Trùng tu di tích thuộc sở hữu tư nhân tại Hội An: Nhiều trở ngại

12/12/2012 22:19

Hàng chục di tích, nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân tại Hội An đang xuống cấp đến mức báo động và có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, công tác trùng tu, tôn tạo vẫn còn “lấn cấn” vì nhiều lý do.

alt
Gia cố hệ mái âm dương nhà cổ.Ảnh: QUỐC HẢI

Có tiền nhưng chưa thể giải ngân

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, Hội An hiện có 15 di tích nhà cổ đang bị xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Các nhà cổ trên thuộc dự án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sập đổ trong phố cổ giai đoạn 2005 - 2012” được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, các nhà cổ này của tư nhân, do nhiều cá nhân cùng làm chủ nên nảy sinh rắc rối trong việc xác định cụ thể tên chủ sở hữu. Vì vậy, đến thời điểm này công tác trùng tu, tu bổ các di tích nhà cổ trên chưa được triển khai theo kế hoạch, nguồn kinh phí vẫn chưa được giải ngân. “Có 3 cơ chế hỗ trợ được đưa ra tùy vào giá trị của mỗi di tích nhà cổ: hỗ trợ từ 40 - 70%; hỗ trợ và cho vay 15%, không tính lãi 3 năm đầu; hỗ trợ và cho vay 100% không tính lãi 3 năm đầu. Tuy nhiên, các cơ chế trên đều không thực hiện được do chủ sở hữu không đủ điều kiện đóng góp thực hiện tu bổ hoặc không xác lập được chủ sở hữu để đứng ra vay tiền” - ông Trung nói. Cũng theo ông Trung, qua đợt khảo sát mới đây, đơn vị phát hiện thêm 19 di tích nhà cổ trên đà xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ và trung tâm đang lập dự án tu bổ.

Không được bán nhà cổ trong vòng 10 năm khi tham gia dự án tu bổ
UBND TP.Hội An cũng đã đưa ra yêu cầu không được bán, chuyển nhượng nhà cổ Hội An trong 10 năm đối với các chủ di tích nếu muốn tham gia dự án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong phố cổ”. Ngoài kinh phí hỗ trợ 40 - 70% tùy theo giá trị bảo tồn, chủ di tích sẽ được vay lãi suất 0% đối với phần kinh phí mà họ phải đóng góp (để đủ kinh phí tu bổ một di tích), thời hạn trả vốn không xác định. Tuy nhiên, thành phố đưa ra điều kiện chủ di tích không được bán, chuyển nhượng di tích trong vòng 10 năm kể từ khi vay vốn. Sau 10 năm, chấm dứt hợp đồng vay vốn, chủ di tích sẽ được Nhà nước hỗ trợ toàn phần kinh phí tu bổ di tích. Ngược lại, nếu vi phạm quy định bán, chuyển nhượng, chủ di tích phải hoàn trả vốn và lãi suất vay trước thời hạn. (L.V)

Hầu hết di tích nhà cổ ở Hội An thuộc sở hữu của nhiều cá nhân nên không ai chịu đứng tên để vay kinh phí tu bổ, bởi ai đứng tên vay thì người đó phải có trách nhiệm trả nợ vay sau này. Do đó, UBND TP.Hội An đã quyết liệt hơn trong công tác tu bổ đối với 15 di tích nhà cổ thuộc dự án đầu tư tu bổ bằng “tối hậu thư”: “Di tích nhà cổ nào không đảm bảo an toàn, không cho khai thác kinh doanh dịch vụ du lịch”. Nhờ biện pháp này, có 5 trường hợp đã đồng ý phối hợp tu bổ vào năm tới. “Đối với 10 nhà cổ còn lại, chúng tôi sẽ thực hiện theo Luật Di sản. Nhà nước sẽ đứng ra tu bổ, tạm thời quản lý, rồi xác định cụ thể chủ sở hữu của di tích để có hướng tiến hành thu hồi vốn đầu tư tu bổ” - ông Trung cho biết.

Khó, do tranh chấp

Từ nhiều năm nay, vẫn tồn tại vụ việc tranh chấp quyền sở hữu khiến công tác quản lý, trùng tu, bảo vệ di tích gặp nhiều khó khăn. Như vụ hộ ông Hứa Văn Lộc (SN 1960, ở 76/9 Trần Phú, phường Minh An) gửi đơn khiếu nại đến nhiều cấp thẩm quyền với nội dung liên quan công tác quản lý, trùng tu, bảo vệ di tích miếu Âm Hồn nằm bên cạnh nhà ông. Miếu Âm Hồn là di tích loại đặc biệt đã được khoanh vùng bảo vệ từ năm 1992. Trong đơn ông Lộc khẳng định mình chính là chủ sở hữu của di tích miếu và đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết tình trạng lấn chiếm di tích của các hộ lân cận; quan tâm hỗ trợ kinh phí tu bổ, khắc phục tình trạng xuống cấp của di tích. Việc khiếu nại của ông Lộc chưa được các cơ quan chức năng tập trung giải quyết dứt điểm dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài tại địa phương. Trong khi đó, các hộ dân sống xung quanh không ngừng có những hành vi xâm hại đến di tích này như cơi nới nhà cửa lấn chiếm khuôn viên, phơi phóng áo quần gây mất mỹ quan, phản cảm. Bản thân hộ ông Lộc cũng bảo quản các đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, dụng cụ lao động tại khu nội thất chính điện khiến di tích trở nên nhếch nhác, mất đi vẻ thâm nghiêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND phường Minh An cho hay: “Các hộ dân sống xung quanh di tích từ trước năm 1975 nên rất khó xử lý di dời. Chủ trương của thành phố là di dời các hộ lân cận để trả lại không gian cho di tích. Tuy nhiên, chỉ mới di dời được 3 hộ, còn lại 5 hộ vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm”. Ông Lê Quang Trung cũng chia sẻ, chức năng quản lý di tích thuộc về Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, phường chỉ phối hợp chấn chỉnh, giải quyết những hành vi làm sai lệch, biến dạng hiện trạng của di tích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Trung khẳng định, việc tranh chấp của hộ ông Hứa Văn Lộc là do ngộ nhận, không có cơ sở. Vì trước kia cha của ông Lộc chỉ được dân làng Minh Hương (cũ) giao nhiệm vụ trông coi, hương khói cho miếu. TP.Hội An đã có cơ chế hỗ trợ di dời hợp lý, tuy nhiên hộ ông Lộc không chấp nhận và muốn được giao quyền sở hữu di tích. “Thời gian đến, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng trên để giải cứu di tích, triển khai công tác trùng tu, tôn tạo, trả lại nét trang nghiêm cho di tích này” - ông Nguyễn Chí Trung nói.

H.GIANG - M.HẢI