An ninh con người ở Đông Nam Á
(QNO) - Hội nghị chuyên đề về An ninh con người ở Đông Nam Á do các trường Đại học khu vực liên kết tổ chức, diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 10 - 13.12) tại Brunei nhằm tìm nguyên nhân, cách phòng tránh những rủi ro trong vấn đề về an ninh con người nhận được nhiều quan tâm của các chính phủ và người dân trong khu vực.
Đô thị hóa gia tăng nhanh là một trong những thách thức lớn đối với an ninh con người ở Đông Nam Á. Ảnh: development.com. |
Ngay trong “Báo cáo phát triển con người” năm 1994 của Liên hợp quốc đã khái niệm rằng, an ninh con người có hai khía cạnh chính. Đó là vấn đề an toàn trước các mối đe dọa đói khát, bệnh tật và áp bức. Con người được bảo vệ trước những biến động bất thường và có hại đối với cuộc sống hằng ngày - bất luận ở trong gia đình, nơi công sở hay ở cộng đồng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc lúc bấy giờ, ông Kofi Annan đã nhấn mạnh an ninh con người không tách rời hòa bình, an ninh và phát triển của từng nước cũng như cho toàn cầu nói chung. Nó không chỉ đơn giản là tình trạng không có xung đột bạo lực mà còn bao gồm nhân quyền, quản lý nhà nước tốt, cơ hội tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo đảm mỗi cá nhân có cơ hội phát huy năng lực.
Đứng trước nhiều thách thức của khu vực đối với vấn đề an ninh con người, hội nghị chuyên đề lần này với chủ đề “An ninh con người ở Đông Nam Á: Nguyên nhân, hao tổn và thách thức” xoay quanh các vấn đề trọng tâm về an ninh lương thực, nguồn nước, tệ nạn buôn bán người bất hợp pháp, truyền thông công chúng, giáo dục, gia tăng dân số và giải quyết các xung đột… Đại biểu tham dự gồm giáo sư, tiến sĩ của các trường Đại học khu vực đều nhận xét chung rằng, nhiều thách thức đã và đang xảy ra trong khu vực gây tổn hại rất lớn mà nguyên nhân chính được xem là bắt nguồn từ các hoạt động và quyết định của con người.
Ví như, siêu bão Bopha vừa càn quét qua đảo Mindanao của Philippines làm hơn 750 người thiệt mạng mà một trong những nguyên nhân chính là do các hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp và phá rừng tại đây. Trưởng ngành an ninh dân sự Philippines, ông Benito Ramos đã nói: “Từ hàng thế kỷ nay, đồi núi dần dần bị trọc hóa do đào xới, trong số đó đa số là những thợ mỏ. Tôi lấy làm không vui khi nói đều này, nhưng đó là sự thật”. Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguồn nước sạch hiện nay không chỉ xảy ra trong khu vực mà diễn biến rất nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới bắt nguồn từ gia tăng dân số, các hoạt động của công nghiệp và đô thị hóa ồ ạt. Thực tế cũng cho thấy, mặc dù khoa học đã tiến bộ hơn nhiều so với trước đây nhưng dịch bệnh vẫn tiếp diễn ở người, gia súc, cây trồng… tại khu vực do sự yếu kém trong công tác phòng dịch, sự thiếu trách nhiệm đối với sức khỏe con người.
Có thể nói, chúng ta đang sống trong thời đại với nhiều tiến bộ ở các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y học… Thế nhưng, những thách thức cho an ninh con người ở Đông Nam Á vẫn còn là hệ lụy lâu dài. Vì vậy, hội nghị chuyên đề lần này được xem là dịp nhằm kêu gọi sự hành động quyết tâm của các chính phủ, của người dân trong khu vực nhằm hạn chế tối thiểu những thiệt hại trước thách thức lớn đang diễn ra. Qua đó, cuộc sống con người trong khu vực ngày được đảm bảo, phát triển bền vững mọi mặt từ an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội và môi trường.
NAM VIỆT