Cần nhanh chóng làm rõ
Báo Quảng Nam vừa nhận đơn thư của cô Huỳnh Thị Lý - nhân viên cấp dưỡng trường Mẫu giáo Tuổi Thơ (Tam Kỳ) tố cáo hiệu trưởng nhà trường đã đuổi việc cô vô cớ và cắt xén khẩu phần ăn của trẻ?
Bất thường?
Sự việc xảy ra vào trưa ngày 28.11. Nhận thấy lượng cơm của các lớp ít hơn so với mọi ngày, sau giờ ăn, cô hiệu trưởng Võ Thị Ánh Tuyết kiểm tra thùng nước cơm của cô Lý thì thấy số lượng cơm thừa khá nhiều và toàn cơm trắng. Nhận thấy có điều gì đó bất thường, hiệu trưởng đã đề nghị các cô giáo trong trường kiểm tra. Sau đó, một cuộc họp hội đồng với sự tham gia của 13 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường được tổ chức và 12/13 người thống nhất ký vào biên bản với nội dung “cơm trong thùng là cơm mới nấu, còn nguyên cục và rất nhiều chứ không phải là cơm thừa”. Riêng cô Lý không đồng ý nên không ký biên bản.
Bữa ăn của trẻ tại trường Mẫu giáo Tuổi Thơ. Ảnh: T.VY |
Về phần mình, trao đổi với PV Báo Quảng Nam, cô Lý nói: “Tại sao sau khi trẻ và các cô giáo ăn xong nhà trường mới kiểm tra và khi sự việc xảy ra lúc 12 giờ trưa nhưng mãi đến 14 giờ mới lập biên bản? Hơn nữa, 116 cháu ăn thì lượng cơm thừa như vậy không phải là nhiều”. Cũng theo lời cô Lý, sáng 29.11 cô vừa đến trường làm việc thì bị cô Tuyết la lớn đuổi ra khỏi trường, thậm chí còn đe dọa điện thoại báo công an. Đến ngày 4.12, nhà trường tổ chức cuộc họp hội đồng với sự tham gia của ông Lê Hồng Tuyến - Chủ tịch UBND phường Hòa Hương, đại diện hội cha mẹ học sinh. Tại đây, cô Lý vẫn tiếp tục khẳng định đó là cơm cháy, cơm thừa và mình không hề làm việc gì xấu.
Trong khi đó, cô hiệu trưởng Võ Thị Ánh Tuyết cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND phường tại cuộc họp ngày 4.12, nhà trường cho cô Lý tạm nghỉ 2 ngày để suy nghĩ về việc làm của mình và hẹn làm việc vào ngày 6.12 nhưng cô Lý không đến. Ngày 13.12, trường lại tiếp tục tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện hội cha mẹ học sinh. “Tại cuộc họp này, nhà trường hỏi ý kiến của cô Lý có đồng ý nghỉ làm cấp dưỡng và chuyển qua công việc tạp vụ hay không để nhà trường sắp xếp công việc thì cô bảo đồng ý nếu như tôi viết giấy xác nhận là vu khống cô Lý và cả hội đồng ký vào nhưng tất cả đều không chấp nhận yêu cầu này” - cô Tuyết nói. Trao đổi thêm với PV Báo Quảng Nam, nhiều cô giáo tỏ ra bức xúc cho rằng “việc cô Lý làm tất cả đều chứng kiến, chẳng lẽ cả hội đồng vu khống cho cô hay sao?”.
