Dấu ấn Shinzo Abe
Hôm nay (26.12), phiên họp quốc hội đặc biệt nhằm ra mắt nội các Nhật Bản được tiến hành. Đây được xem là bước ngoặt đánh dấu sự trở lại của ông Shinzo Abe, nhà chính trị thứ hai trong lịch sử hiện đại Nhật Bản hai lần đảm nhận cương vị thủ tướng.
Năm nay 58 tuổi, ông Shinzo Abe từng là thủ tướng trẻ nhất trong các thủ tướng Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần II, tức lúc 52 tuổi và cũng là nhà lãnh đạo Nhật sinh sau chiến tranh. Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm chính trị. Cha ông, Shintaro Abe từng giữ chức ngoại trưởng. Ông Abe tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Seikei trước khi theo học tại Đại học Nam California (Mỹ). Năm 2007, chưa đầy một năm khi lần đầu tiên trở thành thủ tướng, ông Abe từ chức Thủ tướng và chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên dư luận cũng như chính trường Nhật Bản đều biết rằng, lý do của việc này không nằm ngoài nguyên nhân thất bại thảm hại của LDP khi bầu cử Thượng viện năm đó. Cùng lúc, chính phủ ông Abe sau đó lại gây thất vọng cho người dân khi các thành viên trong nội các liên tiếp dính bê bối. Năm năm sau, tức vào 26.9.2012, ông Abe ra tranh cử và lại được bầu làm Chủ tịch LDP. Một lần nữa, LDP đã giành chiến thắng vang dội trong bầu cử Hạ viện ngày 16.12 khi chiếm đến 294 trong 480 ghế. Đồng minh của LDP, Đảng Komeito mới, chiếm 31 ghế, giúp liên minh có 325 ghế. Một lần nữa, ông Shinzo Abe đã trở lại cương vị thủ tướng của nền kinh tế hiện đứng thứ 3 trên thế giới.
Ông Shinzo Abe và phu nhân. |
Trong bối cảnh nước Nhật ngày nay, việc thúc đẩy kinh tế, phát triển năng lượng hạt nhân và xử lý tranh chấp biển đảo với Trung Quốc được dự báo là nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ thủ tướng lần 2 của ông Shinzo Abe. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia phân tích về nước Nhật. Trong chính sách kinh tế, ông Abe chủ trương cố gắng kết thúc sự giảm phát, nâng cao giá trị đồng yên và thúc đẩy kinh tế phát triển. Ông Abe cam kết sẽ nới lỏng một cách “không hạn chế” chính sách tiền tệ, đồng thời tăng chi tiêu công. Đây là những ưu tiên của tân lãnh đạo xứ sở hoa anh đào nhằm vực dậy nền kinh tế đất nước đang đứng bên bờ vực khủng hoảng mà tỷ lệ tăng trưởng đã chạm đáy vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua. Bên cạnh đó, trả lời phỏng vấn của một chương trình truyền hình mới nhất, ông Shinzo Abe cho biết chính phủ do ông lãnh đạo sẽ duyệt xét lại toàn bộ sự cố kỹ thuật xảy ra ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima- một trong những vấn đề quan trọng được người dân Nhật quan tâm, trước khi quyết định có tiếp tục sử dụng nhà máy này hay không. Tuy nhiên, ông Abe cũng thể hiện quan điểm rằng Đảng LDP sẽ ủng hộ việc phát triển nguồn năng lượng này bất chấp thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm ngoái.
Có thể nói, một trong những thách thức lớn của ông Shinzo Abe là vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng mà theo các nhà phân tích, ông Abe vẫn giữ lập trường rất cứng rắn. Ngay trong tuyên bố sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu Hạ viện lần này, ông Abe một lần nữa khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, vốn được phía Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư. Ông Abe đã cam kết sẽ bảo vệ vùng biển xinh đẹp của Nhật Bản cũng như không có ý định làm xấu đi mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc và muốn Bắc Kinh phải một lần nữa “nhìn nhận lại quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi”. Ngoài ra, ông Abe cũng thể hiện mong muốn Nhật Bản đóng góp một vai trò quan trọng hơn trong vấn đề an ninh toàn cầu.
Kim Oanh