Góp phần gìn giữ di sản
(QNO) - Hôm nay (4.12), kỷ niệm 13 năm ngày Đô thị cổ Hội An được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới (4.12.1999 – 4.12.2012), Hội An miễn phí vé tham quan cho tất cả du khách trong nước và quốc tế từ 7 giờ đến 21 giờ. Hoạt động miễn vé này đã được Hội An duy trì trong suốt 13 năm. Câu chuyện về tăng giá vé tham quan khu phố cổ được thực hiện 1 tháng qua cũng nằm trong chiến lược giữ gìn di sản cho mai sau.
Du khách tham quan Hội An. |
Tăng giá vé, tăng lựa chọn
Trước đây, khi mới áp dụng tấm vé chung với những ô vé tham quan khu phố cổ, nhiều du khách đã phản ứng gay gắt. Bởi họ quan niệm mua vé riêng lẻ để tham quan theo sở thích, trong khi đó vé mới lên đến 10 di tích điển hình với 4 nhà cổ loại đặc biệt, 3 hội quán, 3 bảo tàng và một chùa (được lựa chọn giữa chùa Ông và chùa Cầu). Nhưng chỉ khoảng 2 tháng sau, dư luận và khách tham quan cũng quen dần với việc thay đổi này cùng với thực tế lượng khách đến Hội An tăng đều đặn mỗi năm. Đặc biệt, từ năm 1999, khi quần thể khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, việc bán vé chung một lần nữa được khẳng định bởi toàn bộ khu phố cổ là di sản, là một bảo tàng sống gần như độc đáo nhất trên thế giới với việc những người dân sống và sinh hoạt hàng ngày trong chính di sản.
Vé tham quan dành cho khách trong nước. |
Từ năm 1995 đến nay, Hội An đã thực hiện tăng giá vé 3 lần, gần đây nhất là từ ngày 1.11.2012. Trong đó, điều chỉnh giá vé tham quan Di sản văn hóa thế giới Hội An cho khách nước ngoài từ 90.000 đồng lên 120.000 ngàn đồng/ người/ 6 công trình văn hóa, khách Việt Nam từ 45.000 đồng/ người lên 60.000 đồng/ người/ 3 công trình văn hóa, đảm bảo giá vé đồng nhất cho khách nước ngoài và khách Việt Nam trên mỗi công trình văn hóa là 20.000 đồng. Với giá vé này, mỗi khách tham quan sẽ có một ô vé chung để tham quan cảnh quan không gian khu phố cổ, được trải nghiệm đời sống sinh hoạt, văn hóa của người dân.
Gần 20 năm, qua nhiều lần thay đổi mẫu mã hình thức của tấm vé tham quan nhưng slogan “Mua vé tham quan góp phần giữ gìn di sản văn hóa thế giới Hội An” vẫn được in trên mỗi tấm vé. Điều này không chỉ như một lời mời mà ẩn chứa cả sự tri ân của cư dân phố cổ với du khách. Thực tế, 17 năm qua thành phố Hội An đã bố trí khoảng 85% tiền thu được từ vé tham quan để đầu tư cho việc trùng tu các di tích, chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân duy tu, bảo dưỡng, tổ chức phục vụ khách đến tham quan. |
Ngoài ra, khách Việt Nam sẽ được tự do lựa chọn 2 điểm tham quan (tương ứng với hai ô vé) và khách nước ngoài được lựa chọn 5 điểm tham quan (tương ứng với 5 ô vé) thuộc nhiều loại hình di tích trong tổng số 21 điểm di tích đang được đưa vào phục vụ khách tham quan. Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao Hội An cho biết: “Sau một tháng thực hiện việc tăng giá vé tham quan, theo thống kê của văn phòng hướng dẫn tham quan Hội An, tổng giá vé thu được của tháng 11.2012 tăng 20% so với cùng kỳ tháng 11.2011. Điều thú vị, trong một tháng thực hiện bán vé tham quan giá mới đã có 240 khách Việt Nam một mực đòi mua vé dành cho người nước ngoài bởi họ muốn đi thăm nhiều di tích hơn nữa”.
Và những ngoại lệ
TP.Hội An có cơ chế giảm miễn với khách tham quan đi theo đoàn do các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp: đủ 15 khách được miễn một vé và đoàn đủ 8 khách miễn phí hướng dẫn viên, trẻ em dưới 16 tuổi được tham quan miễn phí. Ngoài ra, theo ông Châu Toàn Khánh, Phó Văn phòng Hướng dẫn tham quan Hội An, có những trường hợp ngoại lệ được áp dụng trong quá trình thực hiện: Với khách có chương trình tham quan và lưu trú tại Hội An vài ba ngày, tấm vé tham quan sẽ không chỉ có giá trị trong 24 giờ như đúng quy định mà có giá trị trong suốt thời gian khách lưu trú.
Theo đó, du khách có thể mang theo tấm vé của mình cùng với chương trình du lịch (để chứng minh khách có lưu trú tại Hội An) vào lại khu phố cổ để tiếp tục trải nghiệm sinh hoạt đời thường, nếp sống của người dân trong phố cổ, thưởng thức các chương trình nghệ thuật đường phố hay trở lại một nhà hàng để ăn, uống mua sắm... mà không cần phải mua vé nữa. Ông Khánh cho biết, văn phòng hướng dẫn tham quan thực hiện ngoại lệ đó để khuyến khích du khách lưu trú tại Hội An, tạo cho các nhà hàng, tiệm bán đồ lưu niệm và ngay cả những người nông dân ở vùng ngoại vi phố cổ tăng thêm thu nhập từ nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách. Người nước ngoài có bà con, thân nhân trong khu phố cổ có nhu cầu tham quan cũng được miễn vé tham quan và được hướng dẫn viên của văn phòng hướng dẫn tham quan đưa đi.
Cũng theo ông Võ Phùng, kể từ thời điểm bán vé chung năm 1995, 17 năm qua lượng khách hằng năm đến Hội An đều tăng, tổng số tiền vé bán được là 281,7 tỷ đồng, nộp vào quỹ bảo tồn - trùng tu di tích hơn 211,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hội An là một di sản sống, trong đó, mỗi ngôi nhà chính là một di tích nên việc sửa chữa, trùng tu phải tuân thủ đúng quy định về luật di sản, tốn kém gấp nhiều lần so với sửa chữa và xây dựng cơ bản. Bình quân, chi phí cho việc trùng tu một di tích hiện nay khoảng 5 tỷ đồng. Nếu lấy toàn bộ tiền vé tham quan năm 2012 (khoảng 46 tỷ đồng), không chi phí gì cả, chỉ để trùng tu các di tích thì một năm cũng chỉ sửa chữa được khoảng 7 đến 10 di tích trong khi hàng trăm di tích của khu phố cổ đã và đang xuống cấp.
Chủ sở hữu di tích tập thể tổ đình Minh Hương, ông Tăng Xuyên chia sẻ: “Từ năm 2002 – 2009, TP.Hội An đã hỗ trợ 100% tiền trùng tu di tích này với số tiền 5,6 tỷ. Sau khi được trùng tu, tổ đình đã được đưa vào một trong số những điểm tham quan dành cho du khách. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi nhận được khoảng 12 triệu đồng từ phần trăm của việc bán vé để duy tu công trình này. Tuy nhiên, giá trị tinh thần còn lớn hơn rất nhiều. Đó là tổ đình của chúng tôi được nhiều người biết đến hơn, bà con ở xa mỗi khi về trông thấy nơi thờ ông bà, tổ tiên của mình được chăm sóc, khang trang cũng vui vẻ, ấm áp”.
KHIẾU THỊ HOÀI