Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Cần xem xét miễn nhiệm ngay khi không tín nhiệm
Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ hàng năm, kể từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.
Vấn đề được đặt ra trong quá trình xây dựng Nghị quyết hướng dẫn là việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ tiến hành ngay tại kỳ họp sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm hay được thực hiện tại kỳ họp tiếp theo của Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân?
Tương tự, những người qua bỏ phiếu tín nhiệm mà không được quá nửa tổng số đại biểu tín nhiệm thì có đưa ra bỏ phiếu miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức ngay tại kỳ họp hay chờ đến kỳ họp kế tiếp?
Thường trực Ủy ban Pháp luật thiên về phương án xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức tại kỳ họp tiếp theo. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần tiến hành xem xét, quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc cách chức người giữ chức vụ ngay tại kỳ họp khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bỏ phiếu “không tín nhiệm”.
Dự kiến, Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 35/2012/QH13 sẽ được thông qua trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII khoảng 2 - 3 tháng.
L.V