Tái định cư cho dân ven biển: “Nóng” như Nồi Rang
Dự án sắp xếp dân cư ven biển đã thực hiện được 3 năm tại xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) nhưng người dân và chính quyền đều khổ vì nhiều công trình hạ tầng dở dang. Hiện đã có 21 hộ vào khu tái định cư Nồi Rang nhưng người dân đang đối mặt với nhiều khó khăn.
NHẬN được số tiền đền bù nhà, đất là 110/300 triệu đồng, anh Phan Văn Dũng (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa) di dời đến khu tái định cư Nồi Rang từ năm 2011. Ở đây đất chỉ đủ làm nhà, còn lại chỗ để chăn nuôi khá eo hẹp. Anh nói: “Ba năm qua bỏ tiền túi ra ăn chứ có làm được đồng bạc nào đâu”. Đất, nhà cũ đã đền bù, nhưng chưa cày ủi nên cứ chạy đi chạy về, mà việc thường xuyên nhất là gánh nước uống. “Tại khu tái định cư, giếng đóng sâu xuống 11m mà nước vẫn bị phèn, hôi, không uống được. Nhiều người phải uống nước bình” - anh Dũng cho biết thêm. Anh Dũng trồng rau, hành trên vạt đất trước nhà. Anh nói đây không phải là đất của mình mà là nền nhà của những hộ chưa vào, bỏ hoang uổng quá nên làm thêm.
Anh Phan Văn Dũng trồng rau trên đất bỏ hoang trong khu dân cư. Ảnh: T.V |
Theo ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, nhà đầu tư và tỉnh thiếu tiền nên cày ủi ruộng xong không tiếp tục triển khai dự án. Còn ông Nguyễn Trường Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa thì nói: “Bà con đòi hỏi phải làm sao chứ không thể kéo dài tình trạng này. Đất sản xuất đã thu hồi, nếu chưa làm thì cứ để bà con sản xuất, đỡ biết mấy. Họ cũng chẳng nói bao giờ sẽ hoàn thành. Mai này vào hết trong khu tái định cư, chăn thả trâu bò chỗ nào đây?”. Khu dân cư Nồi Rang được quy hoạch 27,9ha, ruộng của dân bị thu hồi từ năm 2011, san lấp nhưng bỏ dở dang. Ồng Đoàn Xí, một người dân xã Duy Nghĩa nói: “Con cái lớn lên cưới xin, muốn tách hộ, lập vườn cũng không được. Có tình trạng cơi nới chứ, nhưng không thể ngăn cản vì đó là nhu cầu của bà con”. Khu dân cư Lệ Sơn quy hoạch 26,3ha, tình cảnh cũng không khác. “Chúng tôi lo, bà con nhận tiền đền bù, không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, ăn tiêu hết tiền, nguy cơ tái nghèo. Thôn Hội Sơn hiện có 136/895 hộ bị ảnh hưởng” - ông Xí cho biết.
Thêm một mối quan tâm lớn của địa phương là đường ĐH16, huyết mạch dân sinh chính của xã, nhà thầu xây dựng là Công ty 519 cũng “bỏ rơi” vì năng lực yếu, bỏ lại con đường bị cày ủi ngổn ngang. Điệp khúc “nắng bụi, mưa bùn” tái diễn như đã từng có từ trước. Ông Nguyễn Công Dũng cho hay, tỉnh đã điều chỉnh vốn dự án đường này từ 37 lên 43 tỷ đồng và đã tìm đơn vị thi công khác, phấn đấu đến tết sẽ hoàn thành tuyến đường trên.
Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp “thiếu năng lực” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ các dự án, kéo theo nhiều khó khăn cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Sẽ không biết đến bao giờ tình hình mới khả quan, và trong khi chờ đợi, thì người dân mất đất sản xuất trong vùng dự án rất lớn này tiếp tục chịu cảnh “ăn không ngồi rồi”.
Trung Việt