Tâm sự cùng em
Xin được mượn tên chủ đề của diễn đàn góp ý giúp học sinh cá biệt tiến bộ do trường THCS Thái Phiên (Tam Thanh - TP.Tam Kỳ) vừa tổ chức để đặt tên cho bài viết này. Theo cảm nhận của chúng tôi, đây là một diễn đàn đầy ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn lần đầu tiên nhà trường tổ chức với mục đích lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, giúp học sinh nhận ra khiếm khuyết của mình để sửa chữa, cùng nhau ra sức thi đua học tập tốt.
Diễn đàn “Tâm sự cùng em” do trường THCS Thái Phiên tổ chức.Ảnh: Đ.NGỌC |
Tham dự diễn đàn, có đầy đủ 34 học sinh chậm tiến cùng phụ huynh của các em. Phần đông phụ huynh là những người sống bằng nghề biển, dù bận rộn công việc nhưng họ vẫn sắp xếp thời gian đến dự nghe những lời góp ý, trao đổi kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con cái. Nhiều phụ huynh đã có những góp ý xác đáng, đồng thời nêu lên được đâu là nguyên nhân dẫn đến việc hư hỏng của con cái, trong đó có trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ. Ông Nguyễn Văn Nga (thôn Thượng Thanh, xã Tam Thanh) cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình - nhà trường - xã hội, bên cạnh đó là phần tự lực của bản thân học sinh. “Không nên dạy bảo con cái bằng bạo lực. Câu nói “thương cho roi, cho vọt” của ông cha đã không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Các bậc phụ huynh cần dạy bảo con cái một cách khoa học, thấu tình đạt lý và phù hợp với lứa tuổi để các em dễ nhận biết mà thay đổi hành vi học tập. Và điều quan trọng, không nên nuông chiều con cái một cách thái quá hay tin tưởng hoàn toàn mà hãy theo dõi việc học tập, sinh hoạt, quan hệ bạn bè của con để có biện pháp uốn nắn kịp thời” - ông Nga chia sẻ. Kinh nghiệm mà ông Nga đã từng được áp dụng và giúp con trai ông từ một học sinh cá biệt, chậm tiến nay đã có những tiến bộ đáng kể.
Cô Trần Thị Thúy Diễm - giáo viên chủ nhiệm lớp 9/1 không giấu nỗi xúc động khi nghe những lời trăn trở của các bậc phụ huynh cũng như những lời thổ lộ tình cảm của các em học sinh. Cô chia sẻ, người giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần phải thông cảm, bao dung, gần gũi, thương yêu học sinh như con của mình. Có như vậy mới nắm bắt được tâm tư, tình cảm, những yêu cầu mà học sinh đang cần. Qua đó giải thích, an ủi, giúp đỡ vật chất và tinh thần để các em vượt qua rào cản của cuộc sống và sự mặc cảm của bản thân để chăm chỉ học tập.
Trường THCS Thái Phiên có 34 học sinh chậm tiến trong sinh hoạt và học tập. Đây là những em thường hay vi phạm nội quy nhà trường, ít thuộc bài, thường hay quậy phá, nghịch ngợm đã được nhà trường nhắc nhở nhiều lần nhưng chậm tiến. Tuy hoàn cảnh mỗi em khác nhau nhưng đều là con em gia đình khó khăn. Cả hội trường rưng rưng xúc động khi nghe em Nguyễn Văn Tài học sinh lớp 8/2 trình bày hoàn cảnh của mình. Mẹ em đi hái cà phê thuê ở tận Đắc Lắc cả năm mới về một lần, chị gái phải đi làm công nhân may tại Đà Nẵng, ở nhà chỉ có 3 anh em còn nhỏ dại và người cha bệnh tật nhưng thường hay rượu chè say sưa, gây mất trật tự trong thôn xóm. Nước mắt nghẹn ngào nhưng nghe người dẫn chương trình hỏi: “Nếu cho em một điều ước, thì em ước điều gì và nếu như ai đó nhận em để giúp đỡ thì em muốn giúp đỡ cái gì?”, em liền trả lời: “Em có một điều ước duy nhất đó là có một người cha biết chăm lo cho con cái và em cần ai đó giúp đỡ về vật chất để có điều kiện đến trường”.
Sau nhiều ý kiến đóng góp chân tình cùng những lời bộc bạch tự nhận thiếu sót của học sinh và các bậc phụ huynh, ông Mai Xuân Khối - chuyên viên Phòng GDĐT TP.Tam Kỳ đã bày tỏ, mong muốn các em chăm ngoan, học giỏi dù ở bất cứ hoàn cảnh nào; cùng với gia đình, nhà trường và xã hội luôn quan tâm, dõi theo bước chân các em trong suốt quá trình học tập. Thầy giáo Trần Anh Hải - Hiệu trưởng trường THCS Thái Phiên nói: “Theo tôi, có 4 yếu tố để cấu thành nhân cách, đó là bẩm sinh, di truyền, môi trường giáo dục và yếu tố tự lực của bản thân. Nhưng ở đây yếu tố môi trường giáo dục và tự lực của bản thân học sinh là quan trọng nhất. Do vậy, ngoài việc nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em được tiếp cận với môi trường giáo dục lành mạnh, bản thân mỗi em cần phải ra sức thi đua học tập, lễ phép với thầy cô, kính trọng ông, bà, cha mẹ, thương yêu bạn bè, nêu cao ý thức bảo vệ tài sản, giữ gìn vệ sinh chung. Làm được như vậy các em đã trở thành những con ngoan, trò giỏi, nhà trường sẽ tự hào về các em”.
Để hướng học sinh đến chân - thiện - mỹ, thời gian qua trường THCS Thái Phiên đã tổ chức nhiều buổi tư vấn, kịp thời giúp đỡ những em chậm tiến. Trong đó có nhiều học sinh đã trở thành con ngoan, trò giỏi; nhưng vẫn còn không ít học sinh cố tình chây lười, quậy phá làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Chúng tôi xin mượn lời tâm sự của em Lê Thị Hạ Long - lớp trưởng lớp 9/3, Đội trưởng đội kỹ năng sống, học sinh giỏi 8 năm liền để kết thúc bài viết này: “Các bạn ơi! Quanh ta còn có biết bao sự thân thương, trìu mến, còn có biết bao người thương yêu chúng ta. Không ai ghét bỏ các bạn. Vậy, các bạn hãy cố lên để trở thành con ngoan, trò giỏi, đừng làm các bậc phụ huynh, thầy cô và những người đã dành tình cảm tốt đẹp cho chúng ta thất vọng!”.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC