Nan giải bồi dưỡng tài năng văn nghệ

01/12/2012 04:03

“Bồi dưỡng, chăm sóc tài năng văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, chủ đề hội thảo khoa học - thực tiễn do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học - nghệ thuật (VH-NT) Việt Nam tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh đã đề cập vấn đề nan giải hiện nay: làm sao chăm sóc tài năng văn nghệ?
Ở trung ương lẫn các địa phương, chuyện khá nhiều tiền của, công sức đổ vào việc bồi dưỡng nhưng cuối cùng thì tài năng văn học vẫn như “sao thưa buổi sớm” là một thực tế buồn. Từ thực tế đó, có nhiều ý kiến đặt ra về sự cần thiết nên hay không nên mở lớp đào tạo, bồi dưỡng. GS-TS. Nguyễn Văn Hạnh cho rằng, sáng tạo VH-NT là lĩnh vực của tài năng bẩm sinh, tài năng thiên phú. Phát triển quan điểm này, ông đề xuất trong tham luận: “Tôi nghĩ không nên mở các trường lớp đào tạo văn nghệ sĩ (VNS), cũng như không nên mở các lớp chuyên về văn ở phổ thông như lâu nay vẫn làm”. Theo ông, cách bồi dưỡng tốt nhất là nên thông qua nói chuyện chuyên đề kết hợp với việc phân tích, phê bình tác phẩm do các VNS tạo nên. Kết luận vấn đề, ông nhấn mạnh yếu tố vận động tự thân của VNS: “Không ai cứu được VNS, mà họ chỉ tự mình cứu mình thôi”. 

alt

Liên hệ các lớp học sinh chuyên văn, trại sáng tác dành cho thiếu nhi, thấy kiến giải của GS-TS. Nguyễn Văn Hạnh có cơ sở thực tế, khi nhiều “niềm hy vọng” học hành rất bài bản nhưng sáng tác thì vẫn không thể vượt qua được rào cản của nếp nghĩ sách vở, khuôn mẫu, thiếu cá tính độc sáng. Ngược lại, có những tài năng văn học rất ít hy vọng mà lại làm nổi đình đám. Quan điểm của GS-TS. Nguyễn Văn Hạnh có chỗ giống với các ý kiến khác, như của GS-TS. Mai Quốc Liên, nhà thơ Inrasara, nhà văn Trần Văn Tuấn… Trong tham luận “Mấy ý kiến về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn nghệ”, ông Mai Quốc Liên đã viết: “Nói chuyện tài năng, tài năng đích thực, thì xưa nay, Đông Tây đều là do tự mình cố gắng, tự mình đào tạo. Hoàn cảnh và sự tác động bên ngoài dường như chỉ là phụ, chỉ là cái sàn diễn cho tài năng…”.

Cũng coi trọng vai trò năng khiếu và nỗ lực tự thân, nhưng Inrasara và Trần Văn Tuấn lại nhấn mạnh đến bước nhận diện, phát hiện tài năng, xem đây là khâu có tính đột phá quan trọng. Bởi, không phát hiện được tài năng hoặc nhận diện sai về tài năng thì việc bồi dưỡng chăm sóc sau đó trở thành vô nghĩa: “Hội thảo đặt vấn đề “bồi dưỡng, chăm sóc”, mà muốn bồi dưỡng và chăm sóc hiệu quả, công việc đầu tiên là cần tìm biết các “tài năng VH-NT” hôm nay đang ở đâu (ý kiến của Inrasara); “Nhận diện tài năng văn học là một vấn đề văn hóa khoa học. Nó phải vượt qua được rào cản cảm tính, thị hiếu đơn giản, vượt qua định kiến và lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Có nhận diện đúng chúng ta mới có phương thức nuôi dưỡng để tài năng phát triển bền vững” (ý kiến của Trần Văn Tuấn).

alt
Tham luận tại hội thảo về Bồi dưỡng, chăm sóc tài năng văn học - nghệ thuật. Ảnh: H.X.H
“Văn nghệ sĩ rất dị ứng với sự áp đặt, thói mệnh lệnh, cửa quyền. Họ không cần sự vuốt ve, chiều nịnh, cũng không chịu đựng nổi thái độ đối xử dung tục, thô bạo, mà rất cần sự thông cảm, chia sẻ, cả những nhận xét, phê phán thẳng thắn, đúng đắn, thấu đáo, chân tình”.                                       (GS-TS. NGUYỄN VĂN HẠNH)

Bên cạnh sự cần thiết phải phát hiện cho được tài năng thật sự, nhận diện chuẩn về tài năng, các tác giả Inrasara, Trầm Hương… còn quan tâm nhiều đến môi trường,  “đất” để ươm mầm tài năng. Không có môi trường lành mạnh, không có đất tốt thì tài năng sẽ khô cằn, nếu không muốn nói là bị thui chột. Nghiệm lại, thấy nhiều “mầm xanh tài năng” chỉ xanh được một nửa rồi vàng héo, chết khô chỉ vì bị nhận diện nhầm, được PR quá đáng hay thiếu môi trường sống màu mỡ và lành mạnh.

Có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí “trái chiều”, về việc bồi dưỡng, chăm sóc tài năng VH-NT” càng cho thấy được đây là vấn đề nan giải. Có người cho việc bồi dưỡng, chăm sóc tài năng văn học là “lộ trình phù trợ hình thành nhà văn” (Ma Văn Kháng), nhưng cũng có người cho rằng nhà văn không cần đào tạo bồi dưỡng, nhất là khi “tinh anh đã phát tiết ra ngoài” mà đụng đến thì nó sẽ thụt vào ngay. Hoặc là, việc đào tạo bồi dưỡng chỉ có thể làm cho số lượng nhà văn nhiều lên, nâng thêm tầm mức chứ không thay thế được tài năng thật sự. 

Thực tế cho thấy, có người sau khi được đào tạo, bồi dưỡng tại một trường viết văn bài bản như trường Viết văn Nguyễn Du chẳng hạn, khi trở về lại… chẳng sáng tác được nữa, hoặc sáng tác dở hơn trước đó. Thế nhưng, cũng đã có những nhà văn, nhà thơ nhờ được đào tạo bồi dưỡng mà trưởng thành, “gầy dựng” thương hiệu. Phải chăng vấn đề cốt lõi nằm ở cách thức tổ chức bồi dưỡng và nỗ lực tự thân của mỗi VNS? Xin được trích dẫn ra đây ý kiến của GS-TS. Nguyễn Văn Hạnh để mỗi người có thể suy ngẫm thêm về tính khả thi trong cách thức bồi dưỡng, chăm sóc đội ngũ VNS, nhất là giữa lúc chúng ta đang đánh giá, rút kinh nghiệm 15 năm “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. GS. Nguyễn Văn Hạnh viết: “VNS rất dị ứng với sự áp đặt, thói mệnh lệnh, cửa quyền. Họ không cần sự vuốt ve, chiều nịnh, không chịu đựng nổi thái độ đối xử dung tục, thô bạo, mà rất cần sự thông cảm, chia sẻ, cả những nhận xét, phê phán thẳng thắn, đúng đắn, thấu đáo, chân tình”.

TIÊU ĐÌNH