Truyền nhân saranai

SONG ANH 05/01/2013 09:37

Một người gốc Quảng, một người mang trong mình dòng máu Chăm Ninh Thuận, cả hai đều là những “đệ tử ruột” của cố nghệ nhân Trượng Tốn. Không hẹn mà gặp, một chiều cuối năm, nghe bản hòa tấu kèn saranai từ 2 chàng trai trẻ bằng di vật thầy Tốn để lại, ngỡ như  người nghệ nhân già vẫn đang còn đâu đó tại Mỹ Sơn…

1. Tiếng kèn buồn bã, thanh âm như vẽ ra trước mắt những ngọn đồi tháp trơ trọi, len vào những đền đài phế tích, ám ảnh. Thật khó diễn đạt hết xúc cảm của lữ khách khi đứng trước Mỹ Sơn quạnh quẽ, nghe tiếng kèn saranai vi vút gió rừng… Chính sự ám ảnh đến nao lòng của thứ âm thanh lạ kỳ đó đã thu hút một chàng trai xứ Quảng dấn thân vào cuộc chơi: Nguyễn Văn Thành, người xã Duy Phú, Duy Xuyên. Anh đang cùng với một người Chăm nữa đang giới thiệu đến đông đảo du khách “đặc sản âm thanh” của người Chăm tại vùng thánh địa.

Mỹ Sơn. Ảnh: KTXB
Mỹ Sơn. Ảnh: KTXB

Xuất thân là diễn viên múa của Đoàn văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn. Bị thu hút bởi âm giai tiếng kèn của nghệ nhân Trượng Tốn, hơn 5 năm theo học lấy hơi, tống hơi và được truyền dạy cả về văn hóa Chăm, Nguyễn Văn Thành trót mê mẩn. “Tình cờ hay duyên phận mình cũng chẳng rõ, nhưng ngay từ những ngày đầu nghe tiếng kèn từ bố Tốn, mình biết đây chính là con đường của mình, nên theo bố Tốn học sau mỗi suất diễn cho du khách” - anh chia sẻ. Khi cất lên tiếng kèn, mà theo anh nó chỉ bằng phân nửa “giọng kèn” của bố Tốn, nhưng chừng ấy thôi cũng đủ khiến người nghe xúc động. Tấm lòng này, trái tim này, tâm huyết này dường như chỉ bộc lộ mỗi khi Thành chạm môi vào cây kèn saranai được xem như báu vật mà nghệ nhân Trượng Tốn để lại. Một người Quảng Nam đang gìn giữ thứ “di sản” tinh thần của người Chăm tại vùng thánh địa là một sự cộng hưởng tuyệt vời, gây thích thú lẫn bất ngờ cho nhiều du khách.  

Thiên Thành Vũ.                                                                                                                          Ảnh: SONG ANH
Thiên Thành Vũ. Ảnh: SONG ANH

2. Saranai (tiếng dùng của người Chăm) tượng trưng cho âm tính. Vậy nên, trong những lễ hội, tiếng kèn ấy thường đi đôi với nhạc cụ khá mạnh mẽ, tượng trưng cho dương tính như trống ginăng. Sự giao hòa giữa trời và đất, tín ngưỡng phồn thực, ước mong sự sinh sôi nảy nở, hài hòa âm dương… lý giải cho sự kết hợp giữa 2 loại nhạc cụ này.

Anh Nguyễn Văn Thành nói về chiếc kèn saranai và thầy Trượng Tốn của mình.
Anh Nguyễn Văn Thành nói về chiếc kèn saranai và thầy Trượng Tốn của mình.
Trượng Tốn, người được nhắc đến nhiều trong bài viết này, là nghệ sĩ người Chăm đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam năm 2002 (Báo Quảng Nam đã có bài giới thiệu). Ông từng sang Malaysia, Indonesia và nhiều nước Đông Nam Á khác biểu diễn kèn saranai. Năm 2001, ông chính thức dừng chân tại Mỹ Sơn. Mỗi năm, ông chỉ về quê cũ một lần vào dịp lễ chính Katê tháng 10 của người Chăm. Quãng thời gian còn lại, ông thổi kèn phục vụ du khách đến với Mỹ Sơn. Năm 20 tuổi nghệ nhân Trượng Tốn đã rành rẽ các ngón lấy hơi, thổi kèn saranai cho dù chỉ được học qua truyền miệng. Nhưng đến khi Trượng Tốn vào cuộc sưu tầm, nghiên cứu, viết tư liệu về nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm với tư cách hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, ông đã ký âm những âm sắc của trống paranưng, kèn saranai... Trong những tháng ngày ở Mỹ Sơn, ông đã truyền nghề cho Nguyễn Văn Thành và Thiên Thành Vũ.
Ngày 26.11.2010, nghệ nhân Trượng Tốn đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận), thọ 70 tuổi.

