Bức tranh kinh tế châu Á năm 2012

19/12/2012 10:15

Nền kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương, châu lục được xem là “đầu tàu kinh tế của thế kỷ 21” đã bị giảm sút mà nguyên nhân chính do tác động của khủng hoảng nợ công tại châu Âu và tăng trưởng kinh tế diễn ra hết sức chậm chạp tại Mỹ.

ĐÓ cũng là kết luận mới nhất của Ủy hội Kinh tế và xã hội của Liên hiệp quốc tại châu Á - Thái Bình Dương, UNESCAP. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2012 của khu vực là 5,6% so với dự đoán ban đầu là khoảng 6,5%. Như vậy, tỷ lệ tăng trưởng này đã giảm mạnh so với 7% vào năm 2011 và so với mức 8,9% vào năm 2010. Năm nay, nền kinh tế tăng trưởng “nóng” của khu vực là Trung Quốc với 7,8% (năm 2011 là 9,2%). Bên cạnh do tác động giảm sút xuất khẩu từ các thị trường phát triển châu Âu và Mỹ, biến động giá tiêu dùng là một thách thức lớn khác mà khu vực đang phải đối mặt.

Giá cả tăng vọt là một trong những thách thức lớn của kinh tế châu Á.     (Ảnh: tvtrope.org)
Giá cả tăng vọt là một trong những thách thức lớn của kinh tế châu Á. (Ảnh: tvtrope.org)

Ông Anisuzzaman Chowdhury, Trưởng ban Chính sách và phát triển kinh tế vĩ mô của UNESCAP nhận định, trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, châu Á ít bị tác động nhất. Thế nhưng, hiện nay kinh tế khu vực đã không tránh khỏi các tác động từ bất ổn kinh tế châu Âu và sự trì trệ của các nền kinh tế lớn khác. Ông nói: “Trước đây, châu Á chịu đựng giỏi hơn cả châu Âu nhưng bây giờ đã bắt đầu thấy ảnh hưởng bởi sự khủng hoảng tại các nước sử dụng đồng euro kéo dài và chưa có dấu hiệu kết thúc”. Cũng theo UNESCAP, mặc dù khu vực này có nhiều dấu hiệu hồi phục vào năm 2013, song chỉ có một số ít có thể được thoát nghèo trong khi khoảng cách thu nhập ngày càng rộng, nhất là tại khu vực Đông Nam Á.

Dẫu vậy, tăng trưởng ở châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá vẫn duy trì ở mức tốt hơn so với bất cứ khu vực nào khác, tiếp tục là một “mỏ neo” cho sự ổn định và một trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Đông Nam Á hiện là điểm sáng trong các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á. Trong đó, chi tiêu tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ ở Đông Nam Á và một vài dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sẽ gần như bù đắp được cho những yếu kém của các nền kinh tế Ấn Độ, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan… Bởi trong thời gian qua, chính phủ các nước khu vực Đông Nam Á đã thực hiện một loạt các biện pháp nới lỏng chính sách để thúc đẩy tăng trưởng. Điển hình Philippines, Tổng thống Benigno Aquino mới đây đã đẩy mạnh chi tiêu công, đồng thời tìm cách thu hút 16 tỷ USD đầu tư vào giao thông, sân bay. Trong đó ở Malaysia, Thủ tướng Najib Razak kêu gọi tăng cường hơn nữa chi tiêu chính phủ. Tại Indonesia, Tổng thống Susilo Yudhoyono cũng tìm cách thúc đẩy nền kinh tế thông qua gia tăng đầu tư vào đường giao thông, cảng biển và sân bay.

Song để xứng đáng với vị trí và tiềm năng của khu vực, UNESCAP cho rằng, các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải thực hiện những biện pháp hỗ trợ nội địa như những chính sách tiền tệ và tài chính được thiết kế hết sức tốt mà Trung Quốc và Ấn Độ từng áp dụng trước đây. Theo tiến sĩ Aynul Hassan, Trưởng đơn vị chính sách phát triển của Phân viện Chính sách vĩ mô và phát triển của UNESCAP, các nước cần phải thay đổi “văn hóa vay mượn” để chi tiêu. Chính phủ các nước cũng cần chú trọng hơn nữa các chính sách đầu tư vào nguồn nhân lực, đó cũng là cách đầu tư đúng đắn, lâu dài…

Nam Việt