Nhà trường bị “tố” ngược
Về đơn thư đứng tên cô Bùi Thị Thu Thủy (nguyên là nhân viên cấp dưỡng của trường) tố cáo bị đuổi việc vô cớ, cô Tuyết khẳng định “hoàn toàn sai sự thật và trái lương tâm của cô Thủy khi mà nhà trường đã hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện để cô được nghỉ trong lúc mang thai và sau sinh được nhận chế độ thai sản với số tiền 4,1 triệu đồng”. Cụ thể, nhà trường ký hợp đồng lao động với cô Thủy vào ngày 1.9.2011 với thời hạn 1 năm (1.9.2011 đến 31.8.2012). Thế nhưng, ngày 28.9.2011 cô Thủy nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động với lý do đang mang thai, nhà lại quá xa và không chịu được mùi thức ăn. Đến 1.10.2011 cô Thủy lại có đơn xin tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ bảo hiểm khi sinh con và nhà trường đã đồng ý trích kinh phí của trường đóng cho cô theo mức 20% như đã đóng khi còn làm việc. Sau khi sinh, nhà trường động viên đi làm trở lại nhưng cô Thủy không đi và tiếp tục gửi đơn xin chấm dứt hợp đồng từ 1.9.2012 (tất cả đều có hồ sơ). Cũng theo cô Tuyết, chữ ký trong đơn hoàn toàn khác với các giấy tờ mà cô Thủy đã ký còn lưu giữ tại trường. Hơn nữa, hơn 1 năm qua cô Thủy không hề có ý kiến gì với nhà trường. |
Cho rằng mình không hề cắt xén phần cơm của trẻ và còn bị đuổi việc vô cớ, ngày 1.12, cô Huỳnh Thị Lý viết đơn tố cáo hiệu trưởng Võ Thị Ánh Tuyết là người chỉ đạo cắt xén khẩu phần ăn của trẻ và sự việc vừa qua là hành động trả thù sau thời gian cô đấu tranh về việc làm trên. Cụ thể, hiệu trưởng đã buộc cô phải ký khống vào hồ sơ xuất gạo cho trẻ ăn hàng ngày không đúng với thực xuất. Ví dụ, số trẻ ăn hàng ngày là 82 cháu nhưng thực tế nhà trường chỉ nấu 74 suất gạo. Cung cấp cho chúng tôi cuốn sổ theo dõi xuất gạo của 3 tháng 9, 10 và 11 năm học 2011 - 2012 (không có chữ ký nào) được cho là của trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, trong đó gần như ngày nào số lượng gạo thực xuất cũng thấp hơn số lượng gạo xuất theo sổ và mỗi tháng số gạo tồn khoảng 10kg, cô Lý cho rằng đây là chứng cứ cho thấy việc cắt xén gạo của trẻ là rất nhiều. Trong sổ cá nhân của cô Lý trong 3 tháng 9, 10 và 11 của năm học 2012 - 2013 cũng thể hiện số cháu thực chi thấp hơn số cháu đi học.
Phản bác lại tố cáo trên, cô Tuyết cho rằng quy trình xuất gạo của nhà trường trải qua 2 bước khá chặt chẽ với sự tham gia của nhiều người. Mỗi buổi sáng trường xuất gạo 2 lần: lần đầu vào khoảng 7 giờ và lần thứ 2 vào khoảng 8 giờ sau khi kế toán đi lấy số lượng trẻ ở các lớp (vì không đủ nồi nấu 1 lần cho hơn 100 trẻ). Gạo xuất đều có phiếu xuất kho hàng ngày và được cấp dưỡng, kế toán, thủ quỹ, lãnh đạo nhà trường ký xác nhận vào phiếu theo quy trình kế toán lập phiếu chuyển cho thủ quỹ xuất gạo và cấp dưỡng nhận về nhà bếp (trường có 2 cấp dưỡng). “Như vậy, không có chuyện nhà trường cắt xén gạo của trẻ và cũng không có chuyện tôi buộc cô Lý ký khống vào hồ sơ xuất gạo” - cô Tuyết khẳng định. Về cuốn sổ theo dõi xuất gạo mà cô Lý cung cấp cho PV, cô Tuyết cho rằng năm học 2011 - 2012 trường Mẫu giáo Tuổi Thơ không sử dụng loại sổ này mà chỉ có phiếu xuất kho. Bắt đầu từ năm học 2012 - 2013, bên cạnh phiếu xuất kho trường mới sử dụng thêm sổ để theo dõi nhưng mẫu mã khác hoàn toàn. Cô Nguyễn Thị Kim Thương (thủ quỹ) cũng tỏ ra khá bất ngờ về cuốn sổ và cho biết, gạo xuất lần đầu hàng ngày của trường bao giờ cũng là 9,5kg và sau đó xuất thêm ở lần thứ 2 chứ không bao giờ có con số 9kg như sổ của cô Lý đề cập.
Sự việc nêu trên không lớn, nhưng là vấn đề khá "nhạy cảm". Vì vậy, thiết nghĩ lãnh đạo ngành GDĐT Tam kỳ cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ sự thật, để các bậc phụ huynh yên tâm về việc chăm sóc con em mình tại trường.
Tường Vy