Gạn đục khơi trong - Bài 2: Keo dính dân gian

ANH TRÂM - QUỐC HẢI 03/01/2013 09:49

Những tri thức dân gian được khơi nguồn đã trở thành “chất kết dính” cho di sản văn hóa truyền thống với hiện tại. Nhân dân là yếu tố sống còn và lễ hội dân gian, phong trào toàn dân là chất keo vững bền cho công cuộc gìn giữ bản sắc văn hóa.

  • Gạn đục khơi trong - Bài 1: Tìm trong di sản

Mạch sống

Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là hai nội dung cùng hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tác động trực tiếp vào tâm tư, mong ước của người dân. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân hằng năm là một trong những sự kiện được người dân chờ đợi. Bởi những ngày đó, toàn khu dân cư, khối phố, xóm làng rộn ràng cùng vào hội. Và cũng ở những không gian đó, bản sắc văn hóa dân gian, văn hóa ứng xử được bộc lộ. Các trò chơi thi đấu cờ tướng, thi hát dân ca, hát bài chòi, hò khoan đối đáp... của đời sống dân gian được quay về trong nhịp sống hiện đại. Trong không gian này, những mối bất hòa được giải tỏa, các tệ nạn được nhắc nhở, những nét đẹp văn hóa trong cộng đồng được khơi dậy... Trên thực tế, các hoạt động này ở cộng đồng dân cư luôn đem lại những niềm vui rất lớn cho nhân dân. Huyện Tây Giang đã xây dựng hẳn một chương trình mục tiêu về xây dựng môi trường văn hóa và quán triệt sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Briu Liếc nói: “Huyện Tây Giang xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của văn hóa đối với đời sống xã hội nên thường xuyên tuyên truyền giáo dục giữ gìn và phát huy những đạo lý, nét văn hóa tốt đẹp của gia đình, làng bản. Đặc biệt, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín của thôn, bản trong việc phục dựng các phong trào, lễ hội dân gian của đồng bào Cơ Tu”.

Vui cùng ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: ANH TRÂM
Vui cùng ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: ANH TRÂM

Tại Hội An, cùng với nhiều loại hình sinh hoạt, nghệ thuật dân gian khác, bài chòi trở thành sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo ở phố cổ. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An cho biết, từ năm 1992, trung tâm đã định hướng khôi phục các hình thức nghệ thuật và giá trị văn hóa dân tộc vào chương trình hoạt động của mình. Trong đó, các lớp dạy hát dân ca được chú trọng và được đưa vào các trường THCS trong chương trình chính khóa. “Từ năm 2010, hằng đêm ở Hội An còn có lớp dạy hát dân ca được tổ chức trong phố cổ. Rất mừng là mạch sống dân ca được khơi nguồn khi niềm đam mê ca hát của tuổi thơ đã hòa điệu cùng tình yêu làng xóm, quê hương” - nghệ sĩ dạy hát dân ca Dương Quý tâm sự.

Kết nối cộng đồng

“Niềm tin, tôn trọng lịch sử, chất kết nối và sự đồng lòng chính là khối tài sản vô giá trong đời sống xã hội và là thế mạnh để phát triển bền vững, gìn giữ lại nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” - ông Nguyễn Văn Khương, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên chia sẻ. Minh chứng cho khối bền vững ấy là sự kết nối trong công cuộc trùng tu văn hóa, những nếp nghĩ nhân văn trong đời sống cộng đồng làng xã. Lễ hội tháng 2 “Lệ Bà Chiêm Sơn” và tháng 3 “Bà chúa Tằm Tang” ở Duy Trinh (Duy Xuyên) là những nét văn hóa đẹp được gìn giữ. Hay trong nghệ thuật tuồng, cụ Nguyễn Quỳnh - nguyên Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên ví von: “Đối với hát tuồng, người xem cũng chính là người bảo tồn nghệ thuật tuồng thì nói rộng ra trong việc giữ gìn văn hóa, nhân dân chính là chủ nhân mà cũng là người kế thừa cho những giá trị bền vững có từ bao đời nay. Chỉ cần có một chất keo kết nối, những lớp tầng văn hóa vốn có sẽ được gìn giữ”. Cũng với tinh thần vì cộng đồng và truyền thống thuần hậu, đến nay 77 thôn, khối phố tại Hội An đã ủng hộ HĐND địa phương lấy tên làng, tên xóm trước đây để thay cho cách gọi bằng con số. Chính người dân trở thành chủ thể trong tất cả hoạt động khôi phục truyền thống văn hóa thông qua các hội làng, hội nghề. Lệ Xuân kỳ - Thu tế, các hội nghề làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, yến Thanh Châu hay các lễ hội cầu ngư, đua thuyền của cư dân sông nước… thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham gia.

