Quy định mới về dạy thêm học thêm: Vẫn khó quản lý
Nhiều ý kiến của cán bộ quản lý trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, phòng GDĐT tỏ ra băn khoăn lẫn lo lắng về dự thảo quy định mới trong quản lý, tổ chức dạy thêm học thêm (DTHT) do Sở GDĐT soạn thảo.
Nguy cơ biến tướng
Còn nhiều ý kiến xung quanh vấn đề dạy thêm học thêm. Ảnh mang tính minh họa |
Thực hiện Thông tư 17 ngày 16.5.2012 của Bộ GDĐT quy định về DTHT, Sở GDĐT đã soạn thảo quy định về quản lý DTHT trên địa bàn tỉnh. Điểm khác biệt lớn và đáng kể nhất trong dự thảo lần này so với các quy định trước đây là giáo viên (GV) đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường do các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép mở. Thực tế cho thấy, GV tổ chức DTHT ngoài nhà trường (như tại nhà riêng) là tình trạng phổ biến và đây cũng chính là mầm mống nảy sinh nhiều tiêu cực mà dư luận xã hội lên án lâu nay. Vì vậy, có thể nói quy định không cho GV tổ chức dạy thêm tại nhà sẽ góp phần ngăn chặn hữu hiệu tiêu cực trong DTHT vốn gây bức xúc. Ngoài ra, quy định GV không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa cũng là một cách phòng chống tình trạng cắt xén chương trình trên lớp, gà bài trước hoặc ép học trò học thêm.
Theo Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Tấn Thắng, để có cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định mới về dạy thêm học thêm, sở tiến hành trưng cầu ý kiến của 7 loại đối tượng, gồm: lãnh đạo các cấp, đại biểu HĐND các cấp, công chức-viên chức nhà nước, học sinh lớp 12, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và phụ huynh học sinh. Nội dung trưng cầu ý kiến có 8 câu hỏi để trả lời, trong đó đáng chú ý như giải pháp nào để quản lý tốt DTHT, đối tượng học thêm, địa điểm tổ chức dạy thêm, mức thu - chi. |
Tuy nhiên, với những quy định này thì nhiều người lo ngại sẽ xuất hiện tình trạng “biến tướng”. Theo ông Bùi Tấn Nhã - Phó phòng GDĐT TP.Tam Kỳ, nếu cấm DTHT ở nhà thì GV sẽ chuyển sang dạy thêm với hình thức gia sư, dạy kèm và trên thực tế hiện nay đã có việc này. Vậy quản lý như thế nào, có cần quy định số lượng bao nhiêu học sinh hay không ? Ngay cả vấn đề quản lý cũng rất nan giải vì trên địa bàn TP.Tam Kỳ, ngoài GV tiểu học, THCS do thành phố quản lý còn có GV của nhiều địa phương khác sinh sống và GV bậc THPT. Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Giã - Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Tam Kỳ) cho rằng cần đưa hình thức gia sư, dạy kèm vào quy định để quản lý. “Không đưa vào quy định sẽ có 2 nghĩa, hoặc là cấm, hoặc là thả nổi. Thế nhưng một điều chắc chắn ai cũng biết, không thể cấm gia sư, dạy kèm vì nhu cầu cho con em học thêm của phụ huynh là có thật. Hiện nay không ít gia đình ở Tam Kỳ mỗi tháng chi hàng triệu đồng cho con học thêm” - ông Giã phân tích. Trước đó khi gửi cho các trường THPT, phòng GDĐT để tham khảo ý kiến, dự thảo có đề cập hình thức gia sư, dạy kèm nhưng trong dự thảo mới nhất trình bày tại hội thảo vừa qua, không hiểu sao hình thức dạy thêm này đã bị loại bỏ.
