Cho dòng sông trở lại
Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ tiến hành khởi công dự án nạo vét khai thông sông Cổ Cò vào giữa tháng 6 năm nay, mở lại con đường thủy nối Cửa Đại – Cửa Hàn như xưa.
TIN LIÊN QUAN:
Một đoạn sông Cổ Cò hiện nay.Ảnh: TRỊNH DŨNG |
Những “khúc quanh” của dòng sông
Lịch sử kinh thương Quảng Nam và Đà Nẵng đã để lại trên mặt đất một dòng Lộ Cảnh giang dang dở và trắc trở. Con đường thủy từng tấp nập thuyền bè, bán buôn qua lại giữa hai cửa sông đã bị thời gian tước đoạt dòng chảy. Lão Hiếu chèo đò trên sông An Bàng đẩy nhẹ mái chèo, đưa thuyền lướt qua những đăng, đó… bày đầy trên mặt sông lạnh lẽo nói chỉ chừng ít phút là phải leo lên bờ đi bộ mới có thể xuống thuyền khác xuôi về Đà Nẵng.
Phía Hội An, lòng sông rộng, có thể đủ để cho thuyền máy công suất khoảng 150CV chạy được một quãng dài 7km, tới đoạn chạy qua làng Hà My (Điện Dương), dòng sông mất hút trước cồn cát chắn ngang đường. Dân làng Hòa Quý, Điện Dương nói ngoài biến động của thương hải tang điền thì chính những dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị dọc sông này đã “tiếp sức” cho tốc độ vùi lấp của dòng sông ngày càng nhiều hơn, đến nỗi không mấy người biết nơi ấy trước kia là dòng sông uốn quanh, mơ mộng. Trên phần đất đứt quãng của dòng sông ấy, giờ đã có đến 11 dự án đầu tư đặt chỗ “xí phần”… chờ đợi.
Câu chuyện khơi dòng sông Cổ Cò được các nhà hoạch định chính sách Quảng Nam và Đà Nẵng đưa lên bàn nghị sự từ hơn 10 năm trước. Phác lộ kết nối Đà Nẵng – Hội An bằng đường thủy, khơi dòng đầu tư du lịch đầy tiềm năng hay xây dựng một thành phố ven sông… đã nhận được sự ủng hộ của nhà đầu tư và dân địa phương. Nhưng có quá nhiều trắc trở từ địa giới hành chính, cơ chế lẫn nguồn lực đầu tư đã khiến dự định của hai phía vẫn chưa thể thành hiện thực, dù không ít nhà đầu tư đã âm thầm chuẩn bị quy hoạch, lập dự án, chờ cơ hội… Cuộc họp bàn, thương thảo giữa lãnh đạo Quảng Nam và Đà Nẵng hồi tháng 5.2012 đi đến thống nhất xác định ranh giới, cơ chế hỗ trợ, hoàn tất quy hoạch chi tiết sử dụng đất dọc sông Cổ Cò, khơi thông dòng chảy, trả lại nguyên trạng dòng sông xưa cũ… mở ra cơ hội lớn để tái sinh con đường hàng hải năm xưa.
