Hướng tới hoàn thiện hạ tầng thương mại

VĨNH LỘC 30/11/2023 08:45

Rà soát, đổi mới mô hình quản lý chợ truyền thống, phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại, phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân… được xem là những yêu cầu thiết thực hướng tới hoàn thiện hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống siêu thị đóng vai trò quan trọng giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại Quảng Nam. Ảnh: V.L
Hệ thống siêu thị đóng vai trò quan trọng giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại Quảng Nam. Ảnh: V.L

Đa dạng hạ tầng thương mại

Giữa cuối tháng 7/2023, Tập đoàn Central Retail khai trương siêu thị mini GO! Điện Bàn tại phường Điện An, trở thành siêu thị GO! thứ 6 của tập đoàn Central Retail tại Việt Nam và là thứ 2 ở Quảng Nam (sau GO! Tam Kỳ).

Với diện tích sàn gần 2.000m2 , cùng hàng nghìn mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng thực phẩm chế biến, hàng gia dụng, hàng thời trang…, GO! Điện Bàn trở thành siêu thị có quy mô hiện đại và chuyên nghiệp nhất trên địa bàn thị xã.

Từ nhiều năm qua, đa dạng hóa hoạt động thương mại được thị xã Điện Bàn triển khai mạnh mẽ. Tính đến tháng 11/2023, Điện Bàn có tổng cộng 24 chợ truyền thống (gồm 3 chợ cấp 2 và 21 chợ cấp 3) cùng hàng nghìn quầy tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini như Pikamart, Winmart… Qua đó, không chỉ giúp người dân có nhiều lựa chọn mua sắm mà còn góp phần hoàn thiện hạ tầng thương mại địa phương, phù hợp với xu thế phát triển.

Dễ dàng nhận thấy, phát triển hạ tầng thương mại đã trở thành yêu cầu thiết thực được nhiều địa phương quan tâm mạnh mẽ, nhất là các huyện, thành phố đồng bằng có sức mua lớn như Tam Kỳ, Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc…

Đến năm 2023, toàn tỉnh có 3 siêu thị và trung tâm thương mại, 160 chợ (gồm 2 chợ hạng 1 và 13 chợ hạng 2), tổng số hộ kinh doanh qua mạng lưới chợ khoảng 23 nghìn hộ (bao gồm 14 nghìn hộ kinh doanh cố định và 9 nghìn hộ kinh doanh không thường xuyên).

Ngoài ra, còn có thể kể đến hàng trăm mô hình cửa hàng tiện lợi (siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng sản phẩm sạch...), đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đặc biệt, sự xuất hiện của các siêu thị, trung tâm thương mại lớn đã đóng vai trò đầu tàu trong việc điều phối, bình ổn thị trường. Đơn cử, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ với hàng chục nghìn sản phẩm hàng hóa được niêm yết giá cả đã mang đến sự tiện lợi cho người dân mua sắm, kể cả tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết: “Trong những thời điểm lễ tết, thiên tai, hàng hóa khan hiếm, siêu thị trở thành địa chỉ bình ổn giá cả thị trường hiệu quả.

Bình quân mỗi năm Co.opMart Tam Kỳ nộp thuế cho Nhà nước từ 7 - 8 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2024, Co.opMart Tam Kỳ sẽ phát triển thêm hệ thống Co.opmart mini đến một số huyện lân cận nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hóa, tăng doanh số bán hàng cho đơn vị”.

Củng cố chợ truyền thống

Có thể khẳng định, hoàn thiện hạ tầng thương mại không chỉ đảm bảo nhu cầu mua sắm, mang đến những tiện ích cho người dân mà còn thúc đẩy lưu thông hàng hóa địa phương.

Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thương mại dịch vụ là một trong những ưu tiên của thị xã, vì vậy việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển hoạt động thương mại luôn được Điện Bàn quan tâm, từng bước thay đổi diện mạo đô thị theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Trong đó, vai trò đầu tàu của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại rất quan trọng. Các siêu thị vừa là nơi mua sắm, vui chơi giải trí, đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Điện Bàn trong thời gian tới.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, phát triển, hoàn thiện hạ tầng thương mại là vấn đề quan trọng và cần thiết. Bên cạnh mô hình thương mại hiện đại, mô hình chợ truyền thống vẫn được xác định có vị trí quan trọng trong hoạt động thương mại hiện nay.

“Tuy việc kiểm soát chất lượng sản phẩm lưu thông tại chợ vẫn còn một số hạn chế như không đảm bảo vệ sinh, mặt hàng tươi sống không có bao bì, tem nhãn, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… nhưng vai trò của chợ truyền thống là khó thế thay thế vì phù hợp tâm lý tiêu dùng người dân” - ông Dự nói.

Thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống vùng đồng bằng, Sở Công Thương sẽ đề xuất UBND tỉnh xem xét, tính toán lại việc đầu tư hạ tầng thương mại miền núi, tránh gây lãng phí.

“Qua khảo sát, mãi lực hoạt động của các chợ miền núi rất thấp, hiện tại các chợ đang đáp ứng dư thừa kiot để tiểu thương thuê kinh doanh, một số địa phương không có nhu cầu đầu tư xây dựng chợ mới.

Vì vậy, UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương nghiên cứu hình thành các điểm tập trung tại các trung tâm xã, trung tâm cụm xã để các xe bán hàng lưu động và người dân đến trao đổi mua bán trong ngày là phù hợp, tránh tình trạng đầu tư xây dựng chợ không có tiểu thương kinh doanh gây lãng phí ngân sách nhà nước” - ông Dự nói.

VĨNH LỘC