Tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp
Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương là đột phá được ngành nông nghiệp huyện Phú Ninh xác định nhằm hướng đến nâng cao giá trị sản xuất...
Đa dạng nông sản chất lượng cao
Cùng với mục tiêu giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2020, trong năm qua, UBND huyện Phú Ninh đã triển khai có hiệu quả nghị quyết của HĐND huyện về một số giải pháp khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Huyện đặc biệt chú trọng việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung: lúa thương phẩm chất lượng cao, giống lúa hàng hóa, bắp, đậu phụng, rau quả, nhất là phát triển vùng dưa hấu, rau tập trung, chuyên canh theo tiêu chuẩn GAP…
Rau sạch ở xã Tam An, huyện phú Ninh đem thu nhập cao cho người dân. Ảnh: X.N |
Theo ông Trần Ngọc Bằng, Phó phòng NN&PTNT huyện, trong năm 2012, địa phương sản xuất trên 977ha lúa giống các loại. Trong đó có trên 191ha trong chương trình cấp 1 hóa giống lúa; sản xuất giống lúa hàng hóa hơn 786ha, cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 3.900 tấn lúa giống các loại. Ngoài ra, nhiều xã còn sản xuất được 1.100ha lúa chất lượng cao (HT1, PC6, LĐ1), góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn huyện. Để giúp nhân dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, ngành nông nghiệp huyện đã giúp các xã tổ chức 55 lớp tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất cho cán bộ chủ chốt ở các thôn. Đến nay, một số mô hình sản xuất mới có hiệu quả, mang tính bền vững như xây dựng cánh đồng mẫu, sản xuất rau chuyên canh tại xã Tam An, ứng dụng phân vi sinh để sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Tam Phước, mô hình sản xuất lúa lai áp dụng công cụ sạ hàng tại Tam Đàn… Những mô hình này sẽ được ngành nông nghiệp huyện triển khai ở nhiều xã vào năm 2013. Ông Bùi Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tam An cho biết: “Cánh đồng mẫu lớn 40ha và cánh đồng rau sạch ở thôn An Mỹ 2 đang được huyện chọn triển khai xây dựng thí điểm, bước đầu cho kết quả khả quan. Công tác dồn điền đổi thửa dưới sự tuyên truyền của các ban ngành, đoàn thể đã được nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Tăng cường ứng dụng kỹ thuật
Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trong thời gian đến, Phú Ninh ưu tiên sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp linh hoạt điều chỉnh thời vụ, tăng khả năng lách tránh thiên tai, bố trí gieo sạ, trổ tập trung trong thời gian không quá 15 ngày/vụ (mỗi trà 5 ngày) để thuận tiện trong điều hành nước tưới và quản lý dịch hại, cơ giới hóa trong sản xuất. Phổ biến sử dụng rộng rãi các chế phẩm vi sinh (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), quy trình sản xuất hữu cơ và vận động nhân dân giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật... Việc áp dụng chương trình “ba giảm, ba tăng” cùng với vận động nhân dân sử dụng 100% giống kỹ thuật để sản xuất góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao.
“Huyện có nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế toàn diện, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng phi nông nghiệp, tăng giá trị tuyệt đối sản phẩm nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng thâm canh cao, đa dạng sản phẩm”. Ông Huỳnh Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh |
Ngoài ra, cơ giới hóa đồng ruộng cũng được huyện Phú Ninh chú trọng, góp phần nâng cao năng suất sản xuất. Riêng năm 2012, huyện Phú Ninh đã có 26 hộ, 2 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã mua 30 máy nông cụ các loại có công suất lớn (10 máy gặt đập liên hợp; 20 máy cày làm đất 4 bánh) với kinh phí trên 4,523 tỷ đồng, nâng tổng số máy móc các loại lên 237 máy, góp phần nâng tỷ lệ cơ giới hóa lên 51,2%. Qua đó giúp nông dân gieo sạ và thu hoạch nhanh gọn, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Đặng Bá Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh nhận định huyện đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tương đối đồng đều giữa các vùng, cơ cấu giống và lịch thời vụ thực hiện khá nghiêm túc. Nhờ đó, năng suất lúa và một số cây trồng đều tăng, nhất là năng suất lúa đạt cao nhất từ trước đến nay (56,9 tạ/ha). Bên cạnh đó, dù diện tích cây dưa hấu giảm gần 200ha so với năm 2011, nhưng sản lượng dưa hấu tăng so với cùng kỳ và được giá cả 2 vụ. Công tác điều tra, phát hiện và dự tính - dự báo cũng như công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng khá kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng. Công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được triển khai tích cực, kịp thời. Đầu năm 2013, huyện Phú Ninh tiếp tục bố trí loại cây trồng cụ thể trên từng cánh đồng, xây dựng công thức luân canh theo quy hoạch. Tập trung mở rộng diện tích bắp lai trên tất cả chân đất để phục vụ chăn nuôi, đẩy mạnh sản xuất rau chuyên canh ở các xã Tam An, Tam Đàn, Tam Thái và thị trấn Phú Thịnh. Chú trọng mở rộng diện tích sản xuất rau theo hướng VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu nhằm đưa sản phẩm vào tiêu thụ ổn định ở các siêu thị. Đối với một số cây màu và đậu các loại cần chọn lựa loại giống có thời gian sinh trưởng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương để bố trí sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại do thiếu nước ở cuối vụ, nhất là các địa phương ở vùng tây kênh chính Phú Ninh.
XUÂN NGHĨA