Thăng Phước nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Là địa phương miền núi còn rất nhiều khó khăn nhưng những năm qua xã Thăng Phước (Hiệp Đức) vẫn nỗ lực triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân cải thiện đáng kể.
Chú trọng xây dựng hạ tầng
Chúng tôi vừa có dịp quay lại xã Thăng Phước và thực sự ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng đất một thời nghèo khó này. Hàng loạt trục đường chật hẹp, nắng bụi mưa bùn của ngày trước, giờ đã được mở rộng và đổ bê tông xi măng kiên cố. Nhiều ngôi trường, nhà sinh hoạt văn hóa, khu thể thao, nhà dân… cũng được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Năm 2013, khi bắt tay thực hiện chương trình NTM, xã Thăng Phước chỉ đạt 2/19 tiêu chí là an ninh trật tự và hệ thống chính trị. Sau 10 năm nỗ lực triển khai, đến nay địa phương đã hoàn thành 16/19 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí chưa đạt chuẩn là nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất - phát triển kinh tế nông thôn, giáo dục – đào tạo.
Ông Lê Thanh Luận – Chủ tịch UBND xã Thăng Phước nói: “Theo lộ trình đặt ra, năm 2025 xã sẽ đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, cán bộ và nhân dân địa phương quyết tâm phấn đấu về đích NTM vào cuối năm 2024, trước 1 năm so với kế hoạch”.
Ông Nguyễn Văn Xử - Phó Chủ tịch UBND xã Thăng Phước cho biết, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng 10 năm qua địa phương nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn để thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM).
Phần lớn nguồn kinh phí xã ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính riêng giai đoạn 2021 – 2023, Thăng Phước huy động gần 39 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Ông Đặng Văn Bằng – cán bộ chuyên trách lĩnh vực NTM của xã Thăng Phước cho hay, 3 năm qua địa phương đã bê tông hóa và cứng hóa thêm hơn 775m đường liên thôn, 925m đường nội đồng, xây dựng 2 cống qua đường, mở rộng gần 1,2km đường trục xã.
Xã còn được huyện Hiệp Đức đầu tư nhiều công trình như mở rộng 3km đường ĐH13, kiên cố hóa mặt đường ĐH13 với chiều dài 574m, kiên cố hóa mặt đường ĐH10 với chiều dài 315m, xây dựng mới cống Hố Mây ở thôn An Lâm và cống Nhút tại thôn Nhị Phú.
“Tính đến thời điểm này, toàn bộ 10km đường ĐH10, 7km đường ĐH13 và gần 2km đường ĐX trên địa bàn xã đã được cứng hóa, nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Gần 91% đường trục thôn và đường liên thôn đã được cứng hóa đạt chuẩn” – ông Bằng nói.
Từ năm 2021 đến nay, Thăng Phước cũng đầu tư xây dựng 1 công trình thoát nước thải sinh hoạt khu dân cư với chiều dài 115m, 5 công trình điện chiếu sáng với chiều dài gần 6,8km; xây mới 2 phòng học, 2 công trình tường rào - cổng ngõ Trường TH&THCS Trần Cao Vân phân hiệu An Phú và phân hiệu Phú Toản; xây mới khu thể thao xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn Phú Toản; xây mới 2 điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi; xây mới 4 nghĩa trang nhân dân...
Nâng cao đời sống nhân dân
Bà Nguyễn Thị Lý – Phó ban nông nghiệp xã Thăng Phước cho biết, hiện toàn xã có 140ha đất lúa. Số diện tích trên nhận nguồn nước tưới từ hồ chứa An Vang, 12 công trình đập dâng và gần 4km kênh mương đã bê tông hóa.
Những năm qua, nhờ ngành chuyên môn của huyện Hiệp Đức và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến, đặc biệt là hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống mới có chất lượng tốt vào gieo sạ đại trà nên năng suất lúa tăng lên đáng kể.
“Năm 2023 này năng suất lúa bình quân của xã đạt khoảng 53 tạ/ha, tăng 3 – 4 tạ/ha so với năm 2013” – bà Lý nói.
Những năm gần đây, nhờ tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi, nhất là được thụ hưởng các cơ chế hỗ trợ của tỉnh và huyện Hiệp Đức, người dân Thăng Phước tập trung đầu tư phát triển mạnh mô hình kinh tế vườn.
Thống kê sơ bộ, thời gian qua Thăng Phước đã hình thành được 60 khu vườn trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, thanh long, sầu riêng, măng cụt, lòn bon… với diện tích mỗi vườn từ 500 – 1.000m2 trở lên.
Trong số 60 khu vườn vừa nêu, hiện nay có một số vườn đã cho thu nhập, còn phần lớn đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Theo ước tính, 3 năm nữa tất cả vườn đều cho hiệu quả kinh tế, bình quân đạt khoảng 50 – 100 triệu đồng/mô hình/năm”.
Nhiều năm nay, mô hình trồng rừng nguyên liệu được xem là hướng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ ở Thăng Phước. Tính đến thời điểm này, toàn xã có hơn 500 hộ dân tham gia trồng keo lai theo phương thức sản xuất hàng hóa với tổng diện tích 4.200ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 thôn An Lâm và An Phú. Hằng năm, người dân khai thác bán ra thị trường khoảng 800 – 1.000ha với mức giá sàn từ 60 – 80 triệu đồng/ha...
Nhờ lĩnh vực kinh tế chuyển biến tích cực nên đời sống người dân địa phương cải thiện rõ nét. Theo ước tính, năm 2023 này thu nhập bình quân đầu người của xã Thăng Phước đạt khoảng 47,2 triệu đồng, tăng 41,7 triệu đồng so với năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 10,05%, giảm 73,6% so với cách đây 10 năm.