“Trong việc giữ gìn văn hóa, nhân dân chính là chủ nhân mà cũng là người kế thừa cho những giá trị bền vững có từ bao đời. Chỉ cần có một chất keo kết nối, những lớp tầng văn hóa vốn có sẽ được gìn giữ”
(Cụ Nguyễn Quỳnh - nguyên Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên)

Còn nhớ khoảng 10 năm trước, để ủng hộ chính quyền quy hoạch phát triển du lịch dọc theo vùng biển Cẩm An, Cửa Đại (Hội An), các tộc họ ở đây đã quyết định “hỏa táng bằng chảo gang” hàng trăm hài cốt của ông bà đưa vào thờ trong nhà thờ tộc. “Câu chuyện thật sự xúc động. Nếu không có sự đồng lòng, hy sinh vì sự phát triển chung thì làm thế nào con cháu trong các tộc họ có thể làm được như thế. Đây là biểu tượng của tinh thần vì cộng đồng, có sức sống mạnh mẽ!” - ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng VH-TT Hội An nói. Cũng chính đời sống văn hóa tinh thần của người dân là nền tảng để Hội An làm nên phố đi bộ và đêm phố cổ với sinh hoạt của cư dân phố Hội. Còn nhớ khi UNESCO trao giải thưởng Dự án kiệt xuất “Hợp tác bảo tồn khu phố cổ” cho Hội An, ông Richard A.Engelhardt, cố vấn văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, người dân Hội An “đã mang quá khứ vào tương lai”.

Ông Trần Thế Quang bên gốc khế trong sân nhà. Ảnh: QUỐC HẢI
Ông Trần Thế Quang bên gốc khế trong sân nhà. Ảnh: QUỐC HẢI

Ở Tây Giang nói riêng và các huyện miền núi nói chung, vấn đề mai một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc cũng đang được quan tâm. Già làng Alăng Đàn (huyện Tây Giang) trăn trở: “Thực tế có nhiều giá trị văn hóa Cơ Tu chưa được người dân quan tâm, gươl sinh hoạt cộng đồng ít được xây dựng, thuần phong mỹ tục ngày càng bị mất đi. Thậm chí tiếng mẹ đẻ, chữ viết cũng đang bị thế hệ trẻ quên lãng. Vai trò của già làng, những người uy tín rất quan trọng trong vấn đề này. Ngay tại xã A Nông của tôi, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống đã có nhiều thay đổi mà vẫn giữ lại những nét đẹp của người Cơ Tu. Đó là nhờ có người đứng đầu kết nối mối quan hệ cộng đồng”.

Nếp nhà
Sáng nào ông Trần Thế Quang (Hội An) cũng dậy sớm để đốt nhang rồi ra khu vườn sau tập thể dục. Khoảnh đất rộng chừng 20m2 này được tổ tiên tôn cao hơn 1m làm khu hậu, tạo sự ấm cúng cho bàn thờ trong nhà. Ở đó có một gốc khế đã hơn 100 tuổi. “Tộc chúng tôi đã qua 13 đời với hơn 100 người, dưới gốc khế là nơi chôn nhau mỗi lần con cháu sinh hạ. Ở đây ấm cúng, con cháu cũng biết gốc gác của mình!” - ông Trần Thế Quang tâm sự.
Nằm ngay ngã tư đường Lê Lợi - Phan Châu Trinh, nhà thờ cổ tộc Trần là điểm thu hút khách tham quan không chỉ bởi giá trị kiến trúc mà còn là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một gia đình. Ở Hội An, gia đình 3 thế hệ trở lên hiện chỉ còn 30% trong gần 19.000 hộ. Thế nhưng, 20% trong số đó là gia đình 4 thế hệ, nơi còn lưu giữ bền chặt những nếp sinh hoạt truyền thống bình dị.(Quốc hải)

Chính nhờ phong trào xây dựng các mô hình văn hóa được đẩy mạnh mà các cuộc vận động quần chúng khác trên nhiều lĩnh vực được triển khai thuận lợi và đạt kết quả tốt. Ngày càng nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả, góp phần làm cho đời sống nhân dân khấm khá hơn, hộ khá, giàu tăng, hộ nghèo giảm một cách bền vững. Đặc biệt, các phong trào đã ảnh hưởng tích cực đến quá trình huy động các nguồn lực trong nhân dân nhằm giải quyết những vấn đề có tính thiết yếu đối với cuộc sống tại cộng đồng dân cư. “Đó là điều rất đáng mừng trong công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta đã có một nền tảng vững bền trong bề dày văn hóa từ bao đời nay mà cha ông để lại. Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn có tầm ảnh hưởng sâu sắc, tác động vào văn hóa là cả một quá trình lâu dài. Chính vì vậy, còn rất nhiều việc phải làm để chọn lọc, gìn giữ nền tảng đẹp đẽ và bền vững này cho đời sau” - ông Nguyễn Văn Khương khẳng định.

ANH TRÂM - QUỐC HẢI
Bài cuối: Giữ cho đời sau

ANH TRÂM - QUỐC HẢI