FDI chuyển hướng vào ASEAN
Ngân hàng HSBC (Anh Quốc) cho hay, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có xu hướng chuyển dịch qua các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) nhờ thị trường nội địa hấp dẫn, tăng trưởng cao.
FDI được coi là nguồn lực, là nhân tố quan trọng nhằm bù đắp những thiếu hụt về ngân sách để xây dựng và phát triển đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Do vậy, tập trung thu hút FDI luôn là chiến lược ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế của hầu hết các nước. Việc thu hút thành công FDI suốt 20 năm qua đã đóng vai trò quan trọng đưa Trung Quốc từ một quốc gia nghèo tiến lên thành một cường quốc kinh tế. Song giờ đây, những chi phí tăng cao do lương nhân công và đồng nhân dân tệ tăng giá khiến các nhà đầu tư đang tìm kiếm những mảnh đất màu mỡ khác như Ấn Độ hay nhiều nước trong ASEAN như Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan…
FDI góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. (Ảnh: business-in-asia) |
Trước khủng hoảng tài chính châu Á, dòng vốn vào ASEAN rất lớn, chiếm khoảng 8% tổng nguồn vốn lưu chuyển trên thế giới. Trong 5 năm sau khủng hoảng, dòng vốn này giảm khoảng 2% trên tổng vốn lưu chuyển trên thế giới. Nhưng trong hai năm vừa qua, các nhà đầu tư đã quay lại ASEAN bởi hai lý do: tiềm năng tăng trưởng và lợi thế chi phí rẻ. Kết quả, dòng vốn vào ASEAN đã ngang ngửa với phần vốn vào Trung Quốc, 7,6% so với 8,1%.
HSBC nhận định, Việt Nam hiện đứng thứ hai về thu hút vốn FDI trong khối ASEAN sau Singapore do có nguồn nhân công rẻ cùng với môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn. Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam vẫn ở mức thấp với 30% và dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới, cạnh đó hơn 60% dân số dưới 35 tuổi. Hơn nữa, việc Nhật Bản tăng nhanh đầu tư vào Việt Nam được xem là dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Năm 2011, đầu tư của Nhật Bản chiếm 25% tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam và 10 tháng đầu năm 2012, con số này đã tăng tới 58%, hiện đạt khoảng 5 tỷ USD. Theo khảo sát của HSBC, nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện các điều kiện kinh tế thì FDI có khả năng tăng tốc. Ngoài ra, HSBC cũng quan ngại một số lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng, tiếp cận với nguyên vật liệu thô, thuế hải quan, thủ tục hành chính, tham nhũng và hàng hóa trung gian cho sản xuất.
Song, theo các chuyên gia kinh tế, trong khi dòng vốn FDI có thể là một nguồn đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập quan trọng, thì việc thu hút các công ty đa quốc gia trong khi không có chính sách chủ động để tối đa hóa lợi ích có thể gây rủi ro đối với nước chủ nhà. Vì vậy, đối với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, việc điều chỉnh chính sách thu hút FDI phù hợp với yêu cầu thực tế của một nền kinh tế là cần thiết. Những bài học kinh nghiệm thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài không thể bỏ qua. Chẳng hạn Trung Quốc kết hợp thu hút vốn đầu tư và thu hút tri thức, Malaysia và Thái Lan thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tùy theo ưu tiên, nhu cầu của các ngành sản xuất trong nước…
KIM OANH (tổng hợp)