Thú chơi chim chào mào
Không trang trí cầu kỳ, chỉ vài ba bộ bàn ghế nhựa xếp với nhau, nhưng những quán cà phê chim vẫn hút khách bằng thứ âm nhạc đặc biệt, những “bản giao hưởng” bằng tiếng chim chào mào.
Giao hưởng... vỉa hè
Những tay sành chơi chim chào mào ở TP.Tam Kỳ vẫn thường gọi đùa những “trường chim” là không gian giao hưởng… vỉa hè. Bởi các quán cà phê “không tên” có trường chim thường nằm ngay bên đường hay ở các góc ngã tư nhưng xa trung tâm thành phố. Như quán cà phê chim nằm ở góc ngã tư Ông Ích Khiêm - Hùng Vương với cách bài trí không khác gì một quán cà phê vỉa hè bình thường. Anh Vi, một tay chơi chim chào mào ở Tam Kỳ cho biết: “Khách tới quán chỉ để chia sẻ niềm đam mê chơi chim, đặc biệt là chim chào mào. Do đó, các trường chim thường nằm ở vị trí hơi xa trung tâm thành phố, vừa yên tĩnh để có thể thưởng thức trọn vẹn giọng hót chào mào, vừa có không gian thoáng để tiện giao lưu, thi đấu”.
Chơi chim chào mào đang là thú chơi phổ biến trong thời gian gần đây. |
Hằng tuần, tầm 8 giờ sáng Chủ nhật là thời điểm sôi động nhất “trường chim”, nơi các tay chơi chim hội ngộ. “Giờ vàng” của chim chào mào để thi đấu là lúc này, bởi trời không quá nóng bức, cũng là thời điểm những chú chim “chiến” sung sức nhất. Luật thi đấu được quy định khá rõ, gồm hai tiêu chí. Tiêu chí đầu tiên là dáng bộ và thái độ thi đấu của chim. Thông thường, chim thi đấu phải linh hoạt, nhảy cầu, chuyền cầu liên tục, dáng đứng vươn mình, “rê cầu”, “sàn cầu” (lượn trong lồng, kiểu vừa bỏ chạy, vừa rủ rê), ra đuôi, ra cánh để dọa nạt đối thủ. Trong quá trình thi đấu, chim phải tỏ vẻ sục sạo, thị uy đối thủ. Nếu chim bỏ nước đấu, xỉa lông, phơi nắng, sẽ lập tức bị loại, đưa ra khỏi khu vực thi đấu và bị xử thua cuộc. Tiêu chí thứ hai được đánh giá quan trọng không kém, là giọng và cách ra giọng. Tùy cách thức đấu theo nhóm hay đấu trực tiếp, mà ban giám khảo sẽ so sánh, lựa chọn chim đấu mau mỏ, ra giọng đều đặn, bền bỉ trong suốt quá trình thi đấu, đổ nhiều giọng, đảo giọng, luyến láy âm tiết rõ ràng để đánh giá. Điểm nhấn của chim “chiến” là ra giọng quát hoặc giọng “ché” - cách gọi khi chim ra giọng thị uy dọa nạt đối thủ bằng cách “sổ quíu”, ra một tràng âm thanh thật dài trong một thời gian thật ngắn - tiếng rất gắt, dài nhưng âm điệu thanh và vang. Chim “chiến” là chim có giọng “ché” đặc trưng, đủ uy lực để dọa nạt đối thủ. Trong yêu cầu thi đấu, chim ra giọng phải từ 3 âm tiết trở lên, không có chi tiết trùng lặp, không ra giọng của chim mái…
Dân “ngoại đạo”, lạc vào một cuộc thi đấu chim chào mào chắc hẳn sẽ không ít ngỡ ngàng khi chứng kiến thể thức thi đấu không giống bất kỳ một loại hình thi đấu nào khác. Những lồng chim “chiến” được treo sát vào nhau trên dàn đấu, ban giám khảo sẽ vừa quan sát, vừa nghe giọng hót của từng lồng để loại dần, chọn ra chú chim thắng cuộc. Trong các cuộc giao hữu mỗi tuần, các tay chơi sẽ tự thống nhất “loại” từng đối thủ trên cơ sở bình phẩm, nhận định chung, nghĩa là ai cũng được quyền làm… ban giám khảo. Các tay chơi chim vừa căng mắt theo dõi từng dáng thế, thái độ thi đấu của chim, vừa đưa ra những lời bình phẩm, nhận định. Thi thoảng lại có tiếng reo “ché kìa, ché kìa”, tiếng trầm trồ của nhiều chủ chim vỗ đùi thích thú khi chim của mình “ché”, đảo giọng điệu nghệ. Cứ thế, một cuộc đấu có khi kéo dài đến gần 2 tiếng đồng hồ, trong niềm phấn khích, hân hoan của những tay chơi chào mào.
Thú chơi cầu kỳ
Để có một chú chim chào mào “chiến” thật sự là cả một quá trình công phu từ việc tuyển lựa, chăm sóc đến cách tập huấn. Nhiều tay chơi sẵn sàng bỏ ra cả buổi, thậm chí cả ngày để quan sát, chọn mua cho được một chú chim ưng ý. Tại Quảng Nam, chim chào mào ở vùng thung lũng Trung Mang thuộc xã Ba, huyện Đông Giang được coi là giống chào mào hay có tiếng ở trong và ngoài tỉnh. Sở hữu được một con chào mào Trung Mang chính hiệu là cả một hành trình gian nan của những tay chơi. Bởi nếu không phải dân trong nghề, rất khó phân biệt được giọng hót, dáng thế đặc trưng của chào mào Trung Mang. Đã từng có lắm chuyện dở khóc dở cười xảy ra khi nhiều người bị lừa mua phải chào mào Trung Mang dỏm hoặc nhiều nhà bị trộm cạy cửa, đục nhà chỉ để… bắt con chim chào mào Trung Mang có giá cả chục triệu đồng…
Việc nuôi dưỡng, chăm sóc chim chào mào đã tốn không ít công phu, chuẩn bị cho chim đi thi đấu càng cầu kỳ hơn. Có khi bỏ công chăm sóc cả tháng trời chỉ để “dưỡng sức” cho chim thi đấu trong một ngày. Thú chơi chim chào mào ngày càng phổ biến, các trường chim chỉ phục vụ riêng cho dân chơi chim chào mào cũng theo đó ra đời. Trên địa bàn Quảng Nam, nhiều trường chim, câu lạc bộ chơi chim chào mào được thành lập ở Hội An, Tam Kỳ… trở thành diễn đàn sinh hoạt vào ngày nghỉ cuối tuần, cũng là để những người đam mê chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng loài chim cảnh này. Các thành viên của những diễn đàn chơi chim chào mào còn liên kết với các trường chim ở tỉnh thành khác trong và ngoài khu vực, tham gia các cuộc thi ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, các tỉnh Tây Nguyên…
PHƯƠNG GIANG