Lịch sử lập hiến Việt Nam - những chặng đường phát triển

Lê Phước Thanh (Chủ tịch UBND tỉnh,Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) 14/01/2013 09:10

LTS: Trong lịch sử lập hiến Việt Nam, mỗi bản Hiến pháp ra đời đều gắn liền với một giai đoạn phát triển của cách mạng, của toàn dân tộc. Nhân dịp Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức lấy ý kiến toàn dân góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Báo Quảng Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - Lê Phước Thanh về lịch sử lập hiến Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Lê Phước Thanh phát biểu tại diễn đàn Quốc hội.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Lê Phước Thanh phát biểu tại diễn đàn Quốc hội.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nêu rõ nhiệm vụ “khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới, với yêu cầu ngày càng tăng cường quyền lực của nhân dân, hoàn thiện bộ máy Nhà nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hiến pháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật và đời sống chính trị của mỗi quốc gia, là Tuyên ngôn của mỗi quốc gia, mỗi Nhà nước. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của Nhà nước. Các quy định của Hiến pháp là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước. Lịch sử lập hiến của Việt Nam đã từng biết đến 4 bản Hiến pháp, đó là: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung một số Điều năm 2001). Mỗi bản Hiến pháp gắn liền với một giai đoạn phát triển của cách mạng, của dân tộc.

Hiến pháp năm 1946

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến với chính thể quân chủ chuyên chế nên không có Hiến pháp. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải có một bản Hiến pháp cho Nhà nước Việt Nam. Mười tháng sau ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của đất nước, ngày 9.11.1946, Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội khóa I chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 2. Hiến pháp năm 1946 ra đời là sự khẳng định mạnh mẽ về mặt pháp lý chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và từng bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tạm thời đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ-ngụy. Nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ này là lãnh đạo nhân dân tiến lên xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước, giành lại nền độc lập trọn vẹn cho dân tộc.

Hiến pháp năm 1959

Sự thay đổi của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội nói trên đã làm cho một số quy định của Hiến pháp 1946 không còn phù hợp. Mặt khác, do sự phát triển chung của tình hình thế giới, đặc biệt là quan hệ ngoại giao của nước ta với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển đã đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi nội dung của Hiến pháp không chỉ quy định những vấn đề quan trọng của quốc gia mà còn phải phù hợp với những quy tắc quốc tế và góp phần tăng cường mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam với bên ngoài.

Vì vậy, yêu cầu cần phải sửa đổi Hiến pháp năm 1946 được đặt ra. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Ban sửa đổi Hiến pháp đã được thành lập với 28 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Ngay trong phiên họp đầu tiên (ngày 27.2.1957) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời khai mạc, nêu rõ mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp và trách nhiệm của Ban sửa đổi Hiến pháp đối với đất nước và nhân dân. Người nhấn mạnh: “Bản Hiến pháp chúng ta thảo ra sẽ là một bản Hiến pháp phát huy tinh thần của Hiến pháp 1946, đồng thời phải phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta do cuộc cách mạng phản đế, phản phong thắng lợi đã mang lại; phản ánh đúng đắn con đường đang tiến lên của dân tộc ta. Nó sẽ là một bản Hiến pháp của một nước dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Nó phải là một bản Hiến pháp bảo đảm được các quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở công nông liên minh và do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nó phải thật sự bảo đảm nam nữ bình quyền và dân tộc bình đẳng”.

 Ngày 31.12.1959, bản Dự thảo Hiến pháp đã được Quốc hội khóa I thông qua tại kỳ họp thứ 11. Và ngày 1.1.1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố Hiến pháp năm 1959.

Hiến pháp năm 1980

Đại thắng mùa xuân năm 1975 kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước kéo dài 20 năm, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Ngày 25.4.1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của cả nước đã thành công rực rỡ. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI quyết định đổi tên nước thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cách mạng nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới, với một sứ mệnh lịch sử mới, đó là thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất, cùng thực hiện nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đến thời điểm này, những quy định của Hiến pháp năm 1959 đã không còn phù hợp, yêu cầu thực tế đặt ra phải xây dựng một bản Hiến pháp mới phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, đặc điểm của Nhà nước trong giai đoạn cách mạng mới. Lịch sử lập hiến Việt Nam lại bước sang một trang mới. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã chỉ rõ nhiệm vụ phải khẩn trương tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1959.

(Còn nữa)

Lê Phước Thanh
(Chủ tịch UBND tỉnh,Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam)

  • Triển khai lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
  • Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp
  • Công bố dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
  • Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Lê Phước Thanh (Chủ tịch UBND tỉnh,Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam)