Gạn đục khơi trong - Bài 1: Tìm trong di sản
Theo nhiều người, nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” giống như công cuộc khai quật những nếp, tầng văn hóa từ bao đời ở mỗi vùng đất. Ý thức gìn giữ, trân trọng “báu vật” văn hóa của các thế hệ cư dân đã tạo nên chiều sâu mạch nguồn và bồi đắp phù sa cho bề dày văn hóa Quảng Nam. Điều này được thể hiện rõ ở TP.Hội An, Duy Xuyên và huyện miền núi Tây Giang, những địa phương được chọn tổng kết điểm 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).
Nét quê ở phố.Ảnh:QUỐC HẢI |
Hội An có Chùa Cầu, Duy Xuyên có Mỹ Sơn, Tây Giang có bản làng, cồng chiêng, lễ hội... Tất cả những “di sản” đó được truyền đời qua bao thăng trầm dâu bể, là mảnh đất màu mỡ để thế hệ hôm nay tiếp tục gieo hạt văn hóa.
Sản vật muôn đời
“Công cuộc khai quật, trùng tu hay gìn giữ những giá trị văn hóa là quá trình lâu dài, nếu không có sự hưởng ứng sâu rộng trong toàn dân thì chỉ như bọt biển. Sáng tạo nhưng phải linh hoạt, phù hợp với từng tập quán, từng thời điểm cụ thể. Đặc biệt là sự tương hợp của quá trình chuyển tiếp văn hóa từ bản sắc dân tộc đến hiện đại”. (Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên - Nguyễn Văn Khương) |
Điệu tâng tung da dá, những vũ điệu cồng chiêng hay lễ đâm trâu trong ngày hội mùa hằng năm ở Tây Giang với người miền xuôi có thể là lạ nếu xem lần đầu, có thể chán nếu xem lần 2, lần 3, nhưng với người Cơ Tu thì đó là mãi mãi. Tại Hội An, nhiều du khách tìm về phố cổ chỉ để thỏa ý thích được nghe hô hát bài chòi. Amy Branch, du khách Úc, nói: “Tôi xem bài chòi ở Hội An từ năm 2009 và lần này trở lại để được tham gia trò chơi vui nhộn ấy. Tuy không hiểu lời hát nhưng chỉ cần nghe âm thanh đã cảm thấy rất rộn ràng”. Hay như ở các làng quê Duy Xuyên, lễ tết, hội hè sẽ không có sức hấp dẫn nếu thiếu vắng đi tiếng trống chầu, trống chiến giục dân làng đi xem hát tuồng...
Già làng Arất Blư (xã A Vương, Tây Giang) nói từ hồi còn nhỏ đã rất thích xem lễ hội của làng. Đến bây giờ, khi đã hơn 80 tuổi, già Arất Blư vẫn còn cảm giác hân hoan mỗi lần về tham gia lễ hội ở nhà làng truyền thống. Cũng như vậy, người Cơ Tu ở Tây Giang luôn lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể như những tri thức về mối quan hệ giữa đồng bào với môi trường tự nhiên và cuộc sống. Trong khi đó huyện Duy Xuyên thực hiện cuộc “khai quật” những tầng lưu văn hóa bằng cách phục dựng lại những gì đã mai một trong dân gian như nghệ thuật tuồng. Cụ Nguyễn Quỳnh - Chủ tịch Hội Bảo trợ tuồng Duy Xuyên mở đầu câu chuyện đầy tâm tư về một đời thủy chung với nghệ thuật tuồng. Cụ nói: “Cùng với các loại hình văn hóa phi vật thể khác, tuồng được coi là viên ngọc sáng trong di sản văn hóa Việt Nam. Với một vùng quê như Duy Xuyên, để tuồng “sống” và vẫn còn ở trong máu đam mê của nhân dân cũng cần phải có cái nôi đưa đẩy, ru hò. Và rất may, chúng ta đã có được điều đó”. Trong dân gian bây giờ vẫn còn nghe câu “Tai nghe trống chiến, không khiến cùng đi” hay “Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy” là để nói đến không khí dân làng nô nức đi xem hát tuồng mỗi độ xuân về hay trong các ngày hội, ngày lễ. Hoạt động nghệ thuật tuồng truyền thống đã được gìn giữ, phát huy từ đó. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Câu lạc bộ Tuồng các xã đều duy trì hoạt động phục vụ tinh thần cho bà con. Nổi bật là Đoàn Nghệ thuật tuồng Sông Thu, được hình thành từ những năm đầu thập niên 90, diễn viên là những nông dân chân lấm tay bùn đam mê nghệ thuật truyền thống đã tạo ra được tiếng vang lớn trong cộng đồng dân cư bằng các vở diễn ấn tượng. Nhờ vậy mà tuồng vẫn tồn tại như một món ăn tinh thần không thể thiếu.
Mới trên nền cũ
Các nhà nghiên cứu cho rằng, trải qua mấy thế kỷ giao lưu, văn hóa ngoại đã không làm cho tính cộng đồng ở phố cổ Hội An tan rã. Sự đổi thay ở phố trong lúc kinh tế du lịch phát triển ồ ạt cũng có cấp độ và mang dáng dấp riêng. Ông Sử Chấn Quân, người dân sống ở đường Trần Phú, nói: “Mỗi ngày quét cho sạch ngôi nhà, giữ cho bàn thờ luôn ấm cúng hay biết quý những gì của cha ông để lại là mình đã cùng với mọi người xây dựng nên cộng đồng”. Ở Hội An, hơn 1.100 di tích kiến trúc tại phố cổ, trong đó có hơn 750 di tích thuộc sở hữu tư nhân đang được bảo tồn nguyên vẹn bằng cách như thế. Trong lịch sử, phố bắt đầu từ những con người cùng họ hàng, huyết thống gia đình, dòng tộc, vì thế, tính cố kết cộng đồng ở Hội An được nhận diện rõ nét. Đầu làng, cuối phố dường như ai cũng biết nhau và quan tâm đến nhau. “Không sợ sự quan tâm thái quá đến nhau khi sau mỗi cánh cửa đóng mở là những nếp nhà, nơi hội tụ an lành của người Hội An”- Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự nói.
Là hướng dẫn viên tiếng Pháp, anh Võ Xuân Niệm (quê Thăng Bình) đã gắn bó với phố cổ Hội An gần 10 năm nay. Công việc của anh mỗi ngày là giới thiệu cho du khách vẻ đẹp của phố. Anh Niệm cho biết, nhiều du khách băn khoăn vì sao phố cổ Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới nhưng niên đại không cổ bao nhiêu so với các phố Nhật, phố Tàu ở các nơi. Và họ đã thực sự hài lòng khi nghe anh giải thích: “Đây là nơi bảo lưu gần như nguyên vẹn quần thể kiến trúc của một đô thị thương cảng cổ xưa. Hơn nữa, dù niên đại các ngôi nhà cổ ngắn nhưng trong từng kết cấu kiến trúc và cả nếp sinh hoạt của người dân, người ta tìm thấy sự đan xen, hòa quyện giữa các phong cách kiến trúc và nếp sống của người Hoa, người Nhật, người Việt và các nước phương Tây”. Chính sự giao thoa trong những “giá trị văn hóa không trùng lặp” đó đã trở thành di sản vô giá của nhân loại. |
Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) càng phát huy những mặt tích cực trong đời sống của người dân. Riêng đối với TP.Hội An, phải nói đến Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Thị ủy Hội An từ năm 1993 về cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn minh - Gia đình văn hóa”. Với mục tiêu cuối cùng là vì con người, vì chất lượng cuộc sống của con người nên ngay sau khi chỉ thị ra đời, cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn minh - Gia đình văn hóa” đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng một cách mạnh mẽ và trở thành một phong trào mạnh ở Hội An, có sức lan tỏa, tác động nhanh chóng làm chuyển biến mọi mặt đời sống xã hội. Việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư được cụ thể hóa bằng những quy ước mang tính cộng đồng gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo; đẩy lùi các tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ngược lại, với những di sản không thể phục dựng trên thực tế thì được phục dựng trong tâm thức của mỗi người dân. Khu du lịch Mỹ Sơn (Duy Xuyên) đã thực hiện những điều rất mới trên nền cũ. Khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể bằng việc dàn dựng chương trình, nâng suất diễn văn nghệ, kết hợp với ngành, nghề vùng di sản như Hội An, Huế đã tạo ra những liên kết trên con đường di sản. Các làng nghề truyền thống ở Mỹ Sơn như gốm sứ, mỹ nghệ cũng tạo ra được thương hiệu trong sản xuất sản phẩm du lịch. Xây dựng lại các bộ phim về Mỹ Sơn như “Qua miền di sản” (giải Bạc phim tài liệu toàn quốc), “Bên bờ nam sông Thu Bồn”, “Đồng vọng Mỹ Sơn”, “Khám phá Mỹ Sơn” hay tiếp tục gìn giữ tiếng kèn huyễn hoặc của các nghệ nhân Chămpa..., đó cũng là những nét rất riêng biệt trong quá trình lưu trữ kho tàng văn hóa.
______________________
Bài 2: Keo dính dân gian
ANH TRÂM - QUỐC HẢI