Một lớp phụ đạo học sinh yếu của trường THPT Thái Phiên (Thăng Bình). |
Bên cạnh những băn khoăn trên, một số ý kiến còn lo ngại, với việc không cho GV tổ chức dạy thêm tại nhà sẽ dẫn đến tình trạng rồi đây học sinh gia đình nghèo sẽ không được học thêm mà chỉ có những gia đình khá giả vì họ sẵn sàng chi ra hàng triệu đồng mỗi tháng để con em học thêm tại các lớp gia sư, dạy kèm. Như vậy, học trò nghèo sẽ chịu thiệt thòi trong việc bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng học tập.
Trường học “nói không”
Trong khi chờ đợi quy định mới về DTHT trên địa bàn tỉnh, Sở GDĐT vừa cho phép tổ chức dạy thêm cho học sinh lớp 12 có nhu cầu để giúp các em có điều kiện ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2013. Địa điểm tổ chức DTHT là tại các trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp. Mức thu do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, trong khung mức thu học phí được quy định tại Quyết định 3003 (ngày 20.9.2010) của UBND tỉnh về ban hành quy định mức thu và sử dụng học phí trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các trung tâm có trách nhiệm tổ chức triển khai cho học sinh đăng ký môn học, và bố trí đội ngũ GV giảng dạy phù hợp. |
Theo quy định trong dự thảo, sẽ có 2 loại hình DTHT. Thứ nhất là trong nhà trường (do các cơ sở giáo dục công lập như trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức), thứ hai là ngoài nhà trường (do các tổ chức, cá nhân đứng ra mở). Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường học cho biết họ không mặn mà với việc mở các lớp DTHT. Theo ông Trần Hữu Giã, muốn mở lớp DTHT đòi hỏi trường phải có phòng ốc nhưng hiện nay cơ sở vật chất của trường THPT Lê Quý Đôn chỉ có thể đáp ứng nhu cầu cho các buổi học chính khóa nên nếu muốn DTHT phải tổ chức vào ban đêm hoặc phải thuê phòng học của các trung tâm. Vì lẽ đó, nhà trường không có ý định mở lớp DTHT. Tương tự, theo ông Nguyễn Quang Trung - Hiệu trưởng trường THPT Núi Thành, mở lớp DTHT vào ban đêm sẽ khiến nhà trường đối diện với rất nhiều vấn đề phức tạp. Chẳng hạn, học trò đi học xa ban đêm lỡ có tai nạn giao thông hay chuyện gì xảy ra thì ai chịu trách nhiệm, rồi việc quản lý, kiểm tra? Nói chung, tổ chức DTHT trong nhà trường là vấn đề nan giải chưa có câu trả lời.
Một số hiệu trưởng còn bày tỏ, nếu tổ chức DTHT tại trường thì cũng đồng nghĩa với việc tự nhiên mình lại… làm khổ cho bản thân, bởi thay vì ở nhà nghỉ ngơi thì hàng đêm lại phải đến trường để quản lý DTHT. Ngoài ra, còn phải giải quyết biết bao nhiêu công việc nảy sinh từ hoạt động này như xếp thời khóa biểu, phân công GV giảng dạy, quản lý tài chính, tài sản của trường, quản lý học trò. Do đó, hiệu trưởng một trường THPT khẳng định: “Chúng tôi nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, cố gắng duy trì các lớp phụ đạo để nâng cao kiến thức cho các em học sinh yếu kém. Còn việc mở lớp DTHT như quy định thì chắc chắn là không”.
Quy định mới về DTHT là nhằm quản lý tốt hơn hoạt động này để nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục các biểu hiện tiêu cực. Nhưng có thể thấy, những quy định mới này đã gây băn khoăn và lo lắng cho nhiều người. Và nói gì thì nói, quy định chặt chẽ nhưng nếu thiếu sự quản lý, kiểm tra, giám sát từ các cơ quan chức năng, thiếu lòng tự trọng của GV thì tình trạng tràn lan, tiêu cực và biến tướng trong DTHT sẽ vẫn không thể ngăn chặn.
XUÂN PHÚ