Nhặt chuyện ở Trà Mai
Trong khi chồng đi xuất khẩu lao động, những người vợ ở nhà dù phải một mình nuôi con, vẫn cố gắng làm kinh tế, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và tham gia tốt các hoạt động xã hội.
Chị Ngân (đứng) và chị Thi luôn san sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. |
Đường sá bây giờ đã thuận lợi hơn, muốn đến Trà Mai không mấy khó. Đến xã, chỉ cần đi bộ theo trục đường chính đã có thể vào từng xóm, thôn. Chị Trịnh Thị Sáu - Chủ tịch Hội LHPN xã cho hay, phụ nữ ở đây bây giờ vừa làm kinh tế, vừa hăng hái tham gia sinh hoạt hội rất sôi nổi. Nhiều chi, tổ thành lập được câu lạc bộ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, hình thành mô hình trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả. Họ không còn quan niệm “tự cung tự cấp” như ngày xưa mà đã biết cách giao thương buôn bán để tạo thu nhập cho gia đình. Chị Sáu còn cho biết, ở Trà Mai có nhiều phụ nữ chồng đi xuất khẩu lao động, ở nhà vừa phải chăm lo cho con cái, vừa làm kinh tế tăng thu nhập.
Nhà chị Nguyễn Thị Ngân ở gần nhà văn hóa của thôn 1. Chồng đi xuất khẩu lao động, một mình chị vừa chăm con nhỏ, quán xuyến việc nhà, vừa làm kinh tế. Thấy Ngân bận rộn vừa làm cha, vừa làm mẹ lại ham việc nên bà con trong vùng ai cũng thương. Ngân tuổi chỉ mới 22, lúc buồn lại ước ao có hơi ấm của chồng, có chồng đỡ đần những chuyện lớn nhỏ trong nhà. Nhiều trai làng ngấp nghé xin được thương Ngân, cùng chăm lo cho gia đình nhưng chị lắc đầu bảo cái bụng chỉ thương chồng và quyết đợi anh về. Ngày chồng đi xuất khẩu lao động sang Malaysia, con trai chỉ mới 3 tháng tuổi, nhưng chuyện nhà Ngân đều chu toàn. Nay chị cũng đã sắm được xe máy, ti vi; cu Ty con chị đã biết gọi cả tên ba, tên mẹ. Hồi trước, chồng chị không biết nuôi vợ con bằng công việc chi nên đành đi xuất khẩu lao động. Vợ chồng làm liều vay tiền ngân hàng để anh được sang Malaysia làm việc. Cũng may, sau mấy tháng anh đã gửi tiền về trả hết nợ. Bây giờ đã có tiền để dành, đợi khi anh về có vốn liếng làm ăn.
Chị Vũ Thị Thi (32 tuổi) cũng có chồng đi lao động ở Malaysia đã hơn 2 năm. Một mình lo cho 2 con nhỏ đến tuổi đi học, chị vừa phải phát rẫy trồng lúa, nấu rượu, nuôi heo. Rồi chị còn nuôi gà mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa gần cả 100 con. Bây giờ chị đã làm được nhà ngói khang trang, đầy đủ tiện nghi như nhà chị Ngân. Chị Thi khoe với chúng tôi những hình ảnh của chồng ở nước ngoài gửi về, bảo: “Ở bên đó anh vất vả làm việc thì mình ở nhà cũng phải sống sao cho tốt, chăm lo con cái gia đình chu đáo để anh yên cái bụng, làm việc tốt hơn”.
Hôm tôi đến, đúng lúc các chị tổ chức sinh hoạt nhóm “Gia đình hạnh phúc”. Đây là mô hình tự phát của tổ phụ nữ thôn. Các chị cho biết, thấy phụ nữ ở đồng bằng sinh hoạt mô hình này hiệu quả nên về làm theo. Đây cũng là cách để các chị chia sẻ những khó khăn khi trong nhà thiếu vắng bóng dáng của người chồng. Chị Nguyễn Hồng Tiên - nhóm trưởng cho hay, cả thôn có gần 20 người đi lao động ở nước ngoài. Đời sống của chị em đều rất khó khăn, nhưng họ rất ham làm, biết chăm lo cho gia đình.
Năm 2007, một chương trình dạy nghề mây tre đan dành cho các chị được tổ chức tại Núi Thành. Có hơn 40 người “khăn gói” đi học suốt 4 tháng liền. Sau khi thạo việc, họ trở về nhưng không thể theo nghề vì không có cơ sở để làm, không có đầu ra cho sản phẩm. Hiện có rất nhiều chị theo học nghề may do huyện tổ chức. Họ vẫn luôn mong mỏi sẽ tìm được cái nghề ổn định để nuôi sống gia đình. Mỗi ngày họ đều cố gắng và chưa bao giờ biết mệt mỏi. Thiếu người đàn ông trụ cột trong nhà nhưng các chị vẫn cho từng rẫy lúa mỗi mùa luôn xanh, khoai bắp đầy chum, chăm con đợi chồng...
HOÀNG TÂN