Thương nhớ chợ trời
(VHQN) - “Cô cho hỏi cô Sáu bán tàu hũ giờ ngồi ở mô?”, “Bả ngồi đằng đó”, “Ờ, chợ giờ khác quá, làm tui tìm bả muốn sảng. Ủa mà bà cụ bán tôm khô đi mô rồi hè?”, “Bả chết lâu rồi mờ”, cuộc đối thoại sáng nay khiến tôi và bác ba Liên lặng người. Sau nhiều năm, kể từ lúc chợ xây lên, chúng tôi mới quay lại mà cứ nhớ chợ trời ngày xưa, nhớ cả thức quà đơn sơ gợi nhắc quê nhà.
Ngày xưa, xã Đạm Ri (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) nơi chúng tôi sống không có chợ như bây giờ. Đó là một vùng đất tập trung những người đi kinh tế mới, có người Quảng Nam, Quảng Ngãi và tít ở phía Bắc, miền Tây… về đây lập nghiệp.
Hằng ngày, trong xóm có một bà thím người Quảng Nam đi xe đạp gắn hai chiếc giỏ sau gacbaga, để nào thịt cá rau củ đủ loại, phía trước treo tòng teng túi đậu hũ, chả cá… Chúng tôi gọi đó là “chợ di động”.
Thím đi từ đầu xóm đến cuối xóm, bóp kèn nhựa kêu “tò tét” để mọi người đổ ra mua thức ăn. Nhà tôi ở cuối xóm, xe đến thì đồ ăn cũng vơi đi nhiều, đôi khi còn mỗi mớ rau muống, thím phải cho thêm bịch mắm cái chấm cùng.
Hôm nào muốn ăn ngon, má thường đi chợ trời. Đó là khu chợ tập trung rất nhiều người Quảng sinh sống. Gọi là chợ trời vì mái chợ vốn là vòm trời, mọi người đều ngồi chồm hổm mà mua bán. Bởi vậy, chợ họp từ mờ sáng, đến khi nắng lên thì ai nấy về lo vườn tược hoặc lỡ gặp một cơn mưa là nhốn nháo tìm chỗ trú.
Chợ trời giăng bao nhiêu “chướng ngại vật”. Bà thím bán bánh thuẫn ngồi ngay đầu chợ, mang cả lò than và khuôn đồng đổ bánh bán tại chỗ. Mùi của trứng gà, của gừng pha bột mì thơm lừng một góc chợ. Nghe mùi thơm là đám con nít nắm mãi áo mẹ, mong bà đứng lại, móc tiền ra mua một cái.
Sát lò bánh thuẫn là tới gánh chè đậu ván của bà Bảy. Nồi chè vàng óng ánh đặt cạnh ca nước cốt dừa trắng nõn, béo ngậy, nhìn thôi đã ứa nước miếng. Kế đó là hàng bánh xèo màu vàng nghệ, rau cải non xanh biếc và dậy mùi mắm nêm thơm phức. Hồi đó, mỗi cái chỉ vài trăm đồng, nhưng nếu ăn bánh thuẫn rồi thì phải thôi bánh xèo, ăn chè rồi không được ăn thêm tàu hũ. Bọn trẻ con cũng phải “toan tính” đủ bề.
Thỉnh thoảng, nhà có trứng gà, má dắt tôi lên chợ trời ngồi bán. Tôi thích nhất là lúc má “gửi” con ở gánh hàng đậu hũ của cô Sáu. Cô cũng người Quảng Nam mới vào Tây Nguyên đi kinh tế mới.
Khi vườn tược chưa có gì thu, cả nhà cô dựa vào gánh đậu hũ này. Một bên gánh là chiếc chum sành nằm trong thùng gỗ lót rất nhiều vải, lá chuối khô để ủ nóng. Một bên là hũ nước đường và chén muỗng, treo tòng teng thêm vài cái ghế đẩu.
Cô múc đậu hũ rất điệu nghệ, cái vá mỏng dính như một vạt của ống lon lạng nhẹ, hớt lên những miếng tàu hũ trắng phau. Cuối cùng, cô rưới vá nước đường nấu từ đường bát, sóng sánh màu cánh gián, ngọt thanh, cay cay vị gừng sẻ.
Lớn lên, đi chợ trời, tôi đâu chỉ mê những thức quà ngọt ngào, ở đó còn có những tiếng rao, mời chào giọng Quảng thân tình. Có thím ngồi bán rổ dưa leo, trái nào trái nấy quăn queo, bên cạnh vài mớ rau cải lá cũng lủng lỗ vì sâu ăn, cười hề hề: “Em bận làm đất, quên bắt sâu... choa trớt”.
Bà cụ bán hành tỏi móm mém: “Tỏi quê đó con, mua đại giùm bà một túm hỉ”. Anh bán tôm cá khô bị chê tôm sao nhỏ quá liền phân trần: “Năm nay ngoài quê mưa bão nhiều lắm thím ơi”. Nghe vậy, những người Quảng xa quê lại xúm lại hỏi han: “Bão răng?”, “Lụt ở khu nào đó chú, nhà tui có sao không?”… Có người nghe xong len lén lau nước mắt.
Bao nhiêu năm tháng trôi qua, vùng đất kinh tế mới đã thay da đổi thịt, mọc lên nhiều chợ, cửa hàng thực phẩm tươi sống. Chợ trời cũng được xây mới khang trang, người bán trở thành “tiểu thương” và được quy hoạch ngồi bán trong các quầy vuông vức. Rau củ, thịt cá, bánh trái chẳng thiếu thứ gì nhưng sao thấy chợ cứ văng vắng, như vắng một câu rao, một bóng hình tần tảo.
Sáng hôm ấy có cơn mưa bất chợt, tôi giật mình, rồi chợt nhớ ra, chợ bây giờ đã lợp tôn, mưa nắng không tới mặt, đâu có lam lũ hoài như chợ trời ngày ấy. Mừng cái khổ bà con mình đã qua một đận, nhưng lòng có chút trống tênh...