Nỗ lực trong một năm đầy khó khăn
(QNO) - Hôm nay 7.1, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác lao động - thương binh và xã hội năm 2012, bàn phương hướng năm 2013. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Năm 2012 là một năm đầy khó khăn đối với ngành LĐ-TB&XH, khi sự khó khăn về kinh tế tác động không nhỏ đến mọi lĩnh vực thuộc ngành.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Quảng Nam. |
Việc làm, dạy nghề khó khăn
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, năm 2012, ngành LĐ-TB&XH gặp rất nhiều khó khăn nên nhiều chỉ tiêu đề ra không đạt được. Cụ thể, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) chỉ đạt 95% kế hoạch với 1.520 ngàn người có việc làm mới. Chỉ tiêu này không đạt được do nền kinh tế khó khăn, tác động lớn đến vấn đề tạo việc làm, nhiều doanh nghiệp phải giảm, tạm dừng hoặc dừng sản xuất và phá sản. Tuy vậy, nhiều địa phương vẫn cố gắng giải quyết việc làm cho NLĐ như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng...
Các phiên giao dịch việc làm được các tỉnh tổ chức thường xuyên, với tần suất giao dịch tăng gấp 1,2 lần so với năm 2011, nhằm tìm kiếm nguồn việc làm cho NLĐ. Nguồn vốn từ nguồn Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho NLĐ tự tạo việc làm và tạo việc làm cho 160 ngàn LĐ, đạt 88,8% kế hoạch. 80 ngàn người được đi xuất khẩu LĐ chỉ đạt 88,9% nhưng cũng là nỗ lực khá cao vì nền kinh tế thế giới khôi phục chậm, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước tiếp nhận LĐ Việt Nam tăng cao. NLĐ Việt Nam năm 2012 đi LĐ chủ yếu ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...
Các địa phương đã chú trọng và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật LĐ, giúp các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Từ đó góp phần xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và cả lợi ích của chủ sử dụng LĐ. Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 4,2% so với năm 2011, đạt 10,3 triệu người, tham gia BHXH tự nguyện tăng 48,9% so với 2011, đạt 134 ngàn người. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đi vào cuộc sống với 8,07 triệu người tham gia, hơn 432 ngàn người được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Công tác dạy nghề tiếp tục được đổi mới và phát triển, tuyển mới dạy nghề trên 1.400 ngàn người, dù không đạt kế hoạch nhưng hệ thống dạy nghề tiếp tục được xã hội hóa, huy động được nguồn lực xã hội trong đào tạo nghề cho NLĐ. Người học nghề được hướng vào việc học các nghề đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn.
Chú trọng các chính sách ưu đãi
Chính sách ưu đãi người có công được đẩy mạnh thực hiện kịp thời, chính xác. Gần 1,5 triệu người có công được trợ cấp ưu đãi thường xuyên; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thực hiện chính sách cho gần 44 ngàn người là thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sỹ. Trên 16 ngàn ngôi nhà tình nghĩa được xây mới và sửa chữa, giúp người có công ổn định chỗ ở. Ngành LĐ-TB&XH đã huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt trên 200 tỷ đồng, hỗ trợ giúp người có công phát triển sản xuất, tăng thu nhập, phấn đấu có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Năm 2012, nhiều nơi đã nổ lực lớn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động. |
Các địa phương đã chủ động thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo về giáo dục, tiền điện, mua thẻ BHYT, nhà ở, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, cho vay vốn ưu đãi... Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả tiếp tục được nhân rộng như mô hình giảm nghèo tại 6 Khu kinh tế quốc phòng tại Quân khu I, II, III, IV do các Đoàn kinh tế quốc phòng phối hợp với UBND các xã thực hiện, mô hình liên kết giữa người nghèo, xã nghèo với các doanh nghiệp... Các huyện nghèo được tiếp tục đầu tư theo Nghị quyết 30a đối với các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, tăng cường Phó Chủ tịch xã cho các xã thuộc huyện nghèo. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, các địa phương đã đưa tỷ lệ hộ nghèo cả nước ước giảm còn 10% trong năm 2012.
Đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng xã hội. Các địa phương có điều kiện nâng mức trợ cấp xã hội thường xuyên cao hơn 1,6 lần mức quy định chung. Hệ thống cơ sở bảo trợ tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội được tốt hơn. Trẻ em được chăm sóc bằng nhiều hình thức như hưởng trợ cấp xã hội, trợ giúp khám chữa bệnh, chỉnh hình phục hồi chức năng, được hỗ trợ về giáo dục, tư vấn, tiếp cận các dịch vụ bảo vệ trẻ em, hưởng phúc lợi xã hội. Nhóm trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại khi được phát hiện đã nhận được sự can thiệp kịp thời. Nhiều hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em được thực hiện với nhiều hình thức khá phong phú ở các địa phương. Nhiều hoạt động khác của ngành LĐ-TB&XH như bình đẳng giới, cai nghiện, phục hồi, phòng chống mại dâm đều được chú trọng thực hiện.
Nỗ lực phấn đấu trong toàn ngành
Năm 2013 được đánh giá là một năm tiếp tục có nhiều khó khăn do kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, áp lực lạm phát cao vẫn còn khá lớn, biến đổi khí hậu gây nên tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường... Vì thế, ngành LĐ-TB&XH đã kêu gọi toàn ngành nỗ lực phấn đấu để có thể thực hiện được những mục tiêu mà ngành đã đề ra trong năm 2013. Những chỉ tiêu chủ yếu của ngành như tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn khoảng 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng huyện nghèo giảm 4%. Muốn thực hiện được điều ngành, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa yêu cầu các địa phương phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm cho NLĐ bằng nhiều chính sách khuyến khích về tài chính, tín dụng, thuế, hỗ trợ dạy nghề, thông tin thị trường, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xuất khẩu LĐ. Vấn đề đào tạo nghề phải đáp ứng được nhu cầu LĐ kỹ thuật chất lượng cao cho thị trường LĐ trong nước, xuất khẩu LĐ và chuyển dịch cơ cấu LĐ.
Đại diện lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh chia sẻ cách làm tốt của thành phố trong vấn đề giải quyết việc làm cho NLĐ, vì thành phố đã xây dựng được Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường LĐ. Thông qua Trung tâm này, nhiều thông tin về thị trường LĐ được cập nhật thường xuyên, tiếp nhận và cung ứng nguồn nhân lực sát với thị trường, đáp ứng được nhu cầu nên hiệu quả hoạt động khá cao. Tỷ lệ hộ nghèo của TP.Hồ Chí Minh giảm mạnh trong năm qua vì thành phố đã huy động được nguồn lực xã hội lớn, góp sức, đồng hành cùng người nghèo để họ có điều kiện làm ăn, không còn tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm vào chính sách của nhà nước.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cho rằng không nên cho tiền trực tiếp hộ nghèo vì sẽ tạo tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo mà nên trao phương tiện sản xuất, điều kiện để hộ nghèo làm ăn, tự vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị Chính phủ nên có thêm cơ chế khuyến khích thoát nghèo, địa phương, người dân nào thoát nghèo thì nên có cơ chế hỗ trợ, động viên cho họ để người khác thấy thế làm theo.
Với vấn đề dạy nghề, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng nên tập trung đầu tư cho các trường, trung tâm dạy nghề tại các tỉnh, để đây là kênh hiệu quả giúp các huyện thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Năm 2012 là một năm đất nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vượt ra khỏi dự báo của chúng ta ngay từ đầu năm. Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đạt được những thành tựu cơ bản, là nỗ lực lớn của cả nước. Việc làm tuy hết sức khó khăn nhưng chỉ tiêu tạo việc làm mới cũng xấp xỉ đạt kế hoạch, giảm nghèo đưa ra 2% nhưng đạt 1,76% cũng đã là thành công. Dù khó khăn nhưng vấn đề đảm bảo an sinh xã hội không cắt bớt, không được để bị ảnh hưởng. Dù có chậm, khó trong một thời gian nhất định nhưng vẫn phải đảm bảo, không để học sinh sinh viên thiếu học phí đến mức phải bỏ học”. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đề nghị toàn ngành LĐ-TB&XH phải phấn đấu nhiều hơn, cải tiến trong nhiều mặt để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của ngành đã đặt ra. Toàn ngành phải nghiêm túc phân tích những mặt hạn chế, yếu kém là do đâu, để có biện pháp khắc phục, tháo gỡ, thực hiện tốt hơn. Những kiến nghị còn khá nhiều, đề nghị các tỉnh tiếp tục góp ý bằng văn bản để Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp, xử lý từng vấn đề, thuộc quyền của Bộ thì Bộ xử lý, liên Bộ thì phối hợp với các Bộ khác cùng giải quyết, đến cấp Chính phủ thì trình Chính phủ xử lý, giải quyết được vướng mắc thì công việc thực hiện mới suôn sẻ, hiệu quả, chính sách mới đi vào cuộc sống được.
DIỄM LỆ