Tiếng nói của già làng

Anh Trâm - Nguyễn Dương 25/12/2012 11:01

Tiếng nói của già làng cũng là “phát ngôn” của làng. Già làng là tai, là mắt cho những quyết sách của chính quyền trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa Tây Giang. Và những “phản biện” của già làng ở Tây Giang không thể không lắng nghe...
Góp lời tâm huyết

Dù buổi gặp mặt 54 già làng các thôn bản với chính quyền huyện Tây Giang hôm ấy có khá đông quan khách và đại diện nhiều cơ quan thông tấn báo chí của địa phương, trung ương, nhưng như một cách giữ gìn văn hóa của dân tộc mình, già làng Arất Blư (thôn Xà Ơi 2, xã A Vương) phát biểu bằng tiếng Cơ Tu. Già nói về sự thay đổi của các bản làng Tây Giang từ trước đến nay, điều gì cần giữ và phải giữ. Già Arất Blư bảo rằng văn hóa cũng có thể có sự gia nhập, đổi mới nhưng gươl, nhà làng sinh hoạt truyền thống, lễ hội, nếp sinh hoạt từ bao đời nay ở rừng núi này làm sao thay đổi được. “Điều quan trọng là chính quyền phải lắng nghe ý kiến của người làng chúng tôi. Đã có những cuộc gặp gỡ với các già làng thì phải nói rõ mục đích, vấn đề cần thiết. Và một khi thông qua các già làng người dân đã có ý kiến thì chính quyền cũng phải biết lĩnh hội những điều đúng và sửa chữa cái sai” - già làng Arất Blư nói (lược theo lời dịch của Chánh văn phòng UBND huyện Tây Giang).

Già làng - những người có uy tín của bản làng, là cầu nối giữa đồng bào và chính quyền địa phương.
Già làng - những người có uy tín của bản làng, là cầu nối giữa đồng bào và chính quyền địa phương.

Một số già làng nói về việc tái định cư, xây dựng nông thôn mới, vai trò cốt yếu của người Cơ Tu và cả những tiểu tiết trong quá trình hình thành văn hóa Tây Giang ngày nay. Các già làng cũng đã góp những lời tâm huyết về sự phát triển kinh tế, những chính sách của Đảng đối với người dân Cơ Tu nói riêng, miền núi nói chung. Lắng nghe sự phản hồi từ già làng, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Bling Mia nói: “Đối với một huyện miền núi như Tây Giang mà nói, những già làng, người có uy tín chính là “tai mắt” của chính quyền địa phương. Bởi không ai có thể hiểu người đồng bào các thôn bản bằng chính già làng. Chính quyền cũng không thể nắm hết được tình hình nếu không có các già làng làm cầu nối. Nói chung, già làng có một vai trò rất quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Cầu nối

“Để gìn giữ văn hóa bao đời của người Cơ Tu chúng ta, các già làng chính là linh hồn, là trái tim, là tiếng nói của bản làng để Tây Giang vẫn giữ được nét đậm đà bản sắc văn hóa Cơ Tu”.
(Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Briu Liếc)

Thời gian qua, ở Tây Giang các già làng, người có uy tín đã phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết tốt những vấn đề quan trọng như xây dựng nông thôn mới, chống lại đói nghèo, lạc hậu, xóa bỏ những hủ tục mê tín dị đoan, góp phần làm nên một bộ mặt mới cho cộng đồng dân cư trên địa bàn. “Già làng, người có uy tín trong cộng đồng chính là cầu nối giữa chính quyền và địa phương. Trong công tác bồi thường giải tỏa, tái định cư thủy điện, có nhiều người dân chưa hiểu hết được đường lối, chính sách của Nhà nước nên phản đối, không chịu làm theo. Những khi đó, chỉ có già làng mới có thể giải quyết được vấn đề, bởi người dân tin tưởng vào người được họ tín nhiệm. Ngay cả những mâu thuẫn trong thôn bản cũng được già làng đứng ra dàn xếp ổn thỏa. Nếu có gì cần phản ánh, họ trực tiếp chuyển tâm tư nguyện vọng của người dân đến với chính quyền địa phương” - ông Bríu Quân, Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Giang cho biết.

Với sự giúp sức của các già làng, trưởng bản, đến nay, toàn huyện Tây Giang đã san ủi mặt bằng, bố trí lại dân cư, tạo sự phát triển ổn định lâu dài về nơi ở cho người dân tại 32 điểm với diện tích 63ha, bình quân mỗi hộ dân 350m2; khai hoang mới 27ha đất sản xuất; xây dựng mới 29 công trình thủy lợi, bê tông 950m kênh mương nội đồng; đầu tư xây dựng 11 công trình nước sinh hoạt; bê tông hóa gần 7km giao thông nông thôn. Hiện tại 10/10 xã và 59/70 thôn có đường ô tô đi được; trường học, trạm xá đã phủ khắp trên địa bàn huyện, 6/10 xã có điện lưới quốc gia với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng lồng ghép từ các chương trình.

Như bao đời nay vẫn vậy, người Cơ Tu luôn bầu cho mình một người có đủ kinh nghiệm, đạo đức để đại diện cho tiếng nói thôn bản của mình. “Hàng năm, các thôn bản đều họp tuyển cử một người đủ uy tín làm già làng. Già làng cũng phải tự kiểm điểm trước bà con thôn bản để nhìn nhận lại bản thân, bởi không phải cứ già làng là cái gì cũng đúng. Chính vì vậy, già làng luôn là người được người dân thôn bản kính trọng, từ đó những chính sách của Đảng và Nhà nước được tuyên truyền một cách gần gũi, dễ đi vào đời sống hơn. Đó cũng là một lợi thế” - ông Quân nói thêm.

Tây Giang đang phát động xây dựng nông thôn mới, một lần nữa vai trò của già làng được phát huy. Như các thôn ở xã A Vương, A Nông, Ch’Ơm, qua tiếng nói của các già làng, người dân đã tình nguyện hiến đất, hoa màu để góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Già làng Arất Blư chia sẻ: “Mình được bà con, cán bộ tin tưởng giao trách nhiệm thì phải làm tròn trách nhiệm chớ. Bà con có thể chưa hiểu được đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì mình phải tuyên truyền cho họ hiểu. Vì mình là người được phổ biến một cách rõ ràng nhất. Không làm tròn trách nhiệm của mình là có tội với Đảng với chính quyền và có tội với đồng bào mình nữa”.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Briu Liếc nói: “Chúng tôi rất cần tiếng nói của các già làng, những người có uy tín của đồng bào trong việc gìn giữ văn hóa Cơ Tu và sự phát triển của Tây Giang. Những lời tâm huyết của các già ngày hôm nay với chúng tôi thật sự quý giá, đồng nghĩa với những lắng nghe từ phía chính quyền và nhân dân. Để gìn giữ văn hóa bao đời của người Cơ Tu chúng ta, các già làng chính là linh hồn, là trái tim, là tiếng nói của bản làng để Tây Giang vẫn giữ được nét đậm đà bản sắc văn hóa Cơ Tu”.

Anh Trâm - Nguyễn Dương

Anh Trâm - Nguyễn Dương