Song hành với Nguyễn Văn Thành trong dàn nhạc của đoàn văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn phải kể đến Thiên Thành Vũ, nghệ danh Thiên Sanh, một thanh niên Chăm theo Trượng Tốn “ly hương” đến với Mỹ Sơn. Thiên Thành Vũ khá trẻ, chỉ mới 24 tuổi nhưng tiếng kèn và điệu trống của anh lại thể hiện bản lĩnh nghệ thuật vững vàng. Năm 2010, khi nghệ nhân Trượng Tốn mất, Thiên Thành Vũ  đã có ý định quay về quê hương. Tuy nhiên, lời gửi gắm trước lúc về với đất của “bố Tốn” đã giữ anh lại. Sinh ra trong gia đình nghệ sĩ, Thiên Thành Vũ thừa hưởng khá nhiều tố chất từ người cha, nghệ nhân kèn saranai Thiên Sanh Thiềm,  người có khả năng làm nhiều loại nhạc cụ dân gian Chăm. Người cha đã truyền dạy kỹ thuật và san sẻ niềm đam mê từ trống paranưng, trống ginăng đến kèn saranai cho 5 đứa con của mình.

Cây kèn saranai bé nhỏ, có thể tháo ra lắp vào dễ dàng. Thân kèn được chọn từ cây me lấy quả, phần lõi màu đen để làm. Đốt giữa cây kèn saranai được làm từ một lõi rút trong xương ống quyển của con voi, đầu kèn làm bằng sừng trâu. Những nguyên liệu quý giá như vậy giờ khó để tìm được, nên kèn saranai hay trống ginăng, trống paranưng đã trở thành vật quý hiếm của người Chăm.

Ba thanh âm chính (tăk, tăm, tầm) của nhịp trống paranưng, thêm những âm thanh khỏe khoắn của nhịp trống ginăng (tơk, ting, tik, cleng, glèng…), tiếng kèn saranai réo rắt cất lên, những vũ nữ cùng múa điệu rija khơi mạch nguồn cảm xúc cho những ai muốn đào sâu tìm hiểu các giá trị văn hóa Chămpa. “Ginăng có 72 điệu, tiếng kèn saranai thổi theo 72 điệu trống này, mỗi nhịp trống là một điệu múa. Giữ vai trò quan trọng trong dàn nhạc nên để thổi được kèn saranai cần phải có sự luyện tập khá bền bỉ và kiên nhẫn” - Thiên Thành Vũ nói. Cái khó nhất của nghệ thuật thổi kèn saranai chính là kỹ thuật lấy hơi và giữ hơi, cách tống hơi ra ngoài. Khi thổi, đầu kèn nhỏ, dẹp chạm vào lưỡi của nghệ nhân để tiếng kèn phát ra réo rắt. Vũ chia sẻ thêm, âm điệu của saranai lúc nào cũng buồn chơ vơ, bởi nó tượng trưng cho sự gặp gỡ của nhiều linh hồn đã mất mà người Chăm gọi là vật thể “mang nhiều hồn vía”…

Trong ký ức của 2 nghệ nhân trẻ, hình ảnh “bố Tốn” năm xưa say lả trong những mùa lễ hội di sản, thăng hoa với những thanh âm mê hoặc cứ ám ảnh lấy họ. Ngoài Nguyễn Văn Thành đang lưu giữ kèn saranai của “bố Tốn” để lại, Thiên Thành Vũ cũng luôn mang theo bên mình trống ginăng, đàn kanhi do chính cha của anh làm. Với hai nghệ nhân trẻ này, đấy không chỉ là niềm trân quý, tự hào mà còn có cả niềm mong muốn phát huy giá trị âm nhạc Chăm đến với cộng đồng và bạn bè quốc tế…

SONG ANH

SONG ANH