Cầu, cho mùa màng đón xuân
Cầu đây là cây cầu tre bắc qua sông Quảng Huế của dân làng Phước Yên. Cây cầu làm “nhanh nhất thế giới” để kịp đưa nông sản qua sông về kịp chợ tết, đón xuân sang.
Mỗi ngày làm cầu, tổ nào cũng chuẩn bị gánh mỳ Quảng “dằn” bụng nửa buổi. |
Làng Phước Yên (xã Đại An, huyện Đại Lộc) nằm bên bờ con sông Vu Gia - một nguồn đổ vào sông mẹ Thu Bồn. Vu Gia và Thu Bồn hợp lưu tạo nên Giao Thủy. Bên này sông là huyện Đại Lộc, bên kia sông là huyện Duy Xuyên. Một lần, từ núi xuống, đến ngã ba sông này, nhà thơ Thu Bồn đã thốt lên: “Dòng sông rộng quá nên lai láng/ Nhịp cầu thường tiễn ta đi xa”. Đó là ngày thường, chứ lụt nguồn đổ xuống thì khu vực này mênh mông như biển. Cây cầu bắc qua đoạn sông này đã bị bom giặc đánh không còn. Ngồi chờ đò qua sông, về quê mẹ, Thu Bồn trầm tư: “Qua rồi Tý, Sé, Dùi Chiêng/ Dòng sông nức nở ngả nghiêng đôi bờ/ Như ta đang xé vần thơ/ Sông còn Giao Thủy, ta bơ vơ dòng...”.
Tôi rời bến Giao Thủy, theo thuyền về thăm làng Phước Yên, khi nghe tin dân làng, sau cơn bão số 1, biết chắc không còn lụt nên xúm nhau làm cây cầu bắc qua sông để kịp đưa rau củ về bán chợ tết. Làng Phước Yên có chừng 800 dân, mỗi hộ định cư trên lô đất được huyện và xã phân cho không đầy 300m2. Đất thì không sinh thêm, nhưng hộ dân nào cũng tăng nhân khẩu lên hằng năm. Vì vậy, đất vườn chỉ còn cho làm nhà, làm chuồng heo, chuồng bò, trồng chen nhau một số cây quen thuộc như cau, trầu, chuối... Đời sống vật chất khấm khá nên nhà nào cũng tường xây, mái ngói, mái tôn; nhà nào cũng có mai, cúc, lan, vạn thọ, bông trang... Để sống được và khá lên như thế, dân làng nhờ vào đất nà bên kia sông Quảng Huế. Được phù sa bồi đắp nên đất màu mỡ, bà con trồng các loại cây ngắn ngày nhưng cho giá trị kinh tế cao như đậu phụng, ớt, rau đậu, khổ qua, bí đao, dưa, cải cay, xà lách, ngò, tầng ô và cỏ - cỏ cho trâu bò không có đất thả rông mà nhốt chuồng. Sau mùa thu hoạch, mỗi hộ thu về từ 15 đến 20 triệu đồng. Những ngày cuối năm, đứng bên này sông nhìn qua bên kia, vui mắt một thảm xanh - thảm xanh no ấm trải dài trên 20ha ven sông. Đó là hoa lợi - là tiền, chắc chắn sẽ thuộc về tay của dân làng Phước Yên trong mùa xuân này.
Nhìn màu xanh sướng con mắt, màu của hoa lợi, mới hiểu vì sao mà dân làng đã đồng thuận chung tay góp sức làm một cây cầu. Bao đời nay, qua đoạn sông này, bà con đi bằng đò. Đến cây cầu này là năm thứ 13 dân làng Phước Yên làm cầu bắc qua sông. Năm nào cũng làm cầu, không phải làm một lần, mà hai lần. Mất chỉ hai ngày đã làm xong cầu mới. Có cầu, bà con thuận lợi hơn trong việc qua nà tưới tắp, chăm bón cho cây, đưa sản phẩm thu hoạch qua cầu, ra chợ. Đến khoảng tháng tư, tháng năm lụt tiểu mãn, nước nguồn A Vương xuống, cầu trôi. Dân lại đi đò. Lại làm cầu. Và đến tháng chín, tháng mười, cơ bản thu hoạch vụ ớt tháng năm và vụ bắp tháng tám xong, “ông tha mà bà không tha”, trời lụt, cầu trôi. Lại đi đò. Lụt qua lại làm cầu để thu hoạch vụ mùa đón xuân.
