Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng: Tiền hậu bất nhất
Kiểm kê, tính giá bồi thường, hỗ trợ (BTHT) ban đầu là 4,4 tỷ đồng; đến khi thẩm định, thông báo giá BTHT chính thức chỉ còn gần 2,1 tỷ đồng! Sự chênh lệch quá lớn này khiến người dân bức xúc.
Ông Trương Công Thảy không đồng tình với cách áp giá BTHT cây trồng của cơ quan chức năng. |
Chênh lệch sau - trước
Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, ông Trương Công Thảy (trú tại thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ) cho biết, dự án mở rộng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh thu hồi của gia đình ông 2.375m2 đất thổ cư (trong đó có 300m2 đất ở) đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997 và 3.625m2 đất trồng cây lâu năm. Ngoài ra, hộ ông Thảy còn trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả trong vườn và khu vực núi Cấm với tổng diện tích gần 5ha. Sau khi kiểm kê, đo đếm lần đầu, Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) TP.Tam Kỳ (cơ quan thực hiện việc lập phương án và chi trả BTHT) niêm yết công khai phương án BTHT để nhân dân và các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng theo dõi. Trong đó, ngày 6.4.2012, Trung tâm PTQĐ TP.Tam Kỳ ra Thông báo số 247/TB-PTQĐ niêm yết trường hợp của hộ ông Trương Công Thảy - bà Trần Thị Tuyết (vợ ông Thảy) với tổng số tiền BTHT hơn 4,4 tỷ đồng (gồm BT nhà cửa, đất đai, vật kiến trúc, cây trồng và hỗ trợ khác). Tuy nhiên, đến ngày 3.12.2012, cơ quan này lại tiếp tục có Thông báo số 1061/TB-PTQĐ kèm theo bảng niêm yết tính giá BTHT hộ ông Thảy giảm xuống chỉ còn gần 2,1 tỷ đồng?!
Ông Thảy bức xúc: “Nhìn niêm yết số tiền BTHT giảm hơn một nửa, tôi như không tin vào mắt mình, cứ nghĩ do cơ quan đền bù nhầm lẫn nhưng sau mới biết là sự thật. Thắc mắc thì được giải thích rằng giá trị BTHT của thông báo sau là áp giá theo mật độ cây trồng, chứ không theo hiện trạng như trước đó”. Theo lời ông Thảy, gia đình thống nhất với cách BT về đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc, nhưng không đồng tình với cách áp giá cảm tính về cây trồng.
Đâu là nguyên nhân?
Vì sao có sự chênh lệch lớn trong áp giá BTHT với hộ ông Thảy? Theo hồ sơ, giấy tờ có liên quan, giá trị bồi thường của nhiều loại cây trồng trên các thửa đất đã bị hạ xuống nhiều lần. Cụ thể, tất cả cây trồng tại thửa 18, ban đầu áp giá niêm yết hơn 1,2 tỷ đồng, nhưng lần sau chỉ còn hơn 504 triệu đồng. Tại thửa số 17, toàn cây ăn quả trên diện tích hơn 2.131m2 đất niêm yết 676 triệu đồng, sau xuống còn 237 triệu đồng. Tại thửa 20, vườn ông Thảy có 2.700 cây chanh (gồm 1.450 cây chanh đã ra quả và 1.250 cây chanh chưa ra quả), lúc đầu bồi thường gần 290 triệu đồng. Thế nhưng, khi áp giá lần sau, cơ quan lập phương án bồi thường “xé lẻ” 1.450 cây chanh đã ra quả thành 2 loại để bồi thường và hỗ trợ. Trong số 1.450 cây chanh đã ra quả chỉ có 305 cây (mỗi cây giá 168 nghìn đồng) được bồi thường đúng quy định, còn lại tính hỗ trợ 20% giá trị mỗi cây. Tương tự, nhiều loại cây ăn quả có giá trị cao khác như mít, đào, ổi... cũng chuyển từ hình thức bồi thường sang hỗ trợ 30% giá trị mỗi cây. So sánh số liệu lúc áp giá ban đầu bồi thường và sau khi thẩm tra, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã bị chuyển từ hình thức bồi thường sang hỗ trợ, trong khi đó nhiều loại cây giá trị thấp thì bồi thường 100%.
Ngày 30.11.2102, Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - Trần Nam Hưng ký quyết định (số 6320) phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, công trình mở rộng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh tại địa bàn xã Tam Phú và phường An Phú với tổng kinh phí dự toán gần 5,2 tỷ đồng. Trung tâm PTQĐ TP.Tam Kỳ thực hiện chi trả BT trên cơ sở phương án được duyệt. |
Ông Lê Văn Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm PTQĐ TP.Tam Kỳ cho biết: “Khi có quyết định thu hồi đất, nguyên tắc đầu tiên là lên phương án tổng thể, kê khai kiểm đếm theo hiện trạng. Sau đó, thông báo niêm yết danh sách công khai để dân kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, khi lên phương án chi tiết phải thẩm định lại và thấy mật độ cây trồng của hộ ông Thảy quá dày, buộc chúng tôi phải điều chỉnh và áp dụng cụ thể theo Quyết định 23/QĐ-UBND ngày 30.9.2010 của UBND tỉnh”. Theo ông Tâm, việc niêm yết lần đầu chỉ mang tính dự thảo, quyết định cuối cùng là của Hội đồng thẩm định phương án BT thiệt hại thành phố. Tuy nhiên, ông Tâm cũng thừa nhận sai sót khi thời điểm đầu đưa giá BT chưa phù hợp với Quyết định số 23 ngày 30.9.2010 của UBND tỉnh. Ông cũng giải thích rằng, việc giá trị BTHT chênh nhau khá lớn là do ban đầu tính theo hiện trạng, sau điều chỉnh tính theo mật độ cây trồng (?).
Về chuyện vì sao cây giá trị cao thì hỗ trợ, cây giá trị thấp lại bồi thường, ông Tâm cho hay, do phải xác định cây trồng nào là chủ lực trên diện tích đó. Vậy nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, trên đất ông Thảy có nhiều chủng loại cây trồng khác nhau, một số thửa có cây trồng chủ lực với số lượng lớn nhưng vẫn nhập nhằng giữa định giá bồi thường và hỗ trợ.
Việc tính toán áp giá BTHT đối với hộ ông Trương Công Thảy lúc đầu hơn 4,4 tỷ đồng sau hạ xuống còn gần 2,1 tỷ đồng, dù chưa thể xác định cách tính nào là đúng so với quy định của pháp luật; song rõ ràng, đây là điều khó có thể chấp nhận và đương nhiên sẽ khiến người dân nghi ngờ. Thiết nghĩ, Trung tâm PTQĐ TP. Tam Kỳ cần có sự giải thích rõ ràng, cụ thể về vấn đề này.
TRẦN HỮU