Các bà mẹ cần biết
Xử lý khi trẻ bị sặc
Cho trẻ ăn uống đúng cách cũng là vấn đề các bà mẹ quan tâm. Khi tiếp nhận thức ăn trẻ dễ bị sặc bột hoặc sặc sữa. Trong những trường hợp này, lời khuyên của các bác sĩ là người lớn cần bình tĩnh để xử trí.
Dị vật đường thở (dân gian còn gọi là sặc) rất hay gặp ở trẻ nhỏ, phổ biến nhất là từ 1 - 3 tuổi.
Nếu dị vật là chất lỏng: Đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay hay trên đùi rồi vỗ mạnh vào lưng 2 - 3 cái. Nếu trẻ lớn hơn, để trẻ nằm ngửa rồi ấn tay vào thượng vị, nhồi 2 - 3 cái để trẻ ho bắn ra và thở trở lại.
Nếu dị vật là vật cứng: phải thọc tay móc ngay dị vật ra vì thường đây là dị vật to, gây bít tắc thanh môn. Còn với vật nhỏ hơn, có thể thổi miệng đẩy luôn dị vật xuống sâu để trẻ có thể thở được, sau đó chuyển đến bệnh viện. Với trẻ bị khó thở tím tái, trước tiên, cần giữ trẻ trong tư thế mặt úp, đầu chúc xuống thấp hơn thân, sau đó vỗ mạnh nhiều lần vào giữa hai xương bả vai của trẻ. Nếu trẻ vẫn còn bị sặc, hãy đặt nằm nghiêng và hơi ngửa đầu ra sau, một tay bạn đỡ lấy lưng của trẻ, dùng hai ngón tay kia ấn vào khoảng giữa rốn và phần cuối của xương sườn một cách nhanh và mạnh. Với những trẻ lớn hơn, có thể đặt trẻ nằm sấp trên đầu gối của bạn. Nếu dùng biện pháp vỗ mạnh vào giữa hai xương bả vai vẫn không lấy được dị vật, hãy đặt trẻ ngồi vào lòng bạn, lưng áp vào ngực bạn. Một tay bạn đỡ lấy lưng cháu, tay kia nắm lại thành quả đấm rồi cũng ấn mạnh vào khoảng giữa rốn và phần cuối xương sườn của trẻ, hướng lên trên. Trong trường hợp sau khi lấy đi dị vật, trẻ không thở lại được bình thường thì cần làm hô hấp nhân tạo cho trẻ. Khi đến bệnh viện phải khai rõ trẻ ăn gì để bác sĩ xử lý vì mỗi dị vật vào đường thở có một đặc thù riêng.
Nấm lưỡi ở trẻ
Với những trẻ ăn uống kém, phụ huynh nên kiểm tra lưỡi cho bé. Nếu thường xuyên nổi những mảng trắng và có đường nứt nhỏ trên bề mặt lưỡi thì khả năng nhiễm nấm lưỡi là rất cao. Nấm lưỡi hay còn gọi là đẹn hoặc tưa lưỡi. Trẻ có đám màu trắng ngà mọc trên mặt lưỡi, sau chuyển màu vàng nâu trên lưỡi hoặc cả vùng niêm mạc họng, thậm chí xuống vùng thanh môn và thanh quản, hiếm hơn có thể xuống sâu trong phổi gây nguy hiểm cho đường hô hấp hoặc qua đường tiêu hóa xuống dạ dày gây tiêu chảy... Không nên tự cạo hoặc bóc ra vì như vậy sẽ làm trẻ rất đau và thường bỏ ăn. Phụ huynh nên vệ sinh lau lưỡi cho con hằng ngày bằng nước muối sinh lý: dùng gạc sạch thấm nước muối sinh lý lau lưỡi cho bé ngày 2 lần sáng và tối trước khi đi ngủ. Sau đó dùng nystatine 25.000 đơn vị dạng gói, pha với 1 - 2 muỗng nước sôi để nguội rồi dùng gạc sạch quấn quanh ngón tay trỏ lau lưỡi và miệng cho bé ngày 1 lần, sau khi lau khoảng 20 - 25 phút mới cho bé ăn. Nếu việc vệ sinh và dùng thuốc không mang lại kết quả, cần đưa bé đến khám và xin tư vấn của bác sĩ chuyên khoa nhi của các bệnh viện.
ANH TRÂM (tổng hợp)