Người nối đôi bờ Vu Gia
Người dân các xã Đại An, Đại Cường (Đại Lộc) ai nấy đều phấn khởi khi niềm mơ ước về cây cầu nối đôi bờ Vu Gia đã trở thành hiện thực. Đáng quý khi thành quả đó là món quà, tấm lòng của nông dân Lê Tất Dũng (48 tuổi, thôn Phú Lộc, xã Đại An).
Ông Dũng đang tích cực hoàn thiện cây cầu.Ảnh: H.L |
Đoạn sông Vu Gia cắt ngang các thôn 4, 8, Nghĩa Nam, Phú Lộc của các xã Đại An, Đại Cường bây giờ đã trở nên tấp nập hơn mọi khi. Từ nay, bà con các thôn đi làm hoa màu tại bãi biền bên kia sông và hàng trăm học sinh đã có thể yên tâm qua lại trên cây cầu phao mới vừa hoàn tất sau hơn 2 tháng thi công. Trở về bên này sông sau buổi làm đồng, cụ Lê Ngọc Diệp (thôn Nghĩa Nam) hồ hởi: “Lâu ni bà con xã Đại An muốn qua vùng bãi biền tiếp giáp với đất Đại Cường canh tác phải đi ghe, đi cầu tre tạm bợ. Nay có được cây cầu đàng hoàng, vững chãi là cả niềm mơ ước. Chúng tôi ai nấy mừng cái bụng, cảm kích trước tấm lòng của anh Dũng dành cho quê”. Ông Ngô Văn Năm (48 tuổi, thôn Nghĩa Nam) cũng phấn khởi nói: “Nông dân chúng tôi từ bên này sông qua bên kia làm đồng vất vả lắm. Lúc trước có cầu tre nhưng đi dễ bị ngã, gánh phân với giống sợ lọt xuống sông. Giờ thì chở xe đi vô tư”.
Loay hoay sửa nốt phần thân cuối của cây cầu, đưa tay quệt mồ hôi, ông Nguyễn Tất Dũng chia sẻ về ý tưởng làm cây cầu phao với tổng chi phí gần 300 triệu đồng. Đó là tất cả công sức, mồ hôi bản thân ông dành dụm suốt mấy chục năm qua. Số tiền đó ông định xây một ngôi nhà khang trang, thay cho căn lều tạm bợ mình đang sống với nghề sửa xe máy. “Tôi chưa nghĩ đến quyền lợi, chỉ nghĩ đến bà con, nhất là các em học sinh. Tôi từng tận mắt chứng kiến hiểm nguy rình rập đối với những người dân quê và học trò qua lại trên sông bằng những chuyến đò chật ních người. Mùa mưa, nước dâng, trẻ đi học mà cha mẹ ở nhà cứ thấp thỏm. Đi cầu tre thì cũng đã từng có người bị lọt xuống sông, chính tôi chở đi cấp cứu. Tôi sống một mình, nhà cửa cũng chưa cần tới lúc này” - ông Dũng tâm sự. Nghĩ là làm. Ban đầu ông đem ý tưởng trình bày với chính quyền địa phương và bà con trong vùng. Ai cũng tán thành ý tưởng tốt đẹp đó, nhưng nghĩ khó có thể trở thành hiện thực, bởi cuộc sống của ông Dũng còn lắm khó khăn, chứ có dư giả gì. Thế rồi, sau hơn 2 tháng trời miệt mài, tỉ mẫn, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, người ta thấy ông Dũng hì hục hàn sắt, gắn phao, bắt cáp, đóng ván… Và rồi một ngày, cây cầu hiện ra trong sự thán phục của bao người. “Từ khi có cầu, đi qua lại khúc sông này, các em học sinh ríu rít “cảm ơn chú Dũng”, chỉ bấy nhiêu đã khiến tôi thấy vui trong lòng” - ông Dũng chia sẻ.
Các bà, các mẹ trở về trên cây cầu sắp hoàn thành sau buổi làm đồng. |
Cây cầu phao với mặt cầu là ván gỗ có chiều dài gần 80m, rộng 2m, bắc ngang sông bằng 146 chiếc thùng phuy, 5 khối gỗ, 1,8 tấn sắt, 300m cáp 16, có trọng tải gần 1 tấn. Cây cầu còn có cửa để ghe đò có thể đi ngang. Trước đây, mỗi năm, bà con 2 bên bờ sông phải vất vả làm cầu tre đến 2 lần, một lần sau đợt lũ tiểu mãn (tháng tư) và sau mùa mưa lũ. Nước dâng và mưa lũ từng cuốn phăng không biết bao nhiêu cây cầu tre. Có điều, tuy ông Dũng đã dốc hết khoản tiền tiết kiệm bấy lâu ra làm cầu nhưng đường dẫn và hai mố cầu vẫn chưa hoàn thiện do thiếu kinh phí. “Hiện tôi đang tiếp tục tìm nguồn để làm đường dẫn và hai mố cầu để đảm bảo việc đi lại an toàn cho bà con. Nếu có ai hỗ trợ thêm thì tốt biết mấy” - ông Dũng nói.
Bà Đỗ Thị Năm - Bí thư Chi bộ thôn Phú Lộc chia sẻ, thấy anh Dũng quyết tâm làm cầu, chi bộ thôn và bà con lân cận ai cũng lo vì không biết có khả thi không bởi đời sống của anh còn khó khăn, vốn ít, càng làm càng phát sinh thêm. Bà con ở đây cũng góp sức, hỗ trợ tinh thần hay góp công làm cầu vào lúc rảnh rỗi. Mùa màng lại tới, cũng mừng là cầu kịp hoàn thành phục vụ bà con. “Rất mong công trình với ý nghĩa tốt đẹp này nhận được sự sẻ chia của địa phương và cộng đồng để cây cầu Phú Lộc - thành quả xuất phát từ ý tưởng tốt đẹp của anh Dũng - được hoàn thiện như mong đợi” - bà Năm nói.
HOÀNG LIÊN