Duy Xuyên: Điểm sáng thủy lợi hóa đất màu

MAI NHI 15/01/2013 08:45

Những năm qua, Duy Xuyên đã đầu tư mạnh cho khâu thủy lợi hóa đất màu,  trở thành một trong những địa phương đi đầu  cả tỉnh về công tác này.

Cánh đồng 100 triệu

Nhìn 2 sào dưa leo và 1 sào khổ qua trĩu trái non trên cánh đồng Chim Chim, ông Trương Hữu Tê (thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) phấn khởi: Dịp Tết Quý Tỵ này, tôi thu hoạch có thể sẽ lãi ròng hàng chục triệu đồng”. Thời điểm cuối năm 2004 trở về trước, vì nước tưới quá bấp bênh, vợ chồng ông Tê chủ yếu trồng sắn trên 3 sào đất màu này nên hiệu quả kinh tế không cao. Giữa năm 2005, được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên và chính quyền xã Duy Phước tập trung vận động nông dân đóng góp thêm tiền của, công sức để thủy lợi hóa toàn bộ 60 sào đất màu thuộc cánh đồng Chim Chim với tổng số vốn 600 triệu đồng. Điện được kéo ra đồng, ông Tê cùng nhiều hộ dân khác trong vùng nhanh chóng khoan giếng, lắp đặt máy bơm, hệ thống đường ống nhựa để dẫn nước về tận các chân ruộng. Ông Tê nói: “Hơn 7 năm nay, nước tưới luôn chủ động nên 3 sào đất màu của tui thường chuyên canh khổ qua và dưa leo. Mỗi năm làm 3 vụ, trừ chi phí lãi không dưới 40 triệu đồng”.

Đưa điện ra cánh đồng chuyên canh và cây trồng cạn ở xã Duy Phước - Duy Xuyên.Ảnh: MAI NHI
Đưa điện ra cánh đồng chuyên canh và cây trồng cạn ở xã Duy Phước - Duy Xuyên.Ảnh: MAI NHI

Ông Lê Trung Nam – Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất & kinh doanh tổng hợp Duy Phước cho biết, ngoài cánh đồng Chim Chim, từ năm 2004 đến nay, bằng nguồn vốn do ngân sách nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp, địa phương đã đầu tư gần 3 tỷ đồng kéo 10km đường dây điện, lắp đặt máy bơm, ống dẫn nước để thủy lợi hóa 400 sào đất màu trên đồng Bà Thụ, Giếng Thọ, Vân Quật, Cồn Xâm, Bãi Bồi... Nói về hiệu quả của công tác này, ông Lê Đào – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước hồ hởi: “Ngay sau khi được thủy lợi hóa, nông dân địa phương tổ chức xây dựng những vùng chuyên canh cây trồng cạn và rau đậu trên tất cả các cánh đồng. Nhờ đưa nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao vào canh tác, ứng dụng rộng rãi quy trình kỹ thuật mới nên bình quân mỗi năm 1ha đất sản xuất theo phương thức này mang lại cho nông dân 150 - 200 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với cách đây 8 năm”. Theo ông Đào, năm 2013 này, cũng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xã Duy Phước sẽ tiếp tục chi hơn 1 tỷ đồng thủy lợi hóa 100 sào đất màu thuộc địa bàn thôn Mỹ Phước, Câu Lâu Đông, Hòa Bình nhằm tạo điều kiện cho người dân mở rộng vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung để nhanh chóng nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Xây dựng vùng chuyên canh

Đầu tư thêm 45 tỷ đồng để thủy lợi hóa 650ha đất màu
Ông Võ Văn Điềm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài Duy Xuyên, chỉ trong vòng 2 năm (2011-2012) trở lại đây toàn tỉnh đã đầu tư gần 31 tỷ đồng thi công 44 công trình thủy lợi hóa đất màu tại các địa phương khác. Nhờ vậy có thêm ít nhất 1.000ha đất chuyên canh, luân canh các loại cây trồng cạn chủ động được nguồn nước tưới. Ông Điềm thông tin, theo Nghị quyết Kỳ họp lần thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII, từ nay đến cuối năm 2015 Quảng Nam sẽ chi thêm 45 tỷ đồng để xây dựng 65 công trình thủy lợi nhằm phục vụ tưới cho 650ha đất màu...

Trước đây, vì quá khó khăn về nguồn nước tưới nên vợ chồng ông Đỗ Đăng Phong ở thôn Thọ Xuyên (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) chỉ, gieo mè trên 6 sào đất màu của mình. Vậy nhưng, do sản lượng không cao, giá thu mua mè trên thị trường lại quá thấp nên vụ nào họ cũng... huề vốn. Từ đầu năm 2006 đến nay, nhờ đồng đất được thủy lợi hóa, ông Phong chuyển sang luân canh cây dưa hấu, bắp lai, ớt xuất khẩu. Ông Phong nói: “Cứ nhổ cây ớt thì trồng cây dưa, phá dưa lại tỉa bắp, quanh năm tui không cho đất nghỉ. Với ngần ấy diện tích, trừ các khoản chi, mỗi năm tui thu về hơn 55 triệu đồng tiền lãi”. Theo ông Phạm Đình Xuân – Phó phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, 7 năm qua, từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp, chính quyền xã Duy Châu đã đầu tư không dưới 5 tỷ đồng để thủy lợi hóa gần 230ha đất màu. Nhờ nước tưới chủ động nên thời gian qua nông dân địa phương này đã xây dựng được hàng trăm mô hình chuyên canh, luân canh các loại cây trồng cạn, rau đậu mang lại mức thu nhập rất cao.

Những năm gần đây, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Duy Xuyên cũng rất chú trọng đến khâu thủy lợi hóa. Ông Trần Ngọc Khanh – chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, từ năm 2005 đến nay, chưa kể nguồn kinh phí rất lớn do nhân dân tự bỏ ra mua máy bơm, ống dẫn nước, ngân sách tỉnh và huyện đã đầu tư xấp xỉ 11 tỷ đồng để kéo 87km đường dây điện ra hàng loạt cánh đồng nhằm thủy lợi hóa 840ha đất màu. Theo ông Khanh, trong số diện tích đất màu đã chủ động nước tưới trên thì hiện nay đã có khoảng một nửa xây dựng thành vùng chuyên canh cây thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày cho giá trị kinh tế 110 - 170 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, tập trung chủ yếu tại xã Duy Trung, Duy Phước, Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Châu, thị trấn Nam Phước.

Nước tưới là tiền đề trong sản xuất nông nghiệp, là yếu tố quyết định nhất đến sự thành bại của một vụ mùa. Rõ ràng, những nỗ lực của huyện Duy Xuyên trong công tác thủy lợi hóa đất màu nhằm giúp nông dân địa phương hình thành các vùng chuyên canh cây trồng cạn theo hướng hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao là rất đáng ghi nhận. Đây được xem là lối mở của tiến trình xây dựng nông thôn mới.

MAI NHI

  • Thủy lợi hóa 30ha đất màu
  • Gần 15 tỷ đồng thủy lợi hóa đất màu
  • 30 tỷ đồng thủy lợi hóa đất màu
  • Hơn 6,5 tỷ đồng thủy lợi hóa đất màu
  • Điện Bàn: Tiếp tục thủy lợi hóa 1.127ha đất màu
  • Đại Lộc: 850 triệu đồng thủy lợi hóa 100ha đất màu

MAI NHI