Người dân sông ven sông năm nào cũng thấp thỏm về chuyện lụt lội. Nghe dự báo lụt thì vừa lo vừa mừng. Lụt to trôi nhà, mất đất. Dân làng ven sông Quảng Huế lo nhất là bờ sông sạt lở, đất trôi. Lụt lớn, bờ sông lở nhiều, mỗi năm một ít, năm nào cũng muốn kéo đất làng này đổ xuống sông. Nay vẫn bên lở bên bồi. Lụt, ngoài lo ra còn vui, vui nhất là chèo ghe bắt dế về chiên lên, giòn rụm, thơm lạ. Nhậu. Lụt, lợi nhất là sông mang về cho làng nguồn phù sa vô cùng quý, một vụ mùa ít bị chuột cắn, sâu rầy, báo hiệu một mùa bội thu. Không lụt, không sợ trôi mất làng, tưởng vui, hóa lo. Lo chuột, sâu rầy hoành hành, lo tốn công, tốn thuốc. Lo thiếu đạm tự nhiên, lo thiếu nước tưới cho cây.
Nói chuyện với Bí thư Chi bộ Nguyễn Hữu Nhàn và Trưởng thôn Nguyễn Bảy, biết cụ thể hơn. Làm một cây cầu bắc qua sông dài 100m, tốn trên dưới 30 triệu đồng. Để có kinh phí, không ngửa tay xin huyện, xin tỉnh, mà họp dân 5 tổ đoàn kết của thôn, bàn bạc đi đến thống nhất mỗi hộ dân đóng 2 cây tre và 1 gốc tre, tương đương 50 nghìn đồng. Hộ nào không góp tre thì đóng tiền. Cả làng cùng tham gia làm cầu. Những công việc nặng nhọc như đốn tre, chặt tre, chẻ lạt cật đan phên lát mặt cầu, đóng trụ cầu... được giao cho cánh đàn ông. Phụ nữ lo khâu ăn uống cho nửa mai và nửa chiều, còn chuẩn bị thêm can rượu gạo cho cánh đàn ông giải mỏi. Chỉ 2 ngày, xong cây cầu.
Ngoài kinh phí đóng góp, còn có tiền ủng hộ của những mạnh thường quân và bà con ở thôn khác nhưng thỉnh thoảng đi qua lại cây cầu này. Cả đóng góp của mấy chiếc thuyền máy có trọng tải lớn không rúc lọt dưới trần cầu, phải nhờ tổ giữ cầu quay nâng cầu lên mới qua được. Nên thường làm cầu xong vẫn còn thừa tiền, sau khi mua con gà chai rượu cúng... cầu, còn lại làm quỹ tu sửa cầu.
Mỗi lần làm cầu là mỗi lần tốn tiền, tốn công. Nhưng cái lợi thu lại từ đồng áng lớn hơn. Do vậy, dân làng vẫn háo hức làm cây cầu tre 30 triệu đồng khi chưa thể có cây cầu bằng bê tông cốt thép tốn tiền tỷ. Mà làm cầu tre, năm nào cũng có hai ba ngày dân làng hè ra cùng làm, vui không thể tả. Cây cầu 100m, chia cho 5 tổ đoàn kết, vị chi mỗi tổ phải lo hoàn thành đạt yêu cầu 20m do tổ bốc thăm trúng. Bốc thăm trúng đoạn mô thì làm đoạn đó, không phân bì, mất đoàn kết. Mỗi ngày làm cầu, tổ nào cũng có một gánh mỳ nặng trịch và can nhựa rượu gạo đầy ắp. Các mẹ, các chị luôn lo cho gánh mỳ tổ mình được nhiều và ngon hơn. Có tô mỳ Quảng nhưn thịt gà và rau sống đất nà Quảng Huế và vài cốc rượu gạo thứ thiệt thì làm sao mà không “ăn to, nói lớn” được. Quá vui!
HỒ DUY LỆ