Báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Vì an sinh xã hội

MINH ĐỨC - VINH ANH 02/01/2013 08:31

Tuyên truyền và trực tiếp tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) là hoạt động thường xuyên, là trách nhiệm xã hội của các cơ quan báo chí nói chung và báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng trong nhiều năm qua.

Tại hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên vừa tổ chức tại Phú Yên, nhiều đại diện cơ quan báo Đảng cho rằng cần làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối và tham gia mạnh mẽ vào quá trình triển khai, giám sát thực hiện các chính sách đảm bảo ASXH.

Cầu nối

Thời gian qua, báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có những đóng góp nổi bật trong công tác đảm bảo ASXH, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Các cơ quan báo Đảng trong khu vực giữ vai trò cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân và đề đạt các kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đến các cơ quan chức năng… Báo Phú Yên được xem là một trong những đơn vị làm tốt công tác này. Ông Phạm Ngọc Phi, Tổng Biên tập Báo Phú Yên cho biết, Báo Phú Yên xác định tuyên truyền công tác đảm bảo ASXH cũng là tuyên truyền thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ngoài ra, Báo Phú Yên còn trực tiếp tham gia công tác ASXH bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Báo làm cầu nối huy động sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đồng hành với họ đến trợ giúp tận tay những hoàn cảnh bất hạnh mà báo đã phản ánh qua chuyên mục “Địa chỉ từ thiện cần giúp đỡ”. Bình quân, mỗi năm Báo Phú Yên huy động sự trợ giúp khoảng 2,5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, tiếp sức đến trường, tặng quà tết cho nguời có hoàn cảnh khó khăn…

Báo Quảng Nam cứu trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Báo Quảng Nam cứu trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Trong khi đó, Báo Quảng Ngãi luôn xem công tác đảm bảo ASXH là mảng đề tài được tuyên truyền đậm nét trên báo. Đơn vị luôn coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, trọng tâm nhằm góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Để nội dung tuyên truyền đạt chất lượng, Báo Quảng Ngãi đã mở hai chuyên mục “Chung tay vì người nghèo” và “Mô hình giảm nghèo” liên quan đến thực hiện các chính sách ASXH đăng định kỳ hằng tuần trên mặt báo. Hay như Báo Đắc Nông, chỉ tính riêng năm 2012, thông qua các nguồn kinh phí của các đơn vị tài trợ, đơn vị đã tổ chức làm xã hội từ thiện với tổng giá trị trên 200 triệu đồng…

Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng tại hội thảo, nhiều đại điện cơ quan báo Đảng cho rằng công tác đảm bảo ASXH ở khu vực vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Cụ thể như giảm nghèo chưa bền vững, hộ cận nghèo và tái nghèo cao, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiều số, vùng sâu vùng xa. Phân hóa giàu nghèo trong khu vực có xu hưởng mở rộng; tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, vùng đô thị hóa và thất nghiệp ở thành thị còn nhiều. Trong khi đó, nguồn lực để thực hiện ASXH của các địa phương trong khu vực còn hạn chế do chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước; nguồn lực huy động từ cộng đồng còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn… nên cần có biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đảm bảo ASXH.

Tuyên truyền và giám sát

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, công cuộc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng giúp Việt Nam có thêm nhiều nguồn lực, nhiều cơ hội để thúc đẩy nhanh mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng đồng thời cũng gánh chịu tác động bất lợi của toàn cầu về nhiều mặt. Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai nhiều công trình, dự án sẽ không tránh khỏi những tác động ngoài mong muốn đối với một bộ phận dân cư. Chưa kể, những rủi ro đến từ nhiều nguyên nhân khác cũng khiến không ít số phận rơi vào tình cảnh ngặt nghèo chỉ trong phút chốc… Do vậy, việc đảm bảo ASXH trở thành vấn đề vừa có tính bức xúc, vừa mang tính chiến lược trong từng giai đoạn của quá trình phát triển đối với mỗi địa phương trong khu vực. Ông Lê Văn Nhi, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cho rằng, với tư cách là công cụ thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, các cơ quan báo Đảng cần làm tốt hơn nữa công tác phổ biến, giới thiệu kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về đảm bảo ASXH. Cùng với đó, cần tham gia tích cực vào quá trình giám sát việc thực hiện các chính sách đảm bảo ASXH ở các cấp, ngành, địa phương…

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Phi cho rằng, báo Đảng phải tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật về ASXH một cách đồng bộ và tương xứng với tuyên truyền về tăng trưởng kinh tế. Còn theo ông Lê Đức Vương, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi, việc triển khai thực hiện các chính sách ASXH phải đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan trong hệ thống chính trị, cần có chính sách khuyến khích, động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích tham gia thực hiện công tác đảm bảo ASXH cũng như xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng, song hành với công tác tuyên truyền, báo Đảng địa phương phải tham gia trực tiếp công tác ASXH, tổ chức tốt các cuộc vận động về ASXH huy động nhiều người tham gia. Theo ông Phạm Thanh Phong, Phó Tổng Biên tập Báo Phú Yên, thực tiễn cho thấy, khi báo Đảng trực tiếp vận động quyên góp hỗ trợ người nghèo, người có công, giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… thường được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân vì sự hưởng ứng của họ được minh bạch, công khai và vinh danh kịp thời. Do vậy, các báo Đảng địa phương tùy điều kiện nên bố trí cán bộ chuyên trách công tác ASXH, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tốt các hình thức vận động quần chúng tham gia công tác ASXH với những cách làm sáng tạo, phù hợp với mỗi địa phương.

MINH ĐỨC - VINH ANH

MINH ĐỨC - VINH ANH