Huy động hơn 254 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới Điện Bàn giai đoạn 2021 -2023
(QNO) - Ngày 28/11, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2023.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xay dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, bộ mặt nông thôn Điện Bàn đã có những chuyển biến tích cực. Đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 53,08 triệu đồng (tăng 4,28 triệu đồng so với năm 2021 và tăng hơn 10,76 triệu đồng với năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo của 8 xã NTM còn 1,01% (giảm 0,09% so với năm 2022, giảm 1,1% so với năm 2021 và giảm 0,4% so với năm 2000).
Điện Bàn đã tập trung thực hiện tốt công tác duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM, xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Diện mạo các xã, thôn có nhiều khởi sắc và chuyển biến theo chiều hướng văn minh, cảnh quan nông thôn ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng tăng lên, chất lượng các phong trào đi vào chiều sâu.
Kết cấu hạ tầng thiết yếu tiếp tục được đầu tư; lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường có chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị được củng cố, an ninh trật tự xã hội cơ bản được giữ vững, vai trò chủ thể người dân tiếp tục được phát huy. Những kết quả đạt được tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu cho các xã những năm tiếp theo.
Đạt được kết quả trên, ngoài sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành địa phương, sự đồng lòng của người dân thì nguồn lực cũng đóng vai trò rất quan trọng. Tính đến cuối tháng 11/2023 tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn thị xã khoảng 254 tỷ đồng.
Bên cạnh các nguồn vốn trực tiếp từ ngân sách trung ương 12,743 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 35,215 tỷ đồng, vốn ngân sách thị xã 13,76 tỷ đồng, vốn ngân sách xã 33,15 % tỷ đồng thì nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn chiếm tỷ lệ khá lớn với khoảng 88,95 tỷ đồng (trên 35%). Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp, HTX, tổ chức kinh tế cũng đóng góp tự nguyện khoảng 70 tỷ đồng (gần 28%) cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới 3 năm qua.