Nối hai cửa Đại - Hàn
UBND TP.Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án khơi dòng sông Cổ Cò với bề rộng lòng sông tối thiểu 90m (có thể xem xét mở rộng theo thực tế, nhưng phải bám theo hiện trạng mặt cắt lòng sông); lòng đường hai tuyến đường ven sông rộng 10,5m, chiều rộng vỉa hè phía sông khoảng 20m và chiều rộng vỉa hè phía còn lại khoảng 9m (trừ các dự án đã triển khai thi công). Vệt khai thác quỹ đất dọc hai bên bờ sông sẽ khoảng 200m theo hình thức đầu tư BT. Hai phía đồng giữ nguyên đường địa giới hành chính giữa TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (theo Văn bản 364 đã lập trước đây); điều chỉnh mặt cắt và hướng tuyến sông Cổ Cò đoạn qua ranh giới giữa TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (khoảng 600m) theo phương án: đoạn 300m từ phía bắc sân golf Montgomerie Links đến giáp sân golf VinaCapital: lấy đường trung bình địa giới hành chính làm tim sông Cổ Cò mở rộng về mỗi bên 45m (bề rộng lòng sông là 90m) và hành lang mỗi bên 5m và đoạn 300m còn lại sẽ dịch chuyển lòng sông Cổ Cò (bề rộng lòng sông là 90m, không bao gồm hành lang 5m) về phía nam thuộc ranh giới địa phận Quảng Nam nhằm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất các dự án đang triển khai tại khu vực. |
Viễn tượng tương lai tươi sáng từ việc nạo vét lòng sông Cổ Cò nối Đà Nẵng – Hội An không chỉ mở ra những cơ hội phát triển du lịch hai vùng mà còn là chuyện khơi thông cả dòng chảy lịch sử văn hóa và kinh tế của Quảng Nam – Đà Nẵng năm xưa đã khiến chính quyền quyết tâm triển khai dự án đầu tư. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết quy hoạch ranh giới đã hoàn tất. Toàn bộ quy hoạch vùng đông, tuyến Cổ Cò đã xong và hoàn chỉnh luôn quy hoạch 3.000ha khớp nối vùng ven biển. Quảng Nam đã chính thức phê duyệt dự án nạo vét, khai thông sông Cổ Cò 19,7km với tổng vốn đầu tư trên 625 tỷ đồng. Công ty CP Đất Quảng Chu Lai đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng thuê tư vấn quy hoạch toàn bộ tuyến đường sông này. Hiện công ty đang phân chia gói thầu đàm phán BT (xây dựng – chuyển giao) theo hướng hoàn trả lại bằng quỹ đất, tương ứng với tiền đầu tư vì ngân sách không đủ nguồn lực để đầu tư dự án này.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn nói những cuộc họp dân bàn về việc khai thông Cổ Cò đã nhận được sự ủng hộ và tất cả đều mong dự án sớm triển khai. Việc nạo vét sông Cổ Cò phù hợp với tiến độ đầu tư của 31 dự án trên toàn tuyến Điện Bàn – Hội An. Quỹ đất đã sẵn sàng, đủ cho các dự án đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư. Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An vẽ ra một “bức tranh nhung lụa” sẽ đến cả hai vùng Hội An – Đà Nẵng khi không phải nơi nào cũng có dòng sông ven biển dài như Cổ Cò, nên dù 7km đường sông qua Hội An không bồi lấp, chỉ cần khai thông, nạo vét đôi chút, tạo cảnh quan là sẽ hấp dẫn, nhưng thành phố cũng sẵn sàng giao 62ha đất gần Cửa Đại vào quỹ đất của dự án. Ông Nguyễn Thượng Đắt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đất Quảng Chu Lai - đơn vị được giao triển khai dự án hy vọng rằng, những chậm trễ, trở ngại của dự án sẽ dễ dàng được tháo gỡ trước quyết tâm của chính quyền. Công ty cam kết sẽ triển khai dự án đúng tiến độ khi việc đàm phán BT giữa hai bên được ký kết. Còn ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, 9km đường sông thuộc địa phận Đà Nẵng sẽ do Công ty Địa Cầu đảm trách việc khai thông và đầu tư. Vì vậy, sự cam kết của cả hai phía trong việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết trong quý I và quý II/2013 khởi công dự án đầu tư sông Cổ Cò là việc cấp thiết. Những dự án đầu tư trước đây dọc khu vực này không thể triển khai sẽ thu hồi để chọn những nhà đầu tư thực sự.
Chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng đều quyết tâm tiến hành dự án này, nên các vướng mắc còn tồn đọng đã nhanh chóng được tháo gỡ sau vài cuộc họp bàn giữa lãnh đạo hai bên. Cả hai phía đã thống nhất ấn định giữa tháng 6.2013 sẽ khởi công dự án đầu tư nạo vét, khai thông dòng chảy sông Cổ Cò để nối liền con đường du lịch hai Cửa Đại – Hàn. Giới lữ hành đã tìm thấy cơ hội “bằng vàng” bằng sự chuẩn bị, lên kế hoạch đầu tư, mở tour cho tương lai. Nhiều hãng lữ hành đặt hy vọng nếu khai thông sông, tour du lịch đường sông từ Đà Nẵng vào Hội An hay ngược lại theo sông Vĩnh Điện chỉ còn 1/4 thời gian so với 6 giờ như hiện tại. Đó là cơ hội không gì quý hơn cho việc thúc đẩy du lịch phát triển.
TRỊNH DŨNG