Khắc khoải sông Tranh
Tìm về núi rừng Trà My, lần này tôi dặn lòng thật tĩnh tại. Già làng Hồ Văn Dúi như nhận ra điều ấy, vui vẻ bảo: “Bố hiểu rồi, nhà báo muốn đi tả cảnh, tả hồi núi rừng Trà My còn đồn Trà Đốc, hồi đánh Mỹ, hồi trước nữa...”. Nhưng làm sao tìm lại được nguyên vẹn rừng núi và cuộc sống thanh bình ngày cũ?
Theo chân già Dúi, tôi đến thăm nhiều hộ dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 tại xã Trà Đốc. Một khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Nhà dân tái định cư chỉ sau vài năm xây dựng đã như “phế tích”, cửa đóng then cài. Tôi có cảm giác núi rừng Trà My mùa này lau lách trổ bông bạc trắng cả triền đồi. Từ khu tái định cư 3A Trà Đốc nhìn về phía đại ngàn, chỉ thấy trơ ra những mỏm đồi bát úp bị “cạo” nhẵn cây cối. Người dân nơi đây bảo, từ xưa đến nay họ mới thấy lau lách đồng loạt dồn hết mình cho sự sống đến vậy, nở bung, nhưng buồn.
Lau lách bạc trắng rừng núi Trà My. Ảnh: V.V.T |
Những khóm lau lách mang nỗi niềm con người nở tràn cả lên lối đường, lấn sâu vào sân nhà các khu tái định cư. Chúng tôi tự hỏi đâu rồi cuộc sống đầm ấm của những bản làng ngày xưa nơi vùng đất được mệnh danh “cao sơn ngọc quế”? Đâu rồi nơi con sông Tranh thơ mộng từ đỉnh Ngọc Linh về xuôi vẽ nét cọ mềm mại vào bức tranh sơn thủy hữu tình?...
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, chuyện nhường đất cho công trình thủy điện để về nơi tái định cư là điều làm nảy sinh nhiều khó khăn cho đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Song, khó hơn cả chính là tình trạng họ không thể sống trong những căn nhà đóng kín bằng bốn bức tường ngột ngạt như ở phố. Có tay mà như đành chịu trói, bởi thiếu nước để uống, thiếu đất để sản xuất, không còn sông suối để bắt con ốc, con cá… Chẳng còn đường nào khác, người dân đành bỏ nhà tái định cư quay về nơi ở cũ sinh sống. Nhưng nơi ở cũ cũng đã bị nước lòng hồ thủy điện dâng ngập, họ phải vào rừng sâu chọc tỉa, săn bắt để tìm cái ăn. Bất đắc dĩ, những cánh rừng nguyên sinh từng là nơi che chở nuôi nấng đồng bào bao đời nay bắt đầu bị xâm hại để lấy đất sản xuất. Trước mắt, chỉ thấy rừng núi Trà My khu vực chung quanh thủy điện Sông Tranh 2 và cả một vùng rộng lớn phía đầu nguồn sông Tranh bị cạo trọc nham nhở, nhiều vùng lõi vốn là những cánh rừng thiêng không ai dám chặt đốt giờ cũng bị phá trơ trọi.
Thiếu nữ Ca Dong lên rẫy. |
Kể từ sau sự cố thân chính đập thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ rồi liên tiếp các trận động đất, cuộc sống người dân luôn xáo trộn. Về đêm, nỗi sợ hãi như len lỏi vào từng góc nhà, xó bếp. Từ người lớn đến lũ trẻ đều nơm nớp nghĩ về sự bất an ở đâu đó bất thình lình đổ ập lên đầu họ. Người dân sợ động đất đến nỗi dù đã có nhà xây vẫn làm thêm bên cạnh một nhà sàn nhà bằng tranh tre nứa lá để “né” động đất, bởi nhà xây rất nguy hiểm khi bị rung lắc. Gia đình ông Hồ Văn Xanh ở thôn 3, Trà Đốc vừa dựng xong ngôi nhà sàn đơn sơ, rộng chừng 2m, dài 2,5m. Bếp lửa nhỏ giữa nhà, phía trên là giàn sấy thóc. Tối đến, cả gia đình ông kéo ra nhà sàn ngủ. Không riêng ông Xanh, nhiều hộ dân khác ở đây cũng sống trong cảnh hết sức tạm bợ.
Giao thêm đất cho hộ dân tái định cư UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Bắc Trà My sớm giao thêm 1.319 ha đất cho các hộ dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 tại xã Trà Bui, gồm 832ha thuộc lâm phận và 487ha vùng phụ cận ngoài lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh. Đây là giải pháp mới giúp giải tỏa nỗi lo ngày có nhiều hộ dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 ở các xã Trà Giác, Trà Đốc, Trà Bui rời bỏ khu tái định cư, trở lại nơi ở cũ do thiếu đất sản xuất và các điều kiện sinh hoạt khác. Trong lần giao đất này, UBND tỉnh cũng yêu cầu các ban ngành liên quan phải phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh giám sát chặt chẽ không để xảy ra khai thác tận dụng gỗ khi chưa cho phép, hoặc lợi dụng tình trạng tận dụng cây gỗ rải rác để xâm hại rừng tự nhiên trong khu vực…(P.V) |
Sau một ngày lội rừng, tôi đã có được một buổi sáng thong dong bơi thuyền trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Từ đây, phóng tầm mắt ra chung quanh mới cảm nhận được sự biến cải dữ dội của tự nhiên bởi bàn tay con người gây ra. Do ở thời điểm thủy điện Sông Tranh 2 chưa được phép tích nước nên những cánh rừng đầu nguồn, làng mạc chìm nghỉm trong nước giờ lộ ra, trông thật xơ xác. Những thân cây to lớn chết trơ. Cùng đi trên thuyền, ông Huỳnh Tấn Sâm - nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, người từng ưu tư về thủy điện đầu nguồn các sông lớn Quảng Nam - chưa thôi trăn trở. Theo ông Sâm, phát triển vùng miền núi có những đặc thù và con người không nên can thiệp thô bạo nếu chưa có những nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học. Rừng núi mất đi, hệ sinh thái của dòng sông đã không còn nguyên vẹn. Nếu trên đập thủy điện là biển hồ lai láng phủ ngập rừng núi, thì bên dưới thân đập con sông Tranh thơ mộng của rừng núi Trà My ngày nào trở thành con sông chết. Từ “rừng che bộ đội rừng vây quân thù” đến rau dớn, cá niên, ốc đá - nguồn lương thực nuôi sống bộ đội ta những năm chống Mỹ nơi Khu ủy Khu V đặt đại bản doanh, cũng là món “đặc sản” của miền tây xứ Quảng - giờ cũng chỉ còn trong ký ức.
Mong ước “trở lại ngày xưa” đang hiển hiện nơi nhiều người dân Bắc Trà My, Nam Trà My về những ngày cánh rừng đại ngàn khi chưa bị tàn phá. Đó là con suối mang nhạc rừng len lỏi báo tin vui. Đó là những thác nước trắng xóa vỡ òa niềm riêng khi bật ra giữa ghềnh đá. Đó là những bản làng đầm ấm bên bếp lửa hồng trong đêm ở bản nhỏ cháy lên để thức với tiếng suối cần mẫn rót vào đêm âm vọng biên thùy. Đó là tình yêu trai gái trao nhau để mùa màng mẩy thêm hạt lúa, nặng thêm củ mì. Đó là mỗi năm xuân về, núi rừng như được tiếp thêm sinh khí cho những niềm tin vĩnh hằng mà con người nhận ra bên những lộc non chồi biếc, bên những cánh rừng và con sông đã gắn bó với họ tự nghìn đời. Còn bây giờ… Ơi con sông Tranh mến thương, chỉ còn trong nỗi nhớ.
VÕ VĂN TRƯỜNG