Nâng niu kỷ niệm

HỒ DUY LỆ 12/01/2013 09:10

Vào một buổi sáng sắp sang đông, Đinh Văn Dũng đội mưa mang đến tôi tập tản văn có nhan đề “Mùa hoa khế” (*). Tập sách đọc được, nhiều đoạn, nhiều câu làm ta xúc động, thương thương, ngoài những kỷ niệm êm đềm, những suy tư, khắc khoải, tình cảm với làng quê, về người thân yêu, còn có những câu có chất văn hồn nhiên, mộc mạc, chân thành.

Đinh Văn Dũng đã biết khai thác kiến thức ngữ văn ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế, bằng việc tập tành viết tin ngắn, bài ngắn, trong phạm vi xã, phường, đội Công an phòng cháy chữa cháy… để hoàn thành nhiệm vụ “cộng tác viên thường xuyên” cho chuyên mục “Tin tức mọi mặt” Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng ngày ấy. Trước hết là để có nhuận bút mà sống khi bước vào cuộc đời tự lập thân, khi đất nước ta đang còn thiếu thốn đủ thứ, đầy khó khăn.

Nhờ nhiệm vụ không dễ dàng của một “cộng tác viên” mà Đinh Văn Dũng có điều kiện tiếp cận cuộc sống muôn màu, nhận ra xã hội đang phát triển đâu chỉ có màu hồng mà có cả màu đen, màu xám với vô số phận người - những phận người không may mắn như chính bản thân, gia đình, trên quê hương thân yêu này.

Và, khi làm cán bộ Báo Quảng Nam (bây giờ anh đã là cán bộ Báo Đà Nẵng), Đinh Văn Dũng biết đem kiến thức ngữ văn ở trường xâm nhập vào cuộc sống để thể hiện bằng văn phong báo chí cảm xúc và tình yêu của mình đối với người thân, với quê hương, với bao kỷ niệm buồn, vui. Tất cả, với Đinh Văn Dũng là tình yêu - một tình yêu anh luôn giữ gìn, nâng niu, sợ lãng quên.

Người ta là hoa của đất. Người Điện Dương, Điện Bàn cũng là “hoa” của đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Người thân yêu đó là cha Bảy Sấn, một chiến sĩ du kích chiến đấu chống giặc xâm lăng, hy sinh không tìm ra hài cốt. Là mẹ Năm Dẫy, người mẹ hiền, ngày ngày tần tảo kiếm kế sinh nhai, nhớ chồng, thương con thơ, cực quá, lâm bệnh nặng rồi chết cùng em gái của Dũng đang trong bụng mẹ. Là dì Hai Lộc - người thay mẹ, bằng tình yêu của người mẹ - để nuôi Dũng lớn khôn. Là dì Sáu Dây, dì Lan…

Quê hương đó là xóm Văn Kinh, xóm Sa Khê, là sông Hà Sấu, là biển Hà My, là sóng Mỹ Khê, là Cẩm Hà, Hội An, là Đà Nẵng, là Huế. Quê hương là khu vườn của nội, mùa hoa khế, cái sân gạch, bánh xèo quê, mì quê, là trăng quê, sông quê, vườn quê, là đất cát Điện Dương với rừng dương xanh xanh và nhạc sóng biển rì rào… Tất cả đó là văn hóa làng quê.

Đinh Văn Dũng viết về dì Hai, về Mẹ, về Cha, về mùa hoa khế... không phải để được có tên trên báo, có được nhuận bút ít ỏi uống cà phê. Mà anh viết vì cảm xúc dâng trào khi nghĩ về mẹ, nhớ về cha, viết khi lòng day dứt rưng rưng bỗng thấy lại chiếc giường cũ mẹ từng nằm, viết trong ngậm ngùi mỗi dịp về lại khu vườn nơi dì Hai nuôi Dũng lớn lên thành người.

Và viết, tập hợp lại thành một tập sách nhỏ làm món quà tinh thần tặng người thân để hiểu hơn về mình, tặng cho các con, gieo vào trong các con thân yêu của Dũng tình yêu quê hương, tình yêu ông bà, tình yêu người thân. Các cháu sinh ra từ thành phố, lớn lên từ thành phố, học hành ở thành phố phồn hoa, nhộn nhịp, thỉnh thoảng mới được ba mẹ đưa về thăm quê - những làng quê có nguy cơ biến mất trong tiến trình đô thị hóa - làm sao hiểu rằng đó là nơi hình thành nên nền tảng tinh thần nuôi dưỡng tuổi thơ, nuôi dưỡng “thời tiểu học, thời hình thành nhân cách, với chất người và chất cá nhân, làm nên cái gốc văn hóa của đời người’’ (Hồ Ngọc Đại).

Bước vào nghề báo từ mưu cầu sinh nhai, Đinh Văn Dũng đã biết tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, bằng văn phong báo chí để thể hiện cảm xúc và tình cảm của mình khi phát hiện một đề tài. Và, bằng tình cảm chân thành và niềm đam mê nghề nghiệp, từng ngày, anh cố gắng vượt qua văn phong báo chí, chăm chút câu chữ ngõ hầu thể hiện cảm xúc bằng lời văn.

Tôi nói với Đinh Văn Dũng rằng, hãy “cố gắng” viết những câu có chất văn. Bởi, ngay văn hào Ernest Hemingway còn cho rằng: Trên đời này không có gì khó khăn hơn là viết những trang văn xuôi lương thiện, giản dị về con người...
Hãy thâm nhập vào cuộc sống muôn màu, và viết nhiều hơn!

HỒ DUY LỆ
(*) Đọc « Mùa hoa khế », tản văn của Đinh Văn Dũng, NXB Hội Nhà văn 2012.

HỒ DUY LỆ