Cuối năm, “phượt” phương Bắc

ANH TRÂM 29/12/2012 10:03

Khi mùa xuân gần đến, đàn chim trú đông từ phương Nam chuẩn bị quay về thì hành trình của dân “phượt” cũng rậm rực cho chuyến du hành phương Bắc. Chúng tôi đã chọn Cao Bằng, nơi miền biên viễn với báu vật muôn đời thác Bản Giốc và vẻ đẹp thiên tạo kỳ vĩ của đất Việt nằm sâu trong chân núi...

Cao Bằng - nơi được biết nhiều về chiến khu Việt Bắc cùng tháng năm oai hùng của lịch sử dân tộc lần này được chúng tôi khám phá vẻ quyến rũ hoang sơ diệu kỳ. Vượt gần 300km đường bộ từ Hà Nội lên thị xã Cao Bằng đơn giản hơn rất nhiều lần từ đó thêm 100km nữa về huyện Trùng Khánh, ngược xã Đàm Thủy rồi bước lên tận cùng biên giới nước Việt ở cột mốc 836. Rồi khi thác Bản Giốc hiện ra nguyên sơ chúng tôi mới nhận ra vẻ mệt mỏi tan biến trước nhan sắc này.

Thiên tạo kỳ vĩ

Chưa nói đến sự kỳ vĩ của thiên tạo hay ngọn nguồn lịch sử máu xương của đồng bào giữ gìn từng tấc đất, lời giới thiệu: “Thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ 4 trên thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia. Sau thác Iguazu giữa Brasil - Argentina, thác Victoria giữa Zambia - Zimbabwe, thác Niagara giữa Canada - Mỹ, Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á” đủ để lý do đến Bản Giốc càng mạnh mẽ.

Phương tiện bè ngắm suối được cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc cùng khai thác ở thác Bản Giốc.
Phương tiện bè ngắm suối được cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc cùng khai thác ở thác Bản Giốc.

Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam thuộc xã Ngọc Khuê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ Ngọc Khuê, sông chảy qua Đình Phong, Chí Viễn, khi đến Đàm Thủy, dòng sông lượn quanh chân núi Cô Muông, quanh qua các cánh đồng, qua bãi ngô, quay trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh. Từ trung tâm huyện vào xã, có thể thấy ngọn thác kỳ vĩ đẹp lộng lẫy như một bức tranh. Chỉ cần đứng lại bên vệ đường, những bức ảnh đẹp nhất đã có thể xuất hiện trong ống kính của bạn thậm chí với những bọt nước li ti trắng xóa tung lên từ chân thác. Muốn đến chân thác, chúng tôi phải băng bộ qua cánh đồng mênh mông, băng qua con mương nhỏ luồn lách theo những ruộng ngô rồi dừng lại trước những bông hoa mận trắng ngần ở cột mốc 836. Điều thích thú là bọn trẻ chăn trâu nơi này hướng dẫn khách tham quan rất tài tình. Thậm chí chúng có thể đưa bạn con đường tắt đi từ thác phụ vào thác chính dễ dàng nhưng hẳn là ít người biết đến. Chúng tôi đã theo cách bọn trẻ chăn trâu để băng qua con thác chính ầm ào nước chảy. Nhìn về phía đồng ruộng Việt Nam yên ả, đượm một chút man mác từ đất, từ sông, từ cảnh vắng. Nhưng không sao cả nếu bạn biết rằng tất cả khuôn ảnh bạn nhìn thấy đều là cái đẹp rất thuần Việt, là nỗi dấu yêu trong từng tấc đất núi sông.

Thác Bản Giốc.
Thác Bản Giốc.

Nhưng, còn một hang sâu bí mật như một bộ phim cổ trang nào đó bạn từng xem đang được đánh thức sau giấc ngủ dài quanh vùng Bản Giốc. Chúng tôi đã từ đó tiếp tục cuộc hành trình...

Vào hang... cọp

Từ thác Bản Giốc đi ngược về bản Gun chừng 3km, leo qua con dốc dài, thung lũng Ngườm Ngao đã hiện ra trong tầm mắt. Ngườm Ngao, theo sự lý giải của người dân địa phương là hang cọp. Chị Hoàng Thị Phén, người dân tộc Tày đi cùng chúng tôi trong chuyến viếng thăm Ngườm Ngao nói rằng trong tiếng Tày “Ngườm” có nghĩa là hang động, “Ngao” là con cọp. Xưa kia dân làng nghe tiếng cọp gầm từ trong hang này phát ra nên đặt là Ngườm Ngao. Chị Phén là hướng dẫn viên bất đắc chí kiêm y sĩ chăm sóc cho đoàn.

Con đường dẫn vào hang đúng là sự kỳ vĩ của thiên tạo. Những bậc đá dài cong cong đổ xuôi theo triền dốc không theo một quy luật nào cụ thể. Những đụn núi xanh mọc ngang nhiên giữa ruộng ngô, bảng lảng khói sương bay ra từ hốc núi. Nếu đến đây vào mùa mưa, sẽ nghe tiếng suối ầm ào cuộn theo những khe đá trong lòng hang như tiếng cọp gầm, đó cũng là cách lý giải cho tên gọi Ngườm Ngao hiện tại.

Tạo hình hoa sen bằng đá trong động Ngườm Ngao.
Tạo hình hoa sen bằng đá trong động Ngườm Ngao.

Bên trong hang động mới chính là sự choáng ngợp kinh ngạc về tạo hình của thiên nhiên. Tất cả chúng tôi đều im lặng trước màu sắc, hình khối kỳ lạ ngoài sức tưởng tượng. Từ trên vòm đá cao rủ xuống những dải thạch nhũ kỳ diệu đủ bảy sắc lấp lánh. Thiên nhiên đã miệt mài từ bao đời để tạo ra những “tượng” đá, những bức “phù điêu” quyến rũ sức tưởng tượng của con người. Có tượng đá mang dáng dấp con người, có tượng giống cây rừng, giống súc vật như trong truyện thần thoại, lại có những hốc đá trông như “trướng rủ màn che”, có cả những khối nhũ trông như một nàng tiên đang nghiêng mình chải tóc, như ông tiên hiền từ, như búp sen khổng lồ...

Đường vào thung lũng Ngườm Ngao.
Đường vào thung lũng Ngườm Ngao.

Đặc biệt có cả dàn đàn đá mà nếu những ngón tay của bạn gẩy lên đó, tiếng nhạc phát ra du dương đến ngạc nhiên. Động Ngườm Ngao là một động lớn được hình thành từ sự phong hóa lâu đời của đá vôi, có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh nằm ẩn mình dưới những khối đá dưới chân núi; cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày. Tiếc là khi đến đây, chúng tôi mới nghe dân địa phương nói rằng cứ đúng vào ngày 22.4 dương lịch trong hang Ngườm Ngao sẽ diễn ra một điều rất kỳ diệu: Mặt trời trên đỉnh núi sẽ xuyên qua lòng hang, phản chiếu theo các ngóc ngách tạo thành khối ánh sáng hội tụ giữa 3 khoảng giếng trời của Ngườm Ngao, cả hang động lập tức sáng bừng một vài phút trước khi ánh nắng dịch chuyển sang vị trí khác. Kỳ lạ là hiện tượng này chỉ diễn đúng 14 giờ ngày 22.4 hằng năm.

Và đó còn có thể là lời mời gọi bí ẩn của thiên nhiên để những người thích khám phá bỏ qua sự cách trở đường xa để tìm đến Ngườm Ngao mùa tới.

ANH TRÂM

ANH TRÂM