Giữ “gốc rễ” văn hóa làng
Làm thế nào để bảo tồn bản sắc văn hóa vùng núi, gìn giữ văn hóa làng trước những thay đổi mạnh mẽ của đời sống và tiếp biến, giao lưu văn hóa hiện nay… là những câu hỏi khó vừa đặt ra tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số”.
Áp lực
Làng, với người miền núi chính là một bà mẹ sản sinh nên hệ thống tri thức bản địa phong phú. Ông Nguyễn Tri Hùng - chuyên viên Ban Dân tộc tỉnh, người nhiều năm gắn bó và nghiên cứu về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số - cho biết: “Tri thức bản địa của đồng bào rất phong phú, nó thể hiện ở bản sắc văn hóa làng, các thiết chế văn hóa xã hội của cộng đồng làng tạo thành đặc tính cố kết nên quần thể xã hội gắn chặt với nhau. Hạt nhân của làng - đó là kinh nghiệm ứng xử với rừng được con người nâng lên thành tín ngưỡng. Vai trò của già làng được xác định một cách rõ ràng, góp phần giữ vững trật tự xã hội, gắn kết quan hệ cộng đồng”. Cũng chính vì thế, nếu phá vỡ tính cố kết cộng đồng thì bản sắc văn hóa có từ bao đời sẽ nguy hại.
Làng Tà Vàng được cộng đồng Cơ Tu lưu giữ khá nhiều nét đặc trưng. |
Tuy nhiên, giữ văn hóa làng vẫn không khó bằng việc ngăn nó khỏi phải chịu tác động từ đời sống hiện tại. Việc tiếp thu, tiếp biến dưới nhiều dạng thức khiến văn hóa của đồng bào đang phai nhạt dần. Ông Bh’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cho rằng: “Trong quá trình phát triển kinh tế, đồng bào dân tộc thiểu số muốn có cái ăn phải giao lưu, phải đi xa. Đó là tác nhân khiến văn hóa của đồng bào nhạt dần. Từ việc xem ti vi, nghe nhạc trẻ, điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác đã tác động không nhỏ đến môi trường văn hóa”. Áp lực của phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân vùng cao gây khó khăn không ít cho công tác bảo tồn văn hóa tại những nơi này. Không thể nói sự nhạt nhòa của văn hóa vùng cao bởi chủ thể sáng tạo nó - tức người dân - không chịu bảo tồn và phát huy nó. Thực ra ý thức tự hào về bản sắc văn hóa của họ rất mạnh, tuy nhiên, việc sống chung đụng với người Kinh phần nào đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cung cách, tập tục sinh hoạt của họ.
Việc thụ hưởng văn hóa cũng trở nên khó khăn hơn bởi áp lực từ cái ăn, cái mặc. Ngoài ra, chuyện quy hoạch, di dời dân càng khiến những nét đặc sắc của văn hóa vùng cao “rơi rụng” dần. Đầu tư cơ sở hạ tầng có nơi phá vỡ không gian sinh hoạt của đồng bào hoặc “di dời” họ xa dần tín ngưỡng, tập tục của mình. Rất nhiều hồn làng đã mất đi từ những công cuộc như thế này. Đến vùng núi cao Nam Trà My, nhìn vào thiết kế nhà ở với nền láng xi măng, mái tôn, vách gỗ… cứ tưởng là những khu tái định cư của đồng bào Kinh từ miền xuôi lên lập nghiệp. Làng Rô - một địa danh nổi tiếng của miền núi huyện Nam Giang, nơi từng che giấu nhà thơ Tố Hữu khi vượt ngục Kon Tum trở về - cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng vì không còn như mường tượng ban đầu, mất hẳn nét đặc trưng mà chỉ như khu trài dân dọc theo hai bên đường Hồ Chí Minh.
“Tri thức bản địa của đồng bào rất phong phú, nó thể hiện ở bản sắc văn hóa làng, các thiết chế văn hóa xã hội của cộng đồng làng tạo thành đặc tính cố kết nên quần thể xã hội gắn chặt với nhau”. (Ông NGUYỄN TRI HÙNG, Ban Dân tộc tỉnh) “Phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ phải đảm bảo mang hơi thở cuộc sống, tạo cho các di sản có môi trường sống, đưa vào cuộc sống đồng bào chứ không nên sân khấu hóa”. (Ông NGUYỄN BẰNG, Bí thư Huyện ủy Đông Giang) |
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Hoàng Bích (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL) đánh giá nhiều nhà làng truyền thống của đồng bào được đầu tư bài bản, nhưng tiếc rằng hình thức hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống đã không diễn ra thường xuyên khiến những công trình này chưa phát huy vai trò của nó trong công cuộc bảo tồn bản sắc văn hóa vùng cao. “Chúng ta mới chỉ chú trọng đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng chứ chưa có biện pháp để bảo tồn các loại hình văn hóa nghệ thuật. Trong khi đó, văn hóa hiện đại bằng nhiều đường đã tràn vào đời sống của đồng bào, lấn át các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương” - ông Bích phân tích.
Gìn giữ
Đối với đồng bào vùng cao, đằng sau văn hóa là cả một tộc người, là cái gương phản ánh dân tộc chính xác nhất, mất văn hóa là mất tất cả nên họ ý thức cao về văn hóa dân tộc. Quan trọng là vậy, nhưng bản thân chủ thể sáng tạo văn hóa lại không thể tự “giữ gìn” dưới quá nhiều tác động.
Đã có nhiều ý kiến bàn về phương cách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng cao, xuất phát từ trăn trở về sự bào mòn của những nền văn hóa này. Ông Nguyễn Bằng, Bí thư Huyện ủy Đông Giang, cho rằng đừng nên sân khấu hóa bản sắc văn hóa của đồng bào mà cần lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ngay chính trong đời sống cộng đồng, trong môi trường đã sản sinh ra chúng. “Phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ phải đảm bảo mang hơi thở cuộc sống, tạo cho các di sản có môi trường sống, đưa vào cuộc sống đồng bào chứ không nên sân khấu hóa. Việc khôi phục lễ hội cần cộng tác chặt chẽ với người già am hiểu, trưởng thôn để phát huy trí thức cổ của họ” - ông Bằng nói.
Chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân cũng nhận được nhiều ý kiến tán đồng. Đại diện một số huyện miền núi cho rằng, cần có chế độ cho các nghệ nhân để họ dồn hết tâm huyết sáng tạo nghệ thuật và truyền dạy lại cho lớp trẻ. “Chính quyền và cộng đồng cần tôn vinh, tạo điều kiện tốt về mặt vật chất và tinh thần để các nghệ nhân phát huy mọi khả năng bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống” - ông Nguyễn Bằng cho biết thêm. Đặc biệt, việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa miền núi cần đặt trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương đó. Đầu tiên là đảm bảo một cuộc sống ổn định, kế đến đào tạo đội ngũ quản lý văn hóa từ cộng đồng làng… Tất cả hướng đến mục đích chung: giúp văn hóa làng - gốc rễ văn hóa miền núi - đứng vững trước bao thách thức.
Đề xuất xây dựng bảo tàng văn hóa các dân tộc thiểu số
|
SONG ANH