Ai nâng cánh ước mơ
Căn bệnh u não ngày ngày hành hạ nhưng Phước vẫn cố gắng chống chọi để học giỏi. Nhà nghèo, neo đơn nhưng Nguyệt lại đậu 2 trường đại học. Đó là những hoàn cảnh đáng thương tâm và nghị lực vô bờ của 2 tấm gương học sinh vượt khó ở bên kia đèo Le.
Ước mơ của Phước
Chúng tôi tìm đến nhà ông bà nội của em Nguyễn Đình Phước (xã Sơn Viên, Nông Sơn). Căn nhà cấp 4 nhỏ xíu lọt thỏm giữa um tùm cây cối. Mấy hôm nay trở trời, căn bệnh u não quái ác đêm ngày hành hạ Phước. Phước nắm co quắp trên giường, mặt nhăn nhó theo từng cơn đau. Cụ Nguyễn Đình Bá (ông nội của Phước) cho biết, Phước đang là học sinh lớp 4, trường Tiểu học Sơn Viên. Một lần Phước bị trận đau đầu khủng khiếp, gia đình lo lắng đưa đi Đà Nẵng khám mới biết em mang căn bệnh u não. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mẹ đều làm nghề nông; những bó rau, gánh lúa làm ra không đủ chạy chữa thuốc men cho Phước. Bố mẹ Phước đành phải gạt nước mắt xa con để ra Đà Nẵng làm công nhân kiếm tiền trang trải chi phí thuốc men. Đồng lương công nhân ít ỏi, tằn tiện hết mức bố mẹ Phước cũng chỉ đủ dành vào những đợt xạ trị chứ không thể đưa con đi chữa bệnh lâu dài.
Nguyễn Đình Phước giơ tay phát biểu trong giờ học. |
Từ ngày bố mẹ ra Đà Nẵng làm công nhân, Phước ở cùng ông bà nội. Ông nội Phước cho hay: “Mặc cho bệnh tật hành hạ, niềm đam mê với sách vở của Phước không hề thay đổi sau những lần phẫu thuật hay xạ trị”. Ở lớp, Nguyễn Đình Phước luôn được các bạn xem như tấm gương sáng trong học tập để noi theo. Ba năm liền Phước đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài việc học giỏi, Phước còn năng nổ tham gia các hoạt động do Liên Đội phát động như vẽ tranh, kể chuyện, kế hoạch nhỏ,... Cô Nguyễn Thị Bớt - Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Viên nói: “Với niềm yêu thương của cha mẹ ông bà, sự động viên khích lệ của thầy cô và bạn bè, Phước đã cố gắng học tập không ngừng, để ba năm liền là học sinh giỏi và đoạt được nhiều giải thưởng khác”.
“Em chỉ có một mong ước đó là sớm khỏi bệnh và không còn bị đau đầu. Lớn lên em sẽ học thật giỏi để được làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người” - Phước chia sẻ ước mơ.
Nhà nghèo, đậu 2 trường đại học
Quán tạp hóa nhỏ, lụp xụp ven đường ĐT 611 bày bán mấy gói bim bim lủng lẳng cũng chính là nơi cư ngụ lâu nay của mẹ con chị Nguyễn Thị Nguyệt (xã Quế Trung, Nông Sơn). Không đất ruộng, cũng chẳng có đất vườn, tài sản mẹ con chị Nguyệt chỉ có căn nhà rộng chưa đầy 20m2, bên trên lợp tôn, xung quanh được che chắn bởi những tấm gỗ tạp.
Cuộc sống của mẹ con chị Nguyệt lâu nay chỉ dựa vào quầy tạp hóa nhỏ. |
Chị Nguyệt có được cô con gái Nguyễn Hoài An Bình (SN 1994) vừa ngoan ngoãn lại học giỏi. Căn nhà hẹp đến nỗi Bình phải tận dụng nơi kê bếp làm góc học tập. “Lúc nấu ăn thì em dọn sách vở, nấu xong rồi em lại cất đi để lấy chỗ ngồi học” - Bình chia sẻ. Biết vượt khó nên 12 năm học qua, Bình luôn đạt học sinh khá, giỏi của trường. Bình còn là một cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình. Đặc biệt, kỳ thi tuyển sinh đại học vừa rồi, Bình đã đậu cả trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng.
Chị Nguyệt cho hay, ngày nhận giấy báo đậu đại học, Bình chạy vội về nhà khoe với mẹ. Cầm trên tay tờ giấy báo của con mà hai bàn tay chị run lập cập vì hạnh phúc. Nhưng niềm vui mới thoáng qua, nỗi lo đã xuất hiện. Chị Nguyệt kể, ngày Bình xếp quần áo chuẩn bị xuống Đà Nẵng nhập học, nhìn con mà nước mắt chị không ngừng chảy. “Biết lấy gì nuôi con ăn học ở thành phố đây?”. Câu hỏi ấy xuất hiện trong đầu hằng đêm nhưng chị bấm bụng quyết tâm cho con đi học. Ngày nhập học, dúi vào tay con mấy trăm nghìn đồng, chị dặn con cố gắng tiết kiệm, đợi mẹ mượn được tiền rồi gửi xuống thêm. Hai mẹ con chỉ biết nhìn nhau khóc… “Con đậu đại học, mừng thì mừng thiệt nhưng không biết rồi với thu nhập 50 nghìn đồng/ngày từ việc bán quán và 180 nghìn đồng/tháng tiền trợ cấp xã hội, tôi biết lấy chi mà cho con đi học đây. Con bé chọn trường sư phạm với ước mong sau này trở thành cô giáo. Nhưng, với hoàn cảnh của tôi, làm sao để con đạt ước mơ đây” - chị Nguyệt chia sẻ, đôi mắt đỏ hoe. Chị cũng cho biết, con gái mới đi học được có mấy tháng mà chị đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Giờ chị không còn chỗ nào để vay mượn nữa.
Dẫu biết rằng, “ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy...” (Mùa Lạc - Nguyễn Khải), nhưng không biết rồi đây gia đình chị Nguyệt và gia đình của em Phước có vượt qua được những “ranh giới” của cuộc đời hay không. Nếu có sự chung tay giúp sức của xã hội, có lẽ ước mơ của những cô cậu học trò nghèo ấy sẽ được nâng cánh trong tương lai.
VINH ANH - THU PHƯƠNG