Quản lý, sử dụng đất đai: Nhiều bất cập
Nhiều địa phương chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ), quản lý yếu kém hiện trạng đã phá vỡ quy hoạch và sử dụng đất không đúng mục đích.
Nhiều diện tích đất vườn, đất lâm nghiệp ở vùng đông Thăng Bình trở thành ao nuôi tôm thẻ chân trắng. |
Khó kiểm soát
Thời gian qua, ở vùng đông Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, do quản lý lỏng lẻo hiện trạng đất đai, đã gây ra hệ lụy là đất sản xuất, lâm nghiệp biến thành vùng nuôi tôm trên cát ven biển đại trà, vượt ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền địa phương. Để lập lại trật tự, siết chặt quản lý hiện trạng đất đai, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1514/QĐ-UBND ngày 11.5.2009 phê duyệt quy hoạch ngắn hạn nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng cát ven biển Thăng Bình. Phạm vi quy hoạch gồm 9 thôn ven biển thuộc 3 xã Bình Minh, Bình Hải và Bình Dương với tổng diện tích hơn 131ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, địa phương chỉ triển khai gần 16ha đúng quy hoạch được phê duyệt, diện tích nuôi tôm còn lại chủ yếu sử dụng trái phép, từ nguồn gốc đất vườn, đất trồng cây lâu năm (đất lâm nghiệp); hoặc do lấn chiếm đất trồng rừng phòng hộ ven biển. Trước sức “nóng” phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, chính quyền huyện Thăng Bình đã thành lập đội kiểm tra liên ngành, tiến hành xử phạt hàng chục trường hợp nuôi tôm chiếm đất trái phép và sử dụng đất sai mục đích với diện tích 17,5ha.
“Sự buông lỏng quản lý của chính quyền cấp xã đã khiến cho tình trạng lấn chiếm trái phép, sử dụng đất sai mục đích, chủ yếu biến đất đất lâm nghiệp sang nuôi trồng thủy sản ở vùng đông của tỉnh thêm phức tạp. Do vậy, để tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính quyền cấp huyện, xã phải quyết liệt xử lý tình trạng vi phạm, cố tình lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích”. (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang) |
Tương tự, tại các xã Tam Tiến, Tam Hải (huyện Núi Thành), tình trạng người dân sử dụng tùy tiện diện tích đất lâm nghiệp vào mục đích nuôi trồng thủy sản trở nên phổ biến. Vậy nhưng, chính quyền gần như bất lực. Lãnh đạo chính quyền xã Tam Hòa thậm chí còn biện minh rằng, người nuôi tôm xây dựng các ao trong phần đất đã được Nhà nước cấp bìa đỏ lâu dài cho họ, nên rất khó can thiệp. Báo cáo đánh giá hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát vùng đông của UBND huyện Thăng Bình đã thừa nhận khó khăn trong giám sát việc sử dụng đất sai mục đích của người dân. Đến nay, đa số các trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt hành chính trên lĩnh vực đất đai nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có chế tài đủ mạnh.
Vướng mắc
Theo Sở Tài nguyên – môi trường, từ năm 2010 đến tháng 11.2012, Nhà nước đã cấp 21.167 bìa đỏ cho nhóm đất nông nghiệp với diện tích 21.934ha. Trong khi đó, nhóm đất phi nông nghiệp cấp được 41.798 bìa đỏ với diện tích 7.309ha (diện tích đất có tài sản chiếm hơn 75ha). Kết thúc năm 2012, hầu hết địa phương miền núi có tiến độ cấp bìa đỏ chậm, thậm chí có huyện chỉ đáp ứng hơn 50% chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Lý giải thực trạng này, Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Dương Chí Công cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do thiếu cán bộ chuyên trách, ngân sách nhà nước cấp cho đo đạc, chỉnh lý biến động đất đai, cập nhật hồ sơ… còn eo hẹp. “Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý đất đai tại cấp huyện, xã chưa đồng bộ để quản lý dữ liệu và khai thác thông tin theo dạng số. Hồ sơ địa chính phần lớn ở các địa phương lập theo nhiều mẫu biểu ở các thời điểm khác nhau, nên gây trở ngại đến công tác đăng ký cấp bìa đỏ cũng như khâu bảo quản, lưu trữ, cập nhật thông tin” – ông Công nói.
Các cán bộ địa chính cấp xã, phường còn cho biết, theo Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 5.8.2011, ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ cho việc đo đạc, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp đổi bìa đỏ với mức mỗi héc ta là 400 nghìn đồng. Với số tiền trên rất khó để triển khai thực hiện, nhất là trong điều kiện địa hình xa xôi ở miền núi. Một bất hợp lý khác, theo quy định, đất vườn ao không được công nhận là đất ở, nếu chuyển mục đích sang làm đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp. Thế nhưng, khi chuyển mục đích sử dụng đất, cơ quan thuế thu tiền sử dụng đất bằng 100% mức chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp. Rắc rối này, nhiều năm vẫn chưa được tháo gỡ.
TRẦN HỮU