Nghị lực của Phi

THIÊN LÝ 14/01/2013 09:06

Chân phải bị “mất” từ lúc nhỏ, nhưng khát vọng đi tìm hạnh phúc, khát vọng trở thành người có ích cho xã hội vẫn không nguôi trong lòng Lương Phi (SN 1990, tổ 7, thôn Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên).

Lương Phi bên bảng hiệu phòng thu âm của mình.  Ảnh: THIÊN LÝ
Lương Phi bên bảng hiệu phòng thu âm của mình. Ảnh: THIÊN LÝ

Vượt qua mặc cảm

Đến giờ, người dân làng Xuyên Đông 2 vẫn nhớ rất rõ câu chuyện kinh hoàng xảy ra cách đây gần 20 năm. Hôm đó cha mẹ đi vắng, cậu bé Lương Phi, lúc đó mới 3 tuổi, đang nằm ngủ trên giường thì bị một gã say rượu cầm dao vô nhà chém đứt ngang chân phải lên tới đùi. Kẻ thủ ác sau đó bị trừng trị. Phi cũng được kịp thời đưa vô bệnh viện cấp cứu, nhưng nỗi đau vì một thân thể bỗng dưng bị khuyết tật vẫn dai dẳng trong Phi cho tới bây giờ. “Tội nghiệp, nó mới 3 tuổi đầu có biết chi đâu. Bỗng dưng lại tai họa bởi một gã say rượu” - mẹ của Phi, bà Hồ Thị Tuyết (47 tuổi) nói trong nước mắt.

Chân phải không còn, nhưng vẫn còn chân trái, Phi không hoàn toàn bất lực trong sinh hoạt hằng ngày. Lớn lên cùng với đôi nạng gỗ, Phi vẫn làm bất cứ việc gì vừa sức mình để phụ giúp bố mẹ như nấu cơm, quét nhà, kể cả ra đồng làm ruộng. Anh Trần Phước Ninh (SN 1972), hàng xóm của Phi, nói: “Phi có tính tự lập từ nhỏ, làm cái gì cũng không cần ai giúp. Dường như em muốn cho người khác biết mình vẫn là người bình thường như bao người khác”.

Từ khi học cấp hai, Phi mới thấy tủi thân. Khi biết cái nguyên nhân vô cớ khiến mình trở thành người khuyết tật, rồi nhìn bạn bè cùng trang lứa tự do vui đùa trên đôi chân vững chãi, nhiều lần Phi đã nép mình khóc trong góc lớp học. “Hồi đó, tôi thấy mình thua thiệt bạn bè vì một duyên cớ không đâu nên buồn lắm. Nhưng dần dần, tôi nhận ra rằng cần phải khẳng định mình để mọi người thấy tôi cũng giống như bao người bình thường, không thua kém họ trong bất cứ công việc gì” - Phi chia sẻ.

Với suy nghĩ đó, Phi đã cố gắng học hành. Trong những năm học cấp 2, rồi cấp 3, Phi đều nhận danh hiệu học sinh khá, giỏi. Năm 2008, Phi thi đậu vào trường Cao đẳng Đông Á chuyên ngành công nghệ thông tin. Và rồi niềm đam mê đã đến với Phi.

Chinh phục đam mê

Năm 2010, Lương Phi ra trường. Lặn lội mấy nơi không xin được việc, Phi xin vào làm tại một cơ sở in ấn ở Duy Xuyên. Sau đó, được sự giới thiệu của nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Sang (TP.Hồ Chí Minh), Phi ra Đà Nẵng làm kỹ thuật viên thu âm tại phòng thu Cao Tâm (40/5 Yên Bái, Đà Nẵng) của nhạc sĩ Cao Hữu Tâm, người cùng quê hương Duy Xuyên. Nhạc sĩ Cao Hữu Tâm nhận xét về Phi: “Đó là một chàng trai thông minh và có năng khiếu về âm nhạc. Trình độ thẩm âm của em rất tốt. Để làm một kỹ thuật viên thu âm giỏi, đòi hỏi cần phải có trình độ thẩm âm như Phi vậy”.

Lương Phi bên bảng hiệu phòng thu âm của mình. Ảnh: THIÊN LÝ
Lương Phi bên bảng hiệu phòng thu âm của mình. Ảnh: THIÊN LÝ

Từ nhỏ Phi đã tham gia nhiều tiết mục văn nghệ ở làng xã. Bất cứ buổi biểu diễn văn nghệ nào của thị trấn Nam Phước, Phi đều tham gia. Hình ảnh chàng trai trẻ khuyết tật ôm ghi ta nghêu ngao hát những bản tình ca Trịnh Công Sơn, Phạm Duy... đã khiến nhiều người cảm động và ngưỡng mộ. “Tôi đam mê âm nhạc lắm. Và khi làm cái nghề kỹ thuật viên thu âm này, tuy trái ngành học, nhưng tôi thấy mình chính là mình, thấy mình đã chọn đúng nghề phù hợp với đam mê” - Phi nói. Phi cũng đã làm nhiều đĩa do mình tự hát, tự thu âm để tặng gia đình và bạn bè.

Với mong muốn khẳng định mình, được sự giúp đỡ của một sư thầy ở Hội An, cách đây 2 tháng, Phi đã mở cơ sở thu âm ở 32/2 Hùng Vương, TP.Hội An. Đây cũng là phòng thu âm duy nhất hiện nay ở Hội An. Toàn bộ dàn thu âm được sư thầy tài trợ, còn tiền thuê mặt bằng và chi phí dựng phòng thu từ số tiền Phi dành dụm được trong 2 năm làm ở Đà Nẵng. Phòng thu chỉ rộng chừng 4m2 nằm trong con hẻm nhỏ nhưng là niềm mơ ước bấy lâu nay của Phi. Ở đó, Phi miệt mài công việc của mình với niềm đam mê cháy bỏng. “Muốn làm kỹ thuật viên tốt phải biết thẩm thấu từng nốt nhạc. Khi thu từng đoạn nhạc, tôi nhập vào giọng ca, nhập từng đoạn luyến láy, nhập tâm hồn của người hát để cảm thụ, từ đó chỉnh sửa cho phù hợp” - Phi chia sẻ về nghề.

Khi được hỏi về những khó khăn trong nghề, Phi nói: “Trước đây tôi cứ nghĩ phải sống làm sao để người khác coi mình là người bình thường. Nhưng bây giờ tôi nghĩ, tuy bị mất một chân, nhưng thấy mình còn hơn rất nhiều bạn khuyết tật khác. Tôi vẫn còn đôi mắt, đôi tai, còn đôi tay, khối óc, tôi sẽ tận dụng hết tất cả những gì còn lại của mình để được sống như là một người có ích trong xã hội”. Chỉ với một chân, nhưng Phi không gục ngã. Bây giờ Phi thấy mình vững chãi hơn bao giờ hết. Mỗi ngày, cùng với cái chân giả, Phi vẫn lặn lội qua Hội An làm những công việc mà mình đã, đang và sẽ làm.

THIÊN LÝ

THIÊN LÝ