Triển khai các phương án điều tiết nước hiệu quả để phục vụ sản xuất đông xuân
(QNO) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang vừa có buổi làm việc với Cục Điều tiết Điện lực (trực thuộc Bộ Công thương) và lãnh đạo một số nhà máy thủy điện trên địa bàn Quảng Nam để tìm giải pháp chống hạn trong thời gian tới.
Cần khẩn trương lên phương án lắp đặt các trạm bơm dã chiến để lấy nước từ những ao hồ phục vụ nông dân đổ ải gieo sạ. |
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, từ đầu tháng 9 dương lịch đến nay, lưu lượng nước trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đã xuống mức thấp kỷ lục. Hiện nay, chỉ có 20 trong tổng số 73 hồ chứa lớn nhỏ là tích đầy nước, còn lại đa số có mực nước ít hơn cùng kỳ năm ngoái nhiều lần. Đặc biệt, theo báo cáo của lãnh đạo các nhà máy thủy điện như Sông Tranh 2, Đắc Mik 4, A Vương, Sông Côn thì thời gian qua mực nước về các hồ chứa rất thấp, hiện mức nước dâng tại các hồ chứa thủy điện vừa nêu cũng chỉ cao hơn mực nước chết khoảng 10 mét. Riêng tại thủy điện Sông Tranh 2, nước về hồ chừng nào thì phát điện chừng đó, luôn giữ ở mực nước chết là 140 mét...
Nhận định tình hình thời tiết trong thời gian tới sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp, sau khi thống nhất với đại diện Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và lãnh đạo các nhà máy thủy điện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh: “Để công tác phòng chống hạn mang lại hiệu quả cao, ngay từ bây giờ các đơn vị liên quan phải nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó Sở NN&PTNT cần khẩn trương phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực trực thuộc Bộ Công thương tính toán một cách cụ thể lưu lượng nước về các hồ và lượng nước cần thiết đủ để đổ ải phục vụ việc gieo sạ lúa cũng như xuống giống các loại cây trồng cạn trong vụ đông xuân 2012-2013 sắp tới”.
Vụ đông xuân tới, chắc chắn nhiều diện tích lúa sẽ lại bị khô hạn nghiêm trọng. |
Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang cũng yêu cầu chính quyền 18 huyện, thành phố và các đơn vị điều tiết nước trên địa bàn tỉnh nhanh chóng xây dựng bài bản những giải pháp thiết thực, linh hoạt để lấy được lượng nước lớn nhất có thể nhằm chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng lãng phí nguồn nước khi các nhà máy thủy điện tiến hành xả về qua các con sông. Đặc biệt, Sở NN&PTNT tỉnh phải tập trung rà soát, sớm thiết lập phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng không chủ động nước tưới. Đồng thời, giao Chi cục Thủy lợi Quảng Nam lên kế hoạch huy động nhân lực, vật tư, thiết bị... tiến hành lắp đặt các trạm bơm dã chiến, bơm chuyền, đắp đập bổi để lấy nước hiệu quả nhất.
Trong cuộc họp này, lãnh đạo các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam cũng đã thống nhất tiến hành xả nước phục vụ nông dân đổ ải gieo sạ từ ngày 20.12.2012 đến 10.1.2013.
Tin, ảnh: Văn Sự