Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV

07/12/2012 01:58

Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức chọn chủ đề chung cho các chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Geting to zero”...

alt
Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Trần Văn Kiệm. Ảnh: A.T

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam nhân Tháng hành động phòng chống HIV/AIDS, ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS giải thích, chủ  đề chung của toàn cầu  hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Tầm nhìn “Ba không” đã được Tổng Thư ký Liên hiệp quốc công bố chính thức tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về HIV/AIDS tháng 6.2011.

Đã 30 năm đương đầu với HIV/AIDS cùng nhiều thành tựu đạt được trong việc phòng, chống; tuy nhiên, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS tồn tại khá phổ biến tại tất cả quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia vẫn còn quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú hoặc tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS... Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS cũng như các rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động… đã được pháp luật các quốc gia quy định.

- Cùng với chủ đề của toàn cầu, nhân Tháng quốc gia phòng chống HIV/AIDS, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra những mục tiêu cụ thể nào trong công tác này, thưa ông?

Ông Trần Văn Kiệm: Trên cơ sở tầm nhìn trên của Liên hiệp quốc, hằng năm các quốc gia, tùy theo tình hình dịch HIV/AIDS và thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS có thể lựa chọn các ưu tiên khác nhau để hướng tới mục tiêu “Ba không” nói trên. Việt Nam đã chính thức chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2012: “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.

Bởi lẽ, dịch bệnh HIV/AIDS ở Việt Nam tuy đã kìm chế ở mức độ thấp, số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục trong 4 năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ bền vững. Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan với một số xu hướng thay đổi đáng lưu ý như tỷ lệ lây nhiễm HIV trong quan hệ tình dục đã vượt tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường máu, sự gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai… Một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao… Điều đó có nghĩa là, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn. Do vậy kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn tiếp tục là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

alt
Chăm sóc người bị nhiễm HIV.

Tại Quảng Nam, mục tiêu của phòng chống HIV/AIDS có 5 nội dung cụ thể: Thu hút sự quan tâm và tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS. Tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS và “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Tiếp tục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và tăng cường quảng bá các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ thay đổi hành vi, thực hiện hành vi an toàn tự phòng tránh lây nhiễm HIV đến mọi người dân. Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội. Qua đó, hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Ông có thể nói rõ thể thêm về những chương trình hành động mà Quảng Nam sẽ thực hiện trong thời gian này cũng như giai đoạn kế tiếp?

- UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch “Chiến lược phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Nam đến 2020 tầm nhìn 2030” với nhiều nội dung cụ thể. Trong đó, việc phát huy vai trò của toàn dân và các cấp lãnh đạo chính quyền nhằm xóa bỏ những rào cản với những người nhiễm HIV rất được coi trọng. Mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng các dịch vụ can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV. Xây dựng chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại cấp tỉnh và triển khai thí điểm các huyện, thành phố có số lượng tiêm chích ma túy nhiều để tăng độ bao phủ và chất lượng chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại. 

Cụ thể, các hoạt động kỹ thuật tập trung vào chương trình trao đổi bơm kim tiêm sạch, nhất là ở những địa bàn có tình trạng tiêm chích ma túy nhiều (Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Tiên Phước, Quế Sơn...); chương trình phân phát, tiếp thị xã hội bao cao su ở những địa bàn có nhiều dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, khu công nghiệp (Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành, Duy Xuyên...) và chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế methadone (chương trình Methadone) phải được xúc tiến triển khai, đầu tiên sẽ thí điểm tại thành phố Tam Kỳ, nơi có số người tiêm chích ma túy nhiều. Đó là những kế hoạch, chiến lược dài hơi và cần có những quyết tâm cao cũng như sự hỗ trợ từ nhiều phía. Còn riêng trong tháng quốc gia hành động phòng chống HIV/AIDS, chúng ta đẩy mạnh mảng tuyên truyền trong toàn tỉnh.

- Xin cảm ơn ông.

Nếu cần thông tin liên quan đến HIV/AIDS, tại Quảng Nam có thể liên hệ đến các địa chỉ sau:
1. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Quảng Nam, đường Nguyễn Du, phường An Mỹ, TP. Tam Kỳ.
Nếu cần tư vấn xét nghiệm HIV, đến với các địa chỉ:
1. Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng, 129 Trưng Nữ Vương, TP. Tam Kỳ. Đến đây, bạn sẽ được đội ngũ các tư vấn viên, xét nghiệm viên có chuyên môn tốt, giúp bạn theo nguyên tắc bí mật và miễn phí.
2. Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Da liễu tỉnh Quảng Nam, đường Nguyễn Du, TP. Tam Kỳ. Đến đây ngoài việc khám, điều trị các bệnh chuyên khoa da liễu bạn còn được các bác sĩ, tư vấn viên, xét nghiệm viên tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí.
3. Phòng tư vấn sức khỏe sinh sản tại Phòng khám Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, 1 Nguyễn Du, Tam Kỳ. Các sản phụ đến đây, ngoài việc khám thai còn được tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí.
4. Phòng khám tư vấn lao/HIV tại Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Nam, đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Tam Kỳ.
Nếu cần các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS bạn đến với các địa chỉ sau:
1. Phòng khám Ngoại trú người lớn đặt tại Khoa da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, số 1 Nguyễn Du, Tam Kỳ.
2. Phòng khám Ngoại trú nhi, Bệnh viện Nhi tỉnh Quảng Nam, số 46 Lý Thường Kiệt, Tam Kỳ.
3. Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam.
Khi đến với chúng tôi, bạn sẽ được đội ngũ các bác sĩ, tư vấn viên, xét nghiệm viên chuyên nghiệp giúp bạn với phương châm “Khi tư vấn chúng tôi là chuyên gia, khi trò chuyện chúng tôi là tri kỷ”.

ANH TRÂM (thực hiện)