Bảo tồn văn hóa miền núi: Chuyện của... cán bộ

26/12/2012 08:23

Huyện Tây Giang vừa tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Để có được những con số đánh giá ấn tượng về cố gắng của Tây Giang trong việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu trong hơn 10 năm qua, toàn huyện đã quyết liệt thực hiện mục tiêu sống còn: Mất văn hóa là mất tất cả. Dù còn nhiều hạn chế, khó khăn, nhưng kết quả thực tế từ Tây Giang là minh chứng cho quyết tâm chính trị, rằng giữ được văn hóa truyền thống của vùng cao, chính là giữ được bản sắc, là không đánh mất mình.

Quay lại với vấn đề không mới nhưng chưa hề cũ: Miền núi rất khó khăn, địa hình hiểm trở nên làm gì cũng khó. Đồng ý, nhưng câu hỏi ngược: Trước nay văn hóa cộng đồng làng ở vùng cao với nhiều lễ hội, phong tục đẹp, sống trong điều kiện khó khăn như thế, nhưng họ vẫn duy trì chứ có  làm mất đi đâu? Nó mất là do mất “sức đề kháng” bởi sự tác động ghê gớm của xã hội với những can thiệp thô bạo. Và còn nhiều nguyên nhân nữa. Nhưng, tại sao cũng điều kiện như nhau mà huyện này làm được, còn huyện kia thì không? Nói thẳng ra, tất cả nằm ở tư duy lãnh đạo, đi kèm nhiệt huyết lớn, dám đánh đổi tất cả, xem văn hóa là máu thịt, làm gì cũng quy về đích đó. Đừng nói chuyện không có tiền. Bao nhiêu năm qua, nhà nước tốn hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đổ vào miền núi, với bao nhiêu dự án, chương trình. Tuy nhiên, chưa ai làm thử con số thông kê: tỷ trọng đầu tư cho kinh tế và văn hóa, là bao nhiêu, chênh nhau thế nào và vì sao? Xác định hai mũi nhọn đó, cái nào hơn cái nào?

Một  cán bộ Phòng VH-TT của một huyện than thở: Phòng, ban nào cũng có trụ sở riêng rồi, chỉ có cơ quan mình là không cho xây, nên tiếp tục giai điệu ở nhà tạm kể từ ngày tách huyện. Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng có phòng ốc riêng, rồi xin thêm người để làm bao nhiêu việc, ít ra điều đó nó tác động tâm lý là văn hóa được coi trọng. Người ta nói cho vui, có báo cáo thế thôi, chứ thích làm dự án hơn, vì có tiền nhiều, chứ đầu tư vào văn hóa, tiền bạc vô hình không sờ nắm được, nên lơ.

Tư duy nhiệm kỳ, bị cái bánh lợi ích chi phối, nên cứ vin vào thứ vô hình mà làm việc… vô hình với văn hóa, nên khi tổng kết, cứ báo cáo mà đọc, xong, uống rượu mừng, giải tán ra về, cán bộ tỉnh xuống huyện dự, đố biết thực tế dưới làng kia, văn hóa được bảo tồn, phát huy ra sao. Một già làng có uy tín nói: “Cả năm, có thấy cán bộ huyện, xã xuống nói chuyện bảo tồn và phát huy truyền thống đâu”. Điều người dân quan tâm chính là tác động của nghị quyết có thực tế, có hợp với bụng dạ mình không, có đánh trúng ước mơ của mình không, có góp phần cải thiện bữa ăn, phong phú tinh thần họ không. Làm điều này, không thể do chính họ, mà là chính cán bộ con em của họ. Vì thế, bảo tồn và phát huy văn hóa miền núi, có lẽ trước mắt là bảo tồn hồn cốt miền núi của cán bộ miền núi, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số. Phải khiến họ thật sự muốn quay về với văn hóa làng để thấy mình trong đó, để làm việc thực sự vì văn hóa.

TRUNG VIỆT