Chung quanh vụ nữ sinh bị đuổi học vì thóa mạ thầy cô trên Facebook: Nên lấy giáo dục làm trọng
Báo Quảng Nam số 3468 ra ngày thứ sáu 4.1 phản ánh việc em N.T.V - học sinh lớp 8/6 trường THCS Lý Tự Trọng (TP. Tam Kỳ) bị đuổi học 1 năm do thóa mạ thầy cô trên Facebook (bài Nước mắt người cha). Nhiều ý kiến trên các diễn đàn cho rằng mức độ xử lý kỷ luật này là xác đáng nhưng cũng có không ít người cho rằng quá nặng.
|
Ông Trần Ngọc Sơn (Trưởng phòng GDĐT TP. Tam Kỳ): Cần tôn trọng ý kiến của nhà trường
Theo ý kiến cá nhân, tôi tôn trọng ý kiến của các thầy giáo, cô giáo trường THCS Lý Tự Trọng, vì hơn ai hết, các thầy cô là những người gần gũi, trực tiếp giáo dục em V. nên hiểu được cặn kẽ mọi vấn đề. Hơn nữa, để đưa ra quyết định kỷ luật, trường đã tổ chức hội đồng với sự tham gia của cả tập thể gồm ban giám hiệu, các thành viên hội đồng kỷ luật, giáo viên chủ nhiệm và đại diện cha mẹ học sinh nhà trường. Đó là một quyết định mang tính tập thể và tôi không thể nhận xét mức độ kỷ luật như vậy là nặng hay nhẹ.
Ngày 7.1, Bộ GDĐT đã có văn bản yêu cầu Sở GDĐT báo cáo về vụ việc. Hiện tại, lãnh đạo sở đã giao cho Thanh tra Sở vào cuộc xác minh, làm rõ sau khi nhận đơn kêu cứu của gia đình em V. |
TS. Nguyễn Thị Kim Liên (Q. Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục trường Đại học Quảng Nam): Cần xem xét yếu tố nhận thức
Nhà trường là nơi thể hiện tính nhân văn, nhân ái. Không thể vì một phút nông nổi và nhận thức sai lầm của cô bé học trò lớp 8 khi đưa thông tin lên mạng mà đuổi học 1 năm. Giáo dục cần răn đe là chính. Tôi cho rằng, nên tiếp tục giữ em V. lại trong nhà trường để giáo dục. Nếu em tái phạm nhiều lần, không nhận thức được lỗi lầm của mình thì đuổi học cũng không muộn. Kỷ luật học trò cần xem xét ở hành vi và nhận thức nữa.
Ông Huỳnh Văn Bình (Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Hòa - huyện Đại Lộc): Lấy giáo dục làm trọng
Đánh nhau là xúc phạm thân thể người khác; xuyên tạc với lời lẽ xúc phạm thầy cô, đó là những hành vi vi phạm đạo đức khá nặng. Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng do nhận thức còn non kém vì em học trò này đã học đến lớp 8, có nghĩa đã có nhiều thời gian được thầy cô giáo dục trong nhà trường. Tuy nhiên, nhà trường nên lấy giáo dục làm trọng. Đuổi học 1 năm, đẩy em ra ngoài xã hội không khéo sẽ làm mất 1 học trò trong khi tuổi của em cần được giáo dục trong nhà trường.
Ông Lê Văn Chính (Phó Giám đốc Sở GDĐT): Chờ báo cáo của Phòng GDĐT Tam Kỳ
Sở đang chờ báo cáo của Phòng GDĐT TP. Tam Kỳ về vụ việc nên không thể đưa ra nhận xét là mức độ kỷ luật vừa qua nặng hay nhẹ.
XUÂN PHÚ (thực hiện)