ lực, cả 2 võ sĩ trẻ tài năng Quảng Nam đều thất bại trước các đối thủ quá nhiều kinh nghiệm đến từ Khánh Hòa và TP.Hồ Chí Minh, đành chấp nhận tấm huy chương bạc.
Sau 1 năm tập luyện và thi đấu, cùng với việc tích lũy kinh nghiệm và thành tích, các VĐV còn có thêm nguồn thu nhập từ tiền thưởng. Nhiều người cho biết họ sử dụng số tiền này cho nhu cầu cá nhân và hỗ trợ gia đình, đặc biệt thời điểm nhận tiền thưởng rơi vào dịp sắm tết. Một số VĐV còn tỏ ra lo xa vì “đời” VĐV rất ngắn và cực nhọc, vì vậy tiền thưởng được dành dụm để sau này trang trải cho việc học chuyên môn hoặc học nghề. Đó là một suy nghĩ rất đáng trân trọng, bởi đã có không ít trường hợp sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu rơi vào tình cảnh thất nghiệp, lại chẳng có tiền để học nghề…
Cùng với nhiều chế độ chính sách khác được thực hiện trong năm 2012 (như dinh dưỡng, tiền công, trợ cấp…), khoản tiền thưởng được nâng cao và giải quyết kịp thời cũng tạo động lực cho các VĐV quyết tâm hơn trong tập luyện, thi đấu. Nhiều VĐV, HLV tâm sự họ rất mừng khi chế độ chính sách hiện nay được nâng lên. Mỗi ngày, một VĐV được chi trả tiền ăn cao nhất lên đến 160 nghìn đồng, tiền công 80 nghìn đồng; nếu đoạt huy chương sẽ được thưởng từ 3 - 5 triệu đồng/huy chương. Một sự đãi ngộ tương đối khá, nhưng luôn đi kèm với trách nhiệm lớn, và điều đó cũng dễ hiểu trong lĩnh vực thể thao.
Anh Sắc