Chợ Việt ở Pakse
Đến với tỉnh Champasak (Lào), nơi được xem là thủ phủ của Nam Lào, chúng tôi cảm nhận được rất nhiều dấu ấn Việt trên xứ sở triệu voi.
Chợ Pakse ở tỉnh Champasak (Lào).Ảnh: X.NGHĨA |
Sau hành trình dài từ Quảng Nam, chúng tôi chọn chợ Đào Hương làm địa chỉ dừng chân đầu tiên. Bởi theo lời anh Sổm Chít (người ở Pakse hiện đang công tác tại tỉnh Champasak), đến Pakse mà không ngao du để chiêm ngưỡng chợ Việt thì chưa đặt chân đến Pakse.
Chợ Đào Hương bán đủ các loại từ mực khô, cá khô, lạp xưởng, cà phê đến lưới đánh cá hay quần áo, hàng điện tử, vàng, bạc... Ngoài những mặt hàng truyền thống này, đặc biệt có lá trầu, quả cau được mang từ Việt Nam sang. Chợ còn có các loại cá khô đặc sản sông Mekong như cá lăng và sản phẩm tre truyền thống của người Lào, cùng với hàng hóa Thái Lan đã làm cho chợ Việt-Pakse càng phong phú chủng loại, trở thành một thương hiệu trên trục hành lang Đông – Tây, thuận lợi cho việc trao đổi, giao thương hàng hóa từ Việt Nam sang Lào. |
Dạo một vòng quanh chợ, chúng tôi cảm nhận không khí rất... Việt Nam. Điều dễ nhận ra là ngôn ngữ giao tiếp của các tiểu thương với nhau không phải tiếng Lào mà là tiếng Việt với các phương ngữ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế... Theo anh Sổm Chit, chợ Đào Hương thuộc một doanh nghiệp nổi tiếng trong giới bán lẻ tại Lào, được Công ty Đào Hương mở ra vào năm 1999 do người Việt tên là Lê Thị Lượng (còn gọi là Lượng Lít Đặng), sáng lập. Bà Lượng là người Lào gốc Việt, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng sinh ra và lớn lên ở Pakse. Từ một chợ bị cháy trước năm 1999, Công ty Đào Hương đầu tư xây dựng mới với tổng vốn đầu tư khoảng 5 triệu USD và hoàn thành vào năm 2001, nhằm phục vụ nhu cầu buôn bán cho bà con người Việt và người dân nơi đây. Chợ có hơn 700 gian hàng, trong đó đa số là tiểu thương là người Việt Nam hoặc người Lào gốc Việt.
Nhiều tiểu thương cho biết, ông bà mình vượt qua biên giới làm ăn và chọn Pakse là quê hương thứ hai để làm ăn sinh sống từ thế kỷ trước. Nay, có nhiều gia đình buôn bán tại chợ Đào Hương đã là thế hệ thứ 2 - 3. Nhiều tiểu thương người Hà Tĩnh, Nghệ An qua Lào buôn bán cuối năm lại về quê đón Tết Nguyên đán. Chị Lan (người Lào gốc Việt, kinh doanh hàng hải sản khô) cho biết, sản phẩm nổi tiếng ở tỉnh Champasak được nhiều du khách Việt chọn làm quà là đặc sản khô bò và gạo nếp. Anh Sổm Chít giới thiệu chậm rãi bằng tiếng Việt sản phẩm khô bò Pakse.Cầm lát bò khô trên tay, anh khẳng định đây là thịt bò nguyên chất, được tẩm ướp gia vị phơi thành từng miếng to hơn bàn tay hoặc từng thanh tròn. Chị Lan nói giá 200 nghìn kíp (Lào)/kg khô bò (khoảng 540 nghìn đồng Việt Nam). Dù đang ở bên nước bạn Lào, nhưng tại chợ Đào Hương người mua có thể trả bằng tiền đồng Việt, bạt (Thái Lan), được tiểu thương quy ra ngay tỷ giá tương ứng tiền kíp để thanh toán.
Không giống như chợ Việt Nam, chợ Đào Hương mở cửa từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều trong ngày. Khách hàng tha hồ lựa chọn sản phẩm mình ưa thích và không bao giờ bị chủ chèo kéo. Cùng với các chợ khác, chợ Đào Hương trở thành một đầu mối trung tâm trong sự phát triển kinh tế của địa phương ở Nam Lào. Hiện nay, nhiều hàng nông sản và thủy sản từ Việt Nam sang được bán tại chợ, hy vọng một ngày gần đây hàng hóa từ Việt Nam sẽ nhập vào nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân Pakse nói riêng, Nam Lào nói chung.
XUÂN